Quan chức thời Trump mà ông Biden không dễ loại trừ

Tổng giám đốc Dịch vụ Bưu chính Mỹ Louis DeJoy đang khiến phe Dân chủ khó chịu, nhưng Tổng thống Biden dường như không có cách nào để sa thải quan chức này.

 Cover

Cover

Chỉ trong vài tuần sau lễ nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã sa thải hàng loạt quan chức cấp cao được người tiền nhiệm Donald Trump bổ nhiệm.

Tuy nhiên, một vị trí cũng quyền lực không kém và gây nhiều tranh cãi, Tổng giám đốc Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS) Louis DeJoy, vẫn tiếp tục tại vị.

Bất chấp phe cấp tiến đòi lập tức sa thải DeJoy - người bị đảng Dân chủ miêu tả là phá hoại hệ thống bưu chính trên cả nước, Tổng thống Biden lại hoàn toàn bó tay.

Trong khi ông chủ Nhà Trắng có toàn quyền bãi nhiệm lãnh đạo các cơ quan hành pháp, tổng giám đốc USPS lại là chức danh tổng thống Mỹ không dễ gì động đến.

Cái gai trong mắt phe Dân chủ

"Việc phe cấp tiến muốn loại bỏ DeJoy là điều dễ hiểu. Họ coi ông ta là một đồng minh không đủ phẩm chất (cho công việc tại USPS) của ông Trump, người đã làm mọi thứ để phá hoại ngành bưu chính", tờ Slate bình luận.

Từ sau khi ngồi vào ghế tổng giám đốc USPS tháng 6/2020, ông DeJoy đã thi hành chính sách cắt giảm chi tiêu triệt để nhằm cải thiện tình hình tài chính của cơ quan này.

Những biện pháp quyết liệt bao gồm cắt giảm thời gian làm thêm của nhân viên, loại bỏ việc sử dụng máy phân loại thư ở các chi nhánh trên cả nước, cấm xe giao thư chờ thư đến muộn hoặc đi những chuyến bổ sung, giảm giờ làm của nhân viên ở các bưu điện nhỏ...

Trước khi DeJoy nắm quyền, USPS thua lỗ 87 tỷ USD trong 14 năm trước đó. Nguyên nhân thua lỗ của cơ quan này một phần đến từ chính sách phúc lợi toàn diện cho nhân viên nghỉ hưu được ban hành từ 2006, cũng như xu thế ngày càng ít người sử dụng thư giấy, theo AP.

 Tổng giám đốc Dịch vụ Bưu chính Mỹ Louis DeJoy. Ảnh: AP.

Tổng giám đốc Dịch vụ Bưu chính Mỹ Louis DeJoy. Ảnh: AP.

Hồi tháng 3, ông DeJoy công bố một kế hoạch 10 năm, nhằm giúp USPS tránh thua lỗ thêm 160 tỷ USD trong thập kỷ tới; thông qua cắt giảm hơn nữa giờ làm việc, nới lỏng các tiêu chuẩn giao thư, tăng giá tem, cùng một số biện pháp thắt lưng buộc bụng khác.

Sau những thay đổi do ông DeJoy khởi xướng, USPS ghi nhận tình trạng lượng thư và hàng hóa vận chuyển tồn đọng tăng lên, trong khi tỷ lệ chuyển phát đúng hạn giảm xuống.

Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống 2020, đảng Dân chủ từng cáo buộc cựu Tổng thống Trump và đồng minh tìm cách phá hoại hệ thống USPS để ngăn cản cử tri bỏ phiếu qua thư. Những lá phiếu này vốn đa phần ủng hộ đảng Dân chủ.

Theo thống kê, USPS vận chuyển đúng tiêu chuẩn về thời gian đối với 99,89% trong tổng số 135 triệu lá phiếu được gửi đến cũng như tiếp nhận từ cử tri trong thời gian 4/9-4/11/2020.

Tuy nhiên, NBC cho biết có khoảng 25.000-50.000 phiếu bị vận chuyển muộn thời hạn nên không được kiểm đếm, mà nguyên nhân do lỗi của USPS.

Các đề xuất của ông DeJoy, được hứa hẹn giúp USPS giảm thua lỗ, nhưng lại khiến cơ quan này hoạt động giống như một doanh nghiệp tư nhân thay vì một dịch vụ công.

Và điều này mâu thuẫn với tư tưởng của đảng Dân chủ.

Hôm 4/6, FBI đã mở cuộc điều tra nghi vấn ông DeJoy có liên quan hoạt động gây quỹ trái phép ở bang North Carolina. Người phát ngôn của tổng giám đốc USPS thừa nhận cuộc điều tra đang diễn ra, nhưng khẳng định ông DeJoy không vi phạm bất cứ quy định nào.

Sau khi thông tin về cuộc điều tra của FBI được công bố, làn sóng kêu gọi Tổng thống Joe Biden sa thải ông DeJoy một lần nữa bùng lên.

"Tổng giám đốc DeJoy sẽ không ngồi ở vị trí ấy nếu ông ta làm việc cho một công ty tư nhân", Hạ nghị sĩ Dân chủ Carolyn Maloney, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, tuyên bố.

Tổng thống Biden bất lực

Bất chấp sức ép từ phe Dân chủ, Nhà Trắng không có nhiều lựa chọn khả dĩ để có thể thay thế người được cựu Tổng thống Trump đưa lên lãnh đạo USPS.

Mọi hoạt động của USPS, kể cả quyết định nhân sự đứng đầu cơ quan này, nằm dưới quyền quyết định của một ủy ban gồm 9 thống đốc tiểu bang. Các thành viên ủy ban do tổng thống đề cử và cần được Thượng viện thông qua. Đáng chú ý, mỗi đảng chỉ được có tối đa 5 thành viên trong ủy ban này.

Một khi đã được bổ nhiệm, các thành viên ủy ban chỉ có thể bị tổng thống bãi chức nếu "có lý do chính đáng".

Bởi quy định như vậy, Tổng giám đốc USPS DeJoy chỉ có thể bị ủy ban giám sát bãi nhiệm chứ không phải bởi Tổng thống Biden.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden khó có thể sa thải Tổng giám đốc USPS DeJoy. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khó có thể sa thải Tổng giám đốc USPS DeJoy. Ảnh: Reuters.

Lúc này, thành viên của ủy ban giám sát có 6 người, trong đó 4 thuộc về đảng Cộng hòa, 2 thuộc về đảng Dân chủ. 3 vị trí còn lại vẫn để trống.

Tổng thống Biden có thể đề cử 3 thống đốc Dân chủ sẵn sàng loại bỏ DeJoy vào ủy ban giám sát, nâng tổng số người của đảng Dân chủ lên 5, qua đó nắm thế đa số.

Dù vậy, rắc rối ở chỗ cả hai thành viên Dân chủ hiện có mặt trong ủy ban giám sát là Ron Bloom và Donald Lee Moak đều là những người trung dung, được cựu Tổng thống Trump đề cử. Họ cũng thể hiện sự ủng hộ với đương kim Tổng giám đốc DeJoy.

Trường hợp không thể thuyết phục được đa số thành viên ủy ban, Tổng thống Biden sẽ phải chấp nhận ông DeJoy tiếp tục tại vị.

Lúc này, phe Dân chủ cấp tiến đang kêu gọi Tổng thống Biden sa thải một số hoặc toàn bộ các thành viên ủy ban giám sát, và lựa chọn một nhóm thống đốc mới sẵn sàng sa thải ông DeJoy.

Nhưng, việc sa thải các thành viên ủy ban chỉ có thể thực hiện trên cơ sở "lý do chính đáng".

Do đó, trừ khi tìm được bằng chứng các thành viên ủy ban có sai phạm rõ ràng hoặc cực kỳ lơ là trách nhiệm, ông Biden sẽ phải chờ những người này hết nhiệm kỳ tại ủy ban.

Nhà Trắng cũng có thể mạo hiểm đẩy vấn đề lên Tòa án Tối cao. Năm 2020, Tòa án Tối cao từng cho phép tổng thống sa thải người đứng đầu Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng - chức danh cũng đòi hỏi cần lý do chính đáng để có thể sa thải.

Mặc dù vậy, quyết định trên của Tòa án Tối cao không ảnh hưởng lớn tới vấn đề nhân sự, bởi quan chức đứng đầu cục Bảo này do ông Trump bổ nhiệm.

Hiện nay, không gì bảo đảm ông Biden có thể thuyết phục Tòa án Tối cao, với đa số là thành viên phe Cộng hòa, đứng về phía mình.

Hơn nữa, việc cho phép Tổng thống Biden trực tiếp sa thải Tổng giám đốc DeJoy sẽ có tác động lập tức tới nhân sự cấp cao ở USPS.

Một quyết định như vậy của Tòa án Tối cao cũng sẽ ảnh hưởng tới các cơ quan độc lập khác như Cục Dự trữ liên bang, Ủy ban Thương mại liên bang, hay Ủy ban Thông tin liên bang.

Theo quy định, lãnh đạo các cơ quan này cũng không thể bị tổng thống sa thải nếu không có lý do chính đáng.

Quy định nói trên giúp bảo vệ tính độc lập của các cơ quan khỏi can thiệp của chính phủ.

Nếu Tổng thống Biden gây sức ép buộc Tòa án Tối cao xóa bỏ tính độc lập của USPS, tổng thống kế tiếp có thể làm điều tương tự ở mọi cơ quan liên bang khác, thay thế các chuyên gia và nhân viên dân sự bằng những người cánh hẩu của mình.

"Với những hệ quả tiềm ẩn ấy, ông Biden có lẽ thà chờ đợi nhiệm kỳ của các thống đốc hết hạn, hơn là sa thải họ lúc này và dẫn đến một phán quyết tồi tệ của Tòa án Tối cao", tờ Slate bình luận.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-chuc-thoi-trump-ma-ong-biden-khong-de-loai-tru-post1224496.html