Quản chặt thị trường đồ chơi trung thu
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến rằm Trung thu, nhưng những ngày đầu tháng 8, các lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường đồ chơi, bắt giữ số lượng lớn đồ chơi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử lý các đơn vị kinh doanh đồ chơi bạo lực, độc hại…
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc
Tết Trung thu là một trong những dịp lượng đồ chơi được tiêu thụ mạnh nhất trong năm. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng buôn lậu vận chuyển đồ chơi không rõ nguồn gốc, đồ chơi bạo lực tuồn từ nước ngoài qua biên giới về tiêu thụ trong nước.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra và ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển đồ chơi nhập lậu. Thông tin từ Tổng cục QLTT cho biết, ngay những ngày đầu tháng 8, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã thu giữ hơn 10.000 sản phẩm đồ chơi nhập lậu từ Trung Quốc như bộ đồ chơi xe đẩy bán kem 2 tầng, bộ kệ đồ chơi chữ A Baby PlayGym, bộ đồ chơi nấu ăn cho bé, bộ đồ chơi máy tính tiền kem kèm xe đẩy siêu thị, bộ đồ chơi câu cá tôm, cua, mực... Hay mới đây, Đội QLTT số 7 đã phối hợp với Đội CSGT số 4 thuộc Phòng CSGT Công an TP. Hải Phòng phát hiện và thu giữ hàng trăm bộ đồ chơi trẻ em các loại, như: Súng nhựa, bộ búp bê, siêu nhân Lego, ôtô điều khiển, đàn nhựa… Theo lực lượng QLTT, tất cả các sản phẩm này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, không chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy (dấu CR).
Đối với thị trường trong nước, Tổng cục QLTT cũng “mạnh tay” kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh đồ chơi có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo, nâng cao nhận thức pháp luật cho người tiêu dùng. Điển hình, vừa qua, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Qua kiểm tra, phát hiện 2 cửa hàng bày bán các sản phẩm đồ chơi là súng nhựa, kiếm nhựa ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý trẻ em không có nhãn hàng hóa, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, gồm 350 khẩu súng nhựa các loại; 105 chiếc kiếm nhựa các loại.
Xu hướng chọn đồ chơi an toàn
Với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng đồ chơi trẻ em của lực lượng QLTT, thị trường đồ chơi đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong những năm gần đây, đồ chơi Việt đã dần có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam nhờ chất lượng uy tín, giá cả hợp lý hơn so với hàng ngoại nhập và mẫu mã đa dạng, phong phú.
Ngoài ra, thị hiếu mua đồ chơi của người tiêu dùng cũng có sự thay đổi mạnh, thiên về chất lượng và bảo đảm an toàn sức khỏe. Nắm bắt tâm lý này, chị Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Cánh Diều - cho biết, hiện đồ chơi tại cửa hàng Cánh Diều đều là đồ chơi sạch, có kiểm định chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ và 100% made in Việt Nam.
Ngoài ra, “giá thành của những món đồ chơi này khá hợp lý, như: ôtô, xếp hình, tàu hỏa, các bộ lắp ghép giá từ 50.000 - 300.000 đồng; các bộ nấu ăn, sách vải, gối công chúa dao động từ 100.000 - 500.000 đồng. Đặc biệt, trẻ sơ sinh cũng có đồ chơi vải, xúc xắc gỗ an toàn không độc hại, giá dao động từ 70.000 - 200.000 đồng” - chị Hoa cho biết.
Trong thời gian trước, trong và sau Tết Trung thu, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi thông minh tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực nhập lậu.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-chat-thi-truong-do-choi-trung-thu-124200.html