Quán bar TP.HCM nói 'không' với bartender Việt
Với khả năng giao tiếp ngoại ngữ, am hiểu văn hóa cocktail và sẵn sàng làm việc xuyên lễ Tết, bartender người nước ngoài được ưa chuộng ở một số quán bar TP.HCM và Hà Nội.
Sau 6 tháng nỗ lực đào tạo bartender trong nước, Hoàng Khương, kiến trúc sư kiêm nhà sáng lập Art Bar Việt Nam, mô hình gallery nghệ thuật kết hợp cocktail bar tại Thảo Điền (TP Thủ Đức, TP.HCM), không nhận được kết quả như kỳ vọng.
Cuối cùng, anh quyết định tuyển dụng bartender là người ngoại quốc. Một trong số những nhân viên pha chế "cứng" hiện làm việc ở quán của Hoàng Khương đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, anh làm việc với một bartender có quốc tịch Canada.
Không riêng quán của Hoàng Khương, tuyển dụng nhân viên pha chế ngoại quốc không còn là điều xa lạ tại các quán bar trong nước, đặc biệt là những địa điểm thu hút đông đảo khách quốc tế.
Với những lợi ích như thu hút khách hàng, tạo sự đa dạng văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng làm việc xuyên lễ Tết, bartender ngoại quốc được xem là giải pháp thu hút và giữ chân khách hàng hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc quản lý đội ngũ nhân viên pha chế đa quốc tịch cũng đặt ra không ít thách thức cho các chủ quán bar.
Lý do tuyển bartender nước ngoài
Sở hữu một cocktail bar đối diện hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội), Phạm Hùng quản lý 2 bartender nước ngoài. Một nhân sự của anh có quốc tịch Australia, người còn lại đến từ Mexico.
Lý do tuyển dụng nhân viên pha chế ngoại quốc được Hùng đưa ra là phục vụ khách nước ngoài lưu trú ở khu vực hồ Tây. Theo Phạm Hùng, những bartender này hiểu khẩu vị thực khách quốc tế, dễ dàng pha chế đồ uống vừa miệng nhóm đối tượng này.
Ngoài ra, khách hàng cũng không chỉ muốn dùng đồ uống, mà còn có nhu cầu trò chuyện, giao lưu với nhân viên pha chế. Lúc này, bartender đến từ các quốc gia sử dụng tiếng Anh có thể đáp ứng yêu cầu tiếp khách tốt hơn.
Với tỷ lệ thực khách quốc tế chiếm đến 50%, Phạm Hùng quyết duy trì khoảng 2-3 nhân sự nước ngoài. Anh chấp nhận trả lương cho nhóm nhân viên pha chế này cao hơn 1,5-2 lần so với bartender trong nước, coi đây là chi phí cơ hội để thu hút tệp người dùng mục tiêu.
Hơn nữa, bartender ngoại quốc cũng không đón Tết Âm lịch, có thể thay thế nhân sự trong nước làm việc xuyên lễ. Nhờ nhóm nhân viên này, Phạm Hùng thoải mái mở cửa vào những ngày như dịp Tết Nguyên đán, gia tăng doanh thu trong dịp này.
“Ngược lại, bartender nước ngoài nghỉ vào dịp Tết Dương lịch. Lúc này, nhân sự Việt Nam làm việc thay phần các bạn”, chủ cocktail bar này nói.
Trong khi đó, 100% bartender tại Art Bar Việt Nam là người nước ngoài, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài đảm bảo chất lượng đồ uống, Hoàng Khương tin rằng câu chuyện cocktail nên được kể bởi chính những bartender ngoại quốc.
"Văn hóa phương Tây phải để phương Tây nói, văn hóa cocktail phải để bartender quốc tế truyền tải”, anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc bartender nước ngoài không biết tiếng Việt giúp đảm bảo sự riêng tư cho khách hàng, tạo một không gian trò chuyện thoải mái. Theo Hoàng Khương, nhiều khách hàng chọn quán của anh không chỉ để gặp gỡ bạn bè, mà còn nhằm tiếp đãi đối tác, trao đổi về công việc. Cũng bởi vậy, ngoài phục vụ cocktail, quán có thêm menu đồ ăn, gồm những món phù hợp để thưởng thức cùng đồ uống có cồn.
Bài toán quản lý bartender ngoại quốc
Tuy nhiên, để thành công với chiến lược này, chủ quán cũng đối mặt với những thách thức trong quản lý nhân sự.
Khó khăn lớn nhất của Phạm Hùng khi quản lý nhóm nhân sự nightlife nước ngoài là tỷ lệ chuyển đổi (turn-over rate) cao. Theo anh, bartender quốc tế thường đến Việt Nam để trải nghiệm văn hóa địa phương, thích cuộc sống “nay đây mai đó” nên không gắn bó lâu dài.
Rút kinh nghiệm từ những lần nhân viên nghỉ đột ngột, đẩy quán vào cảnh thiếu người, Phạm Hùng yêu cầu nhân sự gắn bó ít nhất 6 tháng và báo thời gian rời đi trước 1 tháng.
“Năm ngoái, quán tôi có 3/6 nhân sự ngoại quốc. Họ nghỉ việc cùng lúc khiến tôi phải đích thân đứng quầy, loay hoay đăng thông báo tuyển dụng trên tất cả hội nhóm”, Hùng nói.
Ngoài ra, mâu thuẫn giữa bartender trong nước và nước ngoài cũng thường xuyên xảy ra. Sự bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa là lý do chính dẫn đến khúc mắc, hiểu lầm giữa các cá nhân. Phạm Hùng luôn phải trở thành “trọng tài” bất đắc dĩ trong tình huống này.
Mức lương chênh lệch cũng là nguyên nhân của sự hơn thua giữa 2 nhóm nhân sự này. Nhân viên pha chế người Việt thường tỏ ra đố kỵ, đùn đẩy trách nhiệm cho bartender ngoại quốc vì ghen tị với mức thu nhập cao hơn.
Về phần mình, Hoàng Khương khẳng định quản lý nhân sự trong hay ngoài nước đều có khó khăn riêng.
"Với tôi, điều quan trọng nhất là nhân viên phải yêu nghề, tôn trọng chính nghề nghiệp của mình, bất kể quốc tịch", anh chia sẻ.
Sắp tới, quán của anh sẽ chào đón thêm một nhân sự người Italy. Hoàng Khương cho biết những bartender đến từ các quốc gia có nền văn hóa cocktail lâu đời như Italy thường có yêu cầu cao về môi trường làm việc. Nhưng ngược lại, họ cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của quán về chuyên môn và phong cách phục vụ.
Minh chứng cho quan điểm làm việc của chủ quán được thể hiện ở lối ra vào độc đáo tại quầy bar. "Cánh cửa" thực chất là một thanh gỗ, có chiều cao cách mặt đất chưa đầy 1 m. Để bước vào bên trong quầy, bartender phải cúi người và luồn bên dưới thanh gỗ này, ngay cả những nhân sự ngoại quốc có chiều cao 2 m cũng không ngoại lệ.
Theo ý tưởng của Hoàng Khương, cũng là một kiến trúc sư, lối ra vào này tựa một lời nhắc nhở dành cho đội ngũ nhân sự rằng khi bước vào không gian làm việc, "mọi người đều bình đẳng, không phân biệt quốc tịch, và cần gạt bỏ cái tôi cá nhân để cống hiến hết mình".
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/quan-bar-tphcm-noi-khong-voi-bartender-viet-post1480139.html