Quán cà phê phủi trách nhiệm với khách mất xe SH: Cạn tình hay cạn tiền?
Nhiều bạn đọc cho rằng quản lý quán cà phê chối bỏ trách nhiệm khi khách hàng bị mất trộm xe SH là cách cư xử cạn tình, đồng thời mách nhau vào đâu cũng hỏi rõ: 'Có trông xe không?', kèm khóa cổ, khóa càng.
Sau khi VietNamNet đăng bài Hà Nội: Khách mất xe SH tại quán cà phê, quản lý nói 'phải tự bảo quản', nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến về vụ việc này.
Quán phủi bỏ trách nhiệm là cư xử cạn tình?
Trước việc quản lý quán cà phê SPHINX HOUSE trả lời 'đăng ký kinh doanh của quán có phải trông giữ xe đâu" để chối bỏ trách nhiệm bồi thường cho khách bị mất trộm xe, bạn đọc Phan Ha Nhan nêu ý kiến: "Giở luật ra thì đúng là quán không kinh doanh dịch vụ giữ xe, nhưng về tình thì khách đến cà phê, lại còn mời lên tầng 2 khó quan sát xe nữa chứ. Quán cần nhận trách nhiệm".
"Tôi nghĩ quán sợ món tiền đền khách lớn nên cố tình lơ đi trách nhiệm. Quán không nên đổ lỗi cho khách hàng. Cãi lý rằng không làm dịch vụ trông xe xong rồi đóng cửa à?", bạn đọc Thủybình luận.
Bạn đọc tên Giang bày tỏ bức xúc: "Thời buổi chạy đua nâng cấp dịch vụ mà quán này trả lời phủi bỏ trách nhiệm thế thì còn kinh doanh kiểu gì? Tận tình phục vụ chưa thấy đã thấy tuyệt tình".
Cho rằng việc quán cà phê có trách nhiệm trông giữ xe cho khách là đương nhiên, bạn đọc Lưu Quangbình luận: "Trừ khi bán cà phê mang đi, chứ còn khách ngồi uống thì trông giữ xe cho khách là đương nhiên rồi".
Cùng chung quan điểm trên, bạn đọc Bùi Đức Long nêu: "Chẳng lẽ mỗi lần vào quán phải hỏi chủ có ai bảo quản xe cho không?". Với sự việc khách bị mất xe không được đền, anh Long cho rằng, không ủng hộ quán chỉ muốn thu tiền khách, nhưng không muốn bỏ tiền thuê bảo vệ.
Theo bạn đọc Văn Bách, trong tình huống này, quán nên chịu trách nhiệm để giữ hình ảnh. Mặt khác, phối hợp với chủ xe, công an để tìm lại chiếc xe đã mất.
"Kinh doanh gì cũng tiềm ẩn rủi ro, nếu không tính đến các khả năng, không biết quản lý thì rủi ro càng cao. Mở nhà hàng to đẹp như thế thì bắt buộc phải có chỗ trông xe, có bảo vệ rồi mới khai trương chứ. Nhà hàng chứ có phải quán cóc vỉa hè đâu", anh Bách nhận định.
Đề cao việc giữ gìn hình ảnh trong lĩnh vực kinh doanh, bạn đọc tên Hoài nêu ý kiến: "Trong làm dịch vụ, không bao giờ được đẩy lỗi cho khách hàng. Cách xử lý của quán này mất điểm quá.
Nhân chuyện mất xe của khách này sao không tranh thủ biến cái đen thành cái có ích đi? Hãy đền cho khách theo thỏa thuận, mang câu chuyện quán mới mở nhưng chấp nhận đền tiền để lan tỏa đạo đức kinh doanh trên mạng xã hội.
Mấy chục triệu chỉ chạy quảng cáo được vài hôm, nhưng đền cho người ta thì tiếng lành đồn xa hơn".
Vào quán nào cũng phải hỏi cho kỹ có trông xe không?
Nhiều người cho rằng, vụ việc xảy ra là sự cố đáng tiếc với cả quán cà phê và khách hàng. Vì vậy để tránh tranh cãi phiền hà, mỗi khách hàng cũng cần tự nâng cao ý thức bảo vệ tài sản của mình.
Bạn đọc tên My chia sẻ: "Đây là kinh nghiệm xương máu. Vậy nên tôi đi cà phê đều vào quán lớn, dịch vụ đầy đủ, có người trông giữ xe". Theo bạn đọc này, trong số tiền khách hàng phải trả cho sản phẩm đã có chi phí thuê mặt bằng và thuê nhân viên bảo vệ.
Một bạn đọc khác cho rằng, khách hàng rất ít quan tâm chuyện tự bảo quản tài sản khi vào hàng quán. "Khách hàng thường mặc định việc này sẽ có chủ quán lo. Nhưng khi xảy ra sự cố, phát sinh rắc rối mới thấy trách nhiệm không cụ thể vào ai nếu không phát vé", bạn đọc này bình luận.
Đồng thời, bạn đọc này còn mong hội bảo vệ người tiêu dùng đề nghị các quán treo biển nói rõ có trách nhiệm hoặc không trách nhiệm với tài sản của khách để mọi người lường trước tình huống có thể xảy ra.
Nhiều bạn đọc tự rút kinh nghiệm cho bản thân: "Giờ vào quán nào cũng phải hỏi cho kỹ có trông xe không, có cái xe cỏ chẳng đáng bao nhiêu tiền nhưng mất là cũng không có cái đi lại"; "Cho dù đền 50-70% tài sản thì cũng là thiệt hại lớn rồi. Mọi người rút kinh nghiệm khi đi cà phê nhé"; "Để xe ở bất kì đâu, có hay không có người trông giữ cũng đều phải khóa cổ, khóa càng cẩn thận".