Quán cà phê cạnh bờ sông Sài Gòn tại quận 12 bị sạt lở nghiêm trọng
Hàng trăm m2 đất bị sạt, bàn ghế và cây xanh bị nhấn chìm là hiện trạng vụ sạt lở bờ sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã nhận được báo cáo từ Trung tâm Quản lý đường thủy về việc sạt lở xảy ra tại quá cà phê Giao Khẩu nằm sát bờ sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn phường Thạnh Lộc.
Theo đó, khoảng 4h sáng ngày 4/08 tại km 39 + 800 bờ phải tuyến sông Sài Gòn (thuộc tuyến đường thủy nội địa quốc gia) cách cầu Phú Long khoảng 2km thuộc khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM (quán cà phê Giao Khẩu) đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Quy mô sạt lở dài dọc bờ sông khoảng 40 mét, sâu vào bờ hơn 20 mét. Ngoài ra, hiện nay diện tích sạt lở lấn dần vào phía trong bờ khoảng 16-20 mét và xuất hiện những vết nứt dọc sông với chiều dài khoảng 30 mét.
Rất may mắn vụ sạt lở không gây thiệt hại về người và ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Tuy nhiên, khoảng 800 m2 đất cùng nhiều bàn ghế, cây xanh đã bị nhấn chìm, cuốn trôi.
Nguyên nhân sơ bộ của vụ việc được các đơn vị liên quan đánh giá do biên độ triều cường lớn, dòng sông chảy mạnh và nền đất yếu.
Sở Giao thông vận tải cũng cho biết, vị trí sạt lở mới này không nằm trong danh sách vị trí có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm (công bố năm 2022) của TP. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đất thực hiện rào chắn khu vực nói trên.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương thiết lập hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa ở khu vực để cảnh báo tàu thuyền hạn chế tốc độ khi lưu thông qua khu vực sạt lở. Trung tâm Quản lý đường thủy có trách nhiệm theo dõi diễn biến sạt lở, phối hợp với chính quyền địa phương để cảnh báo kịp thời nguy cơ sạt lở tiếp diễn.
Đáng chú ý, vị trí sạt lở này trước đây vào năm 2018 đã từng xảy ra tình trạng sạt lở tương tự với quy mô sạt lở dài dọc sông khoảng 45 mét, từ bờ vào trong khoảng 7 mét. Đến cuối năm 2019, chủ đầu tư đã thực hiện việc đóng cừ dự ứng lực gia cố bờ với chiều dài dọc sông 45 mét,, từ bờ tự nhiên ra 0,4 mét và mỗi vị trí cách nhau 3 mét.
Đặc biệt hơn nữa, chủ đầu tư quán cà phê giao khẩu còn nằm trong danh sách các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch trên tuyến sông Sài Gòn với hành vi gia cố bờ trong hành lang bảo vệ bờ chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép và đã bị Trung tâm Quản lý đường thủy phối hợp với phường Thạnh Lộc lập biên bản xử phạt.
Liên quan đến vụ sạt lở bờ sông tại quán cà phê Giao Khẩu, chiều ngày 09/08, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Anh Thư – Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc để tìm hiểu thông tin. Bà Anh Thư cho hay, đây là đất của người dân đã có sổ. Còn những vấn đề khác, vị này đề nghị Phóng viên liên hệ và để lại nội dung tại UBND phường Thạnh Lộc để trả lời sau.
“Chính xác thì phải có hồ sơ mới coi được. Bây giờ tôi đang ở ngoài. Anh có nội dung gì cần phường trao đổi thì anh vui lòng cho phường nội dung cụ thể, gửi lại văn phòng và tôi sẽ trả lời cụ thể”, Chủ tịch phường Thạnh Lộc nói.
Ngày 8/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 732/CĐ-TTg về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2023; nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
1.1. Trước mắt khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét:
1) Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
2) Tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.
3) Tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp,… Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
1.2. Về lâu dài:
1) Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng); khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.
2) Tổ chức rà soát, chỉ đạo xây dựng dự án, báo cáo cấp thẩm quyền bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.
1.3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin sự việc trong những bài viết tiếp theo.