Quan chức G7 thừa nhận không còn bàn đến vấn đề tịch thu tài sản Nga; IMF lên tiếng nhắc nhở
Ngày 7/5, bình luận về kế hoạch của phương Tây sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine, Phó Tổng gGiám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gita Gopinath nhắc nhở các nước này về sự cần thiết phải đảm bảo hành động đó có đủ cơ sở pháp lý.
Theo bà Gita Gopinath, việc tuân thủ các khuôn khổ pháp lý hiện hành là hết sức quan trọng để duy trì niềm tin giữa các quốc gia, cũng như niềm tin vào hệ thống tiền tệ quốc tế.
Ví dụ, nhiều quốc gia hiện theo dõi chặt chẽ những cuộc thảo luận đang diễn ra về khả năng sử dụng tài sản nhà nước của Moscow, bao gồm cả dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga, để hỗ trợ Ukraine.
Bà Gopinath nhấn mạnh: “Mặc dù bước đi này do các tòa án và khu vực pháp lý liên quan quyết định, nhưng đối với IMF, điều quan trọng là bất kỳ hành động nào cũng phải có đủ cơ sở pháp lý và không làm suy yếu chức năng của hệ thống tiền tệ quốc tế.
Quá trình củng cố lại niềm tin lẫn nhau giữa các quốc gia đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, đồng thời cần gìn giữ một số lợi ích to lớn từ hội nhập kinh tế".
* Liên quan vấn đề này, mới đây, một số quan chức của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thừa nhận riêng biệt rằng, việc tịch thu toàn bộ tài sản bị đóng băng của Nga không còn được bàn đến nữa.
Ukraine đang thúc đẩy phương Tây tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga, nhưng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác không thống nhất được việc này.
Nhật Bản, Pháp, Đức và Italy vẫn “rất thận trọng”, dẫn đến bế tắc.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde nhấn mạnh, việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga có nguy cơ phá vỡ trật tự quốc tế.
Các quan chức châu Âu cũng nhận thấy, Mỹ dễ dàng áp dụng lập trường cứng rắn hơn vì Washington chỉ nắm giữ khoảng 5 tỷ USD tài sản nhà nước của Nga, nên họ có “rất ít quyền lực trong cuộc chơi” so với lục địa này.
Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật cho phép tịch thu tài sản của Moscow đang cất giữ trong các ngân hàng của nước này.
Washington và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga như một phần của lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Hầu hết số tiền trên được nắm giữ ở các quốc gia thuộc khối 27 thành viên.