Cùng với sự phát triển của các tổ hợp giải trí dành cho giới trẻ, nhiều quán cà phê, nhà hàng nằm trong mô hình này cũng ngày càng đa dạng. Không chỉ có các hoạt động vui chơi, gian hàng mua sắm, khách đến đây còn có thể trải nghiệm đa dạng dịch vụ. Một số chủ quán cho hay việc chọn mặt bằng trong không gian mở, tích hợp với các thương hiệu khác giúp họ luôn có nguồn khách mới.
Trong một con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), quán cà phê thuộc tổ hợp Ươm Art Hub luôn đông khách vào giờ tan tầm. Giá đồ uống tại đây dao động ở mức 30.000-60.000 đồng/món. Không gian được bố trí nhiều cây xanh và các bộ bàn ghế nhỏ để khách có thể linh hoạt chọn chỗ ngồi tùy ý. Xung quanh quán tập trung nhiều mô hình nghệ thuật, mua sắm như cửa hàng quần áo, lớp học, studio chụp ảnh, tiệm sách.
Sau giờ tan làm, Tammy (sinh năm 1998), chuyên viên sáng tạo nội dung, thường chọn một quán cà phê trong khu phức hợp để thư giãn, gặp bạn bè. Khác với những tụ điểm từng đến, cô đánh giá nơi này có sự yên tĩnh, thoáng mát và nhạc đúng gout. “Tôi thích những tiệm nước có khu vực sân vườn hơn là phòng máy lạnh. Khi đi cà phê, tôi sẽ đánh giá cao trải nghiệm chứ không quan tâm đến giá cả. Lúc nào đến đây tôi cũng gọi 2 món yêu thích là Americano và matcha latte”, cô chia sẻ.
Do nằm ở tầng trệt của khu mua sắm Vesta Lifestyle & Gifts (đường Ngô Quang Huy, TP Thủ Đức), khách đến quán cà phê Banan Fukuoka Saigon thường bị nhầm lẫn nếu không nhìn kỹ biển hiệu.
Chị Trân Huỳnh (sinh năm 1989), quản lý quán, cho biết tiệm có 2 đối tượng khách hàng chính là người đi mua sắm và nhân viên làm việc ở các tòa nhà xung quanh. “Khi nằm chung không gian với khu tổ hợp, chúng tôi và các gian hàng khác có thể chia sẻ lượng khách cho nhau”, chị nói.
Hải Sâm (sinh năm 2001) đến tiệm cà phê bên trong một khu phức hợp phù hợp để nghỉ chân sau khi đi dạo, mua sắm. “Địa điểm này vừa có chỗ trò chuyện, vừa tiện mua đồ thủ công. Tuy nhiên, giá cả ở những nơi này sẽ cao hơn so với bên ngoài”, Sâm nhận xét.
Tương tự, Saigon Concept (Trần Ngọc Diện, TP Thủ Đức) là điểm lui tới thường xuyên của nhiều người nước ngoài sống tại Thảo Điền và giới trẻ.
Nơi này là “ngôi nhà chung” hơn 12 cửa hàng, từ ăn uống, mua sắm đến chụp hình check-in. Khách đến đây thích ngồi ở sân vườn ngoài trời và khu vực "water table" (kết hợp giữa bàn dài với hồ nước) để làm việc, đọc sách, hàn huyên với bạn bè.
Vài năm gần đây, mô hình mở quán cà phê trong các khu tổ hợp giải trí khá phổ biến. Ngoài là phương án để tối ưu hóa tiền mặt bằng, hình thức này còn có thể giúp các chủ doanh nghiệp chia sẻ nhiều lợi ích chung như nguồn khách, trang trí không gian, chi phí marketing…
Song song với ưu điểm, mô hình kinh doanh cộng sinh với tổ hợp cũng tồn tại những bất cập khó tránh khỏi. Chẳng hạn, khi chia sẻ địa điểm chung, các quán phải chấp nhận việc khách không sử dụng dịch vụ nhưng vẫn ngồi tại khuôn viên của mình. Ngoài ra, vì sức chứa bên trong khiêm tốn, nhiều cửa hàng chỉ có thể phục vụ một số lượng người nhất định. Với các khu phức hợp có đa dạng hàng quán, nếu không có bảng chỉ dẫn, khách cũng khó tìm được vị trí cần đến.
Từng ghé qua nhiều tổ hợp trước đây, Quỳnh My (sinh năm 1995) cho hay đặc điểm chung của những khu phức hợp là quy tụ các hoạt động, trải nghiệm phong phú. Sự khác biệt nằm ở cách bày trí và concept của từng nơi. “Tuy vậy, khi đến vui chơi ở những tụ điểm này, tìm bãi gửi xe cũng là một vấn đề khó. Lượng khách đông, nhưng nhiều chỗ chỉ giữ một số lượng giới hạn”, My bày tỏ.