Quan chức các nước quan ngại nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu
Trước khi khủng hoảng Ukraine diễn ra, hơn 800 triệu người trên thế giới đã bị mất an ninh lương thực; ước tính chỉ riêng giá lương thực cao có thể đẩy thêm ít nhất 10 triệu người vào cảnh đói nghèo.
Ngày 19/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, cuộc xung đột Nga-Ukraine được cho là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực vốn đã rất căng thẳng trên thế giới, với những cú sốc về giá cả và nguồn cung làm gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu.
Theo bà Yellen, ngay cả trước khi khủng hoảng Ukraine diễn ra, hơn 800 triệu người - tương đương 10% dân số toàn cầu - đã bị mất an ninh lương thực triền miên và ước tính chỉ riêng giá lương thực cao có thể đẩy thêm ít nhất 10 triệu người vào cảnh đói nghèo.
Bà Yellen nói rằng, các nước nên tránh các lệnh cấm xuất khẩu bởi nó có thể làm tăng giá hơn nữa, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Đây cũng là thông điệp được Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhấn mạnh.
Ông Lindner, phát biểu đại diện cho Nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), cho biết hành động có mục tiêu và phối hợp vào lúc này là điều cần thiết, nhưng kêu gọi tất cả các quốc gia "giữ cho thị trường nông sản mở, không tích trữ, không giữ lại kho dự trữ và không áp đặt các hạn chế xuất khẩu vô cớ đối với các sản phẩm nông nghiệp."
Ông cho biết G7 đã cam kết hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức chính phủ cùng chí hướng để "hành động một cách nhanh nhẹn."
Bà Yellen nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc cho phép viện trợ nhân đạo thiết yếu và đảm bảo sự sẵn có của thực phẩm và hàng hóa nông nghiệp để mang lại lợi ích cho người dân trên toàn thế giới, ngay cả khi các lệnh trừng phạt đối với Nga gia tăng.
Bà cho biết, điều quan trọng là phải tăng cường khả năng phục hồi lâu dài và kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế giúp giảm thiểu tình trạng thiếu phân bón toàn cầu và nỗ lực làm thông suốt sự gián đoạn chuỗi cung ứng đối với thực phẩm cũng như các nguồn cung thiết yếu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho rằng, an ninh lương thực sẽ là vấn đề quan trọng trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị các bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), đồng thời cảnh báo rằng giá thực phẩm và năng lượng tăng đột biến có thể "tạo ra bất ổn chính trị và xã hội lớn."
Một số đại biểu tham gia đã kêu gọi cộng đồng toàn cầu xem xét các công cụ hiện có như Chương trình Nông nghiệp và An ninh Lương thực Toàn cầu, được G20 tạo ra để đối phó với cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đề xuất các nền kinh tế tiên tiến nên tăng cường viện trợ lương thực cho các nước đang phát triển, và nỗ lực để tăng sản xuất lương thực, năng lượng và phân bón.
Còn Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang gây thêm áp lực lên 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang hoặc sắp lâm vào tình trạng nợ nần, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và các chủ nợ khu vực tư nhân "khẩn trương tăng cường tham gia" vào khuôn khổ chung G20 đối với xử lý nợ./.