Quan chức nào ở TP.HCM vướng lao lý?

Trước ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhiều lãnh đạo thành phố cũng dính đến sai phạm và bị khởi tố.

Ngày 11/7, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Trần Trọng Tuấn, Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM cùng bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đây không phải là 2 quan chức TP.HCM đầu tiên dính sai phạm và bị khởi tố. Từ cuối 2017 đến nay, nhiều lãnh đạo, cựu quan chức TP.HCM liên tiếp vướng vào vòng lao lý.

Ông Trần Vĩnh Tuyến và sai phạm tại Sagri

Ông Tuyến bị cho liên quan đến những vi phạm tại dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM (dự án nhà ở Phước Long B) do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH-MTV (Sagri) làm chủ đầu tư.

Trước đó, tháng 10/2008, Sagri đã ký với Tổng công ty cổ phần Phong Phú (Công ty Phong Phú) hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án Phước Long B. Trong đó tỷ lệ vốn góp và lợi nhuận được chia theo tỷ lệ Sagri 28% và Công ty Phong Phú 72%.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án nhà ở Phước Long B cho Công ty Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2). Mức giá này thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.

 Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ảnh: Lê Quân.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ảnh: Lê Quân.

Trong vụ việc này, Giám đốc Sở Xây dựng là ông Trần Trọng Tuấn đã tham mưu cho UBND TP.HCM, khẳng định việc chuyển nhượng dự án cho Sagri đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và kiến nghị thành phố chấp thuận. Từ tờ trình của Sở Xây dựng, ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú.

Đến ngày 19/7/2019, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng dự án. Sagri và Công ty Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau trước đây. Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện do Bộ Công an đã vào cuộc điều tra.

Hành vi của ông Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngoài 2 vị này, ông Phan Trường Sơn (53 tuổi, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nguyên Trưởng phòng phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM); Trần Quốc Đạt (Phó phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, thuộc Sở Xây dựng); Lê Tấn Hòa (chuyên viên Sở Xây dựng) cũng bị khởi tố về cùng hành vi.

Cựu Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín

Ngày 18/9/2018, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố. Cùng vướng lao lý với ông Tín lúc đó là Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Lê Văn Thanh (Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM).

Thời điểm 2011-2016, ông Tín được phân công phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai môi trường. Ông Tín biết khu đất số 15 Thi Sách (quận 1, TP.HCM) là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, việc tham mưu, sắp xếp thuộc Ban chỉ đạo 09 thuộc Sở Tài chính; tuy nhiên, ông vẫn giao 2.300 m2 khu đất này cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ "Nhôm" thuê trong 50 năm.

 Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nhận bản án 7 năm tù cho sai phạm của mình. Ảnh: Lê Quân.

Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nhận bản án 7 năm tù cho sai phạm của mình. Ảnh: Lê Quân.

Các ông Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương, Trương Văn Út, Đào Anh Kiệt đã tham mưu cho ông Tín ký ban hành chủ trương, quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách trái quy định.

Với sai phạm này, ông Tín tạo điều kiện cho công ty của Vũ "Nhôm" chiếm đoạt hơn 6,7 tỷ đồng được hỗ trợ sai quy định pháp luật và 802 tỷ đồng giá trị sử dụng đất (tính đến thời điểm khởi tố vụ án ngày 17/9/2018).

Ông Nguyễn Hữu Tín đã bị TAND TP.HCM tuyên 7 năm tù; Đào Anh Kiệt 6 năm 6 tháng tù; Trương Văn Út 5 năm tù; Lê Văn Thanh 4 năm tù và Nguyễn Thanh Chương nhận mức án 3 năm tù. Bản án này sau đó được cấp phúc thẩm giữ nguyên.

Ngoài sai phạm tại khu đất 15 Thi Sách, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng đồng phạm còn bị xác định phạm tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan khu đất rộng hơn 6.000 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 (TP.HCM).

Cựu Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài

Cuối năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015) về tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.

Các ông Nguyễn Hoài Nam, cựu Bí thư Quận ủy Quận 2, TP.HCM; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM; Trương Văn Út, nguyên Phó trưởng phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cũng bị khởi tố về tội danh trên.

Những người này bị cáo buộc về những sai phạm liên quan đến khu "đất vàng" 5.000 m2 tại số 8-12 đường Lê Duẩn.

Năm 2007, khu đất 8-12 Lê Duẩn do Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý, cho 4 công ty thuộc Bộ Công Thương thuê làm trụ sở. Trong thời gian giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM (2008-2011), ông Tài được giao phụ trách lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, đầu tư xây dựng, quản lý nhà.

 Vụ án của ông Nguyễn Thành Tài 2 lần bị VKSND TP.HCM trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ảnh: Bộ Công an.

Vụ án của ông Nguyễn Thành Tài 2 lần bị VKSND TP.HCM trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ảnh: Bộ Công an.

Bản thân ông Tài nhận thức rõ khu đất 5.000 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, được điều chỉnh theo quyết định 09, được sửa đổi, bổ sung tại quyết định 140 của Thủ tướng.

Khi có chủ trương xây khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại đây, UBND TP đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương, thành lập Công ty Lavenue thực hiện dự án.

Tháng 6/2011, Lavenue được UBND TP.HCM chấp thuận cho sử dụng toàn bộ khu đất trên để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất tại số 8 Lê Duẩn và cho thuê hàng năm với khu đất số 12 Lê Duẩn.

Do muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và bị tác động bởi mối quan hệ tình cảm với bà Lê Thị Thanh Thúy, ông Tài đã ký nhiều văn bản chỉ đạo, chấp thuận theo đề xuất của Công ty quản lý kinh doanh nhà, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trái với các quy định của pháp luật.

Vụ án của ông Tài và đồng phạm đã 2 lần bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Hoài Thanh
Đồ họa: Nhân Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-chuc-nao-o-tphcm-vuong-lao-ly-post1105808.html