Quán bún bò gốc Huế đông khách khu Hoàn Kiếm
Quán bún bò do chủ quán người Huế mở ở quận Hoàn Kiếm, nguyên liệu nhập từ Huế nhưng được gia giảm theo khẩu vị Bắc.
Dù không phải món ăn truyền thống Hà Nội, bún bò Huế vẫn chiếm trọn tình cảm của thực khách thủ đô. Không thể kể hết có bao nhiêu quán bán món đặc sản xứ Huế này ở Hà Nội với nhiều mức giá và hương vị khác nhau. Tuy nhiên, không nhiều quán do đầu bếp gốc Huế đứng bếp. Quán nhỏ trên phố Nguyễn Thái Học là một trong số đó, dù mới mở chưa lâu đã rất đông khách.
Quán nằm ở đầu phố, đoạn gần cắt với ngã tư Cửa Nam, diện tích không lớn, chỉ chứa được khoảng 30 người với hai tầng nhà nhưng nhờ vị trí đắc địa nên được nhiều người biết tới. Khai trương hơn một năm trước, ban đầu quán chỉ có khách là những người dân xung quanh hoặc khách vãng lai đi đường tình cờ thấy biển hiệu. Tuy nhiên, khoảng nửa năm trước, quán nhỏ được nhiều Tiktoker đến ăn thử, quay video review nên có thêm tệp khách mới, sau đó dần đông kín khách vào giờ cao điểm, mỗi ngày có thể bán tới vài trăm bát.
Chủ quán là chị Phương, người gốc Huế, gia đình có nghề gia truyền nấu bún bò Huế. Khi ra Hà Nội sinh sống, chị mở quán này vừa để mưu sinh, vừa giới thiệu đặc sản quê hương. Một số nguyên liệu chính làm nên hương vị nồi bún bò Huế được chủ quán lấy từ quê mang ra như sả và mắm ruốc cho đúng vị. Ngoài ra, nồi nước dùng còn có gân và sườn bò, vừa để hầm nhừ, vừa giúp tăng độ ngọt.
Thay vì giữ nguyên 100% công thức gia truyền, chủ quán có thay đổi đôi chút để hợp hơn với khẩu vị thực khách Hà Nội. Do đó, phần nước dùng và gia vị không đậm đà, cay bằng ở Huế nhưng được nhận xét "hợp miệng" người miền Bắc hơn.
Bước vào quán, thực khách sẽ thấy ngay quầy hàng đựng trong tủ kính cùng nồi nước dùng "size khủng" luôn trong tình trạng sôi sùng sục. Các nguyên liệu được bày biện ngay phía ngoài nên khách ăn có thể quan sát, từ đó cảm giác sạch sẽ và yên tâm hơn. Chân giò, chả cua và rau sống được bày sẵn ở quầy. Còn phần thịt bò để nguyên cả tảng, khách vào gọi chủ quán mới thái để tránh bị khô và mất ngon, nhất là trong thời tiết hanh khô ở Hà Nội.
Phần thịt bò thái mỏng, vẫn có độ mềm, ẩm. Viên chả cua to, màu cam bắt mắt, đậm vị cua. Gân để trong nồi nên luôn giữ được độ ấm nóng còn phần tiết mềm, dai, không bị cứng do đun quá chín. Sợi bún là loại sợi to, hơi khác so với bún bò ở Huế. Ngoài ra, quán bán thêm cả những miếng sườn bò to, mềm ngọt, cắn ngập răng. Nếu gọi thêm phần này, khách được phục vụ cùng chén nước mắm riêng để chấm cùng.
Nước dùng luôn là phần tinh túy nhất của bát bún bò Huế, ngọt vị xương bò, xương lợn và thịt bò, thơm nồng mùi sả. Với món ăn khác, vắt chanh chỉ là việc tùy chọn theo khẩu vị nhưng riêng với bún bò Huế, hương vị sẽ không trọn vẹn nếu quên thành phần này, tăng thêm vị chua chua, đỡ ngán. Bên cạnh đó, quán bày sẵn ớt hạt trưng và hành tím ngâm kiểu Huế. Món ăn này cũng không thể trọn vẹn nếu thiếu rau sống. Ba loại rau chính luôn phải có là rau húng, bắp chuối thái mỏng và giá đỗ tươi, tăng thêm mùi vị cho món ăn đất cố đô.
Không chỉ bán bún bò Huế, quán ăn này giống như một nhà hàng Huế hay khu chợ Huế thu nhỏ với nhiều món quà vặt khác. Thực đơn bánh gồm có bánh bèo chén, bánh lọc, bánh nậm, bánh khoái (giống bánh xèo nhưng vỏ dày và cỡ nhỏ hơn) và nem lụi, với giá từ 35.000 đến 70.000 đồng. Sau khi ăn no, thực khách cũng có thể tráng miệng bằng các món chè Huế như hạt sen, đậu xanh, đậu ngự, đậu ván hay khoai môn, đôi khi có cả chè bột lọc heo quay. Bạn cũng có thể gọi một mẹt ăn thử, mỗi món một chén nhỏ.
Bát bún bò Huế cơ bản có giá 40.000 đồng, không đắt so với vị trí trung tâm. Bát đầy đủ giá 50.000 đồng gồm giò heo, nạm hoặc gân, chả cua, tiết. Còn bát đặc biệt full topping giá 65.000 đồng. Quán bán từ sáng tới tối nhưng nghỉ trưa từ 14 đến 17h.