Quan chức Mỹ: IMF và Ngân hàng Thế giới cần trở lại với nhiệm vụ cốt lõi

Trong phát biểu tại cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã kêu gọi cải tổ sâu rộng hai định chế tài chính toàn cầu, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì vai trò dẫn dắt tại các tổ chức này.

Bài phát biểu diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang lo ngại trước những tác động lan rộng từ chính sách thương mại cứng rắn của chính quyền ông Trump, cũng như viễn cảnh bất ổn kéo dài trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Ông Bessent cho biết Mỹ không có ý định rút lui khỏi IMF hay Ngân hàng Thế giới, mà thay vào đó sẽ chủ động thúc đẩy hai tổ chức này thực hiện đúng các sứ mệnh kinh tế cốt lõi.

“Chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ không có nghĩa là nước Mỹ đơn độc,” ông nhấn mạnh. “Ngược lại, đó là lời hiệu triệu cho một hình thức hợp tác sâu sắc và tôn trọng lẫn nhau giữa các đối tác toàn cầu.”

Trụ sở chính của IMF tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: Xinhua

Trụ sở chính của IMF tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: Xinhua

Tuy vậy, vị Bộ trưởng không ngần ngại chỉ trích hiện trạng hoạt động của IMF và Ngân hàng Thế giới. Ông cho rằng IMF đang bị "lấn át nhiệm vụ", khi dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho các vấn đề như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và các chương trình xã hội - những nội dung vượt ra ngoài khuôn khổ kinh tế ban đầu.

“IMF từng là ngọn hải đăng trong việc thúc đẩy ổn định tài chính toàn cầu và hợp tác tiền tệ. Nhưng hiện nay, họ đang phân tán nguồn lực cho những mục tiêu thiếu trọng tâm,” ông Bessent phát biểu tại Viện Tài chính Quốc tế.

“Những vấn đề như khí hậu hay xã hội không nên chiếm lĩnh chương trình làm việc của một tổ chức kinh tế.”

Ông cũng bày tỏ lo ngại tương tự đối với Ngân hàng Thế giới, khi cho rằng tổ chức này đang chạy theo các khẩu hiệu thời thượng thay vì tập trung vào những hành động thực chất. Ông chỉ trích việc ngân hàng đưa ra các cam kết cải cách thiếu chiều sâu, mang tính hình thức, và chưa đi kèm với các giải pháp cụ thể để tạo ra giá trị rõ ràng cho các quốc gia thành viên.

Ông khẳng định, tổ chức này cần quay lại với sứ mệnh cốt lõi là thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, minh bạch và đem lại giá trị cụ thể cho các quốc gia thành viên.

Đáng chú ý, ông Bessent hoan nghênh định hướng của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga trong việc xem xét dỡ bỏ các hạn chế tài trợ cho dự án năng lượng hạt nhân. Ông nhấn mạnh, tổ chức này cần có lập trường “trung lập về công nghệ” và cân nhắc yếu tố khả thi về mặt chi phí trong các khoản đầu tư vào năng lượng, bao gồm cả năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch.

Về quan hệ thương mại với Trung Quốc, ông Bessent cho rằng các biện pháp thuế quan hiện nay phản ánh nỗ lực của chính quyền nhằm thúc đẩy môi trường thương mại cân bằng và minh bạch hơn. Ông kêu gọi Bắc Kinh điều chỉnh một số chính sách kinh tế được cho là chưa phù hợp với nguyên tắc thương mại công bằng. Dù Tổng thống Trump đã bày tỏ mong muốn đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Bessent thừa nhận rằng hiện vẫn chưa có lịch trình cụ thể cho các cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên.

Trong cuộc họp báo sau bài phát biểu, ông Bessent bác bỏ thông tin cho rằng Washington có thể đơn phương hạ thuế trước khi bắt đầu đàm phán.

“Không bên nào cho rằng mức thuế hiện tại là dài hạn. Nhưng bất kỳ điều chỉnh nào cũng phải dựa trên nền tảng đối thoại hai chiều” - ông nhấn mạnh.

Từ phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Guo Jiakun cho rằng nếu Mỹ mong muốn thúc đẩy đối thoại nhằm thu hẹp khác biệt, thì cần theo đuổi cách tiếp cận dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, thay vì áp dụng các biện pháp có thể gây sức ép trong quá trình thương lượng.

Đọc thêm: Tổng thống Trump tuyên bố bất ngờ về thuế quan với Trung Quốc

Kết thúc bài phát biểu, ông Bessent tái khẳng định: Mỹ sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng vai trò lãnh đạo trong các tổ chức tài chính quốc tế. Đồng thời, ông cũng yêu cầu IMF và Ngân hàng Thế giới cần minh bạch hơn trong cách thức vận hành và phải chứng minh hiệu quả thực tế của mình.

“Chúng tôi sẽ sử dụng ảnh hưởng để đưa các tổ chức này quay trở lại quỹ đạo nhiệm vụ ban đầu, phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng,” ông nói.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-chuc-my-imf-va-ngan-hang-the-gioi-can-tro-lai-voi-nhiem-vu-cot-loi.683612.html