Quan Công là ai: Những giai thoại kỳ bí của Hổ tướng Tam Quốc
Quan Công là chiến tướng oai phong lẫm liệt nổi tiếng thời Tam Quốc. Xoay quanh cuộc đời vị võ tướng hiển thánh này có rất nhiều giai thoại kỳ bí và vô cùng thú vị.
1. Quan Công là ai?
Thân thế của Quan Công
Nhắc tới Quan Công, ai ai cũng nhớ tới một danh tướng nổi tiếng với lòng trung nghĩa sắt son, hào hiệp trượng nghĩa. Ông là một trong những nhân vật lịch sử được biết đến nhiều tới ở khu vực Đông Á. Đây cũng là võ tướng duy nhất được lập điện thờ riêng tại Đế vương miếu (là nơi thờ những vị quan tài năng nhất qua các triều đại do nhà Minh, Thanh xây dựng).
Ngoài ra, ông là người được phong nhiều danh nhất trong lịch sử của Trung Quốc. Vậy Quan Công là ai mà lại được nhiều người tôn thờ như vậy?
Quan Công hay còn gọi là Quan Vũ, tự là Vân Trường. Ông còn được gọi bằng rất nhiều cái tên khác nhau như Quan Đế hay Mĩ Nhiệm Công (Ông râu đẹp), là người Giải Lương (nay thuộc Sơn Tây, Trung Quốc), tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng ông là người Bồ Châu.
Trong các ghi chép không lưu lại năm sinh của Quan Công và tổ tiên của ông, chỉ có thông tin cụ nội là Quan Long Phùng, ông nội của ông là Quan Thẩm, cha là Quan Nghị. Tam quốc chí có ghi rằng theo "Giang Biểu truyện" thì lúc còn trẻ Quan Vũ rất thích cuốn "Tả truyện", ông ngâm nga những đoạn mưu lược với vẻ đầy thích thú.
Sự nghiệp của Quan Vũ
Quan Vũ giỏi cả võ lẫn văn, tuy nhiên, do phạm tội, ông phải bỏ quê hương để tới quận Trác (nhiều giai thoại dân gian kể lại rằng ông đã giết một gã côn đồ chuyên đòi tiền bảo kê trong chợ nên đã bị truy bắt). Tại đây, Quan Vũ đã cùng với Lưu Bị và Trương Phi kết nghĩa làm huynh đệ.
Quan Công là dũng tướng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tạo lập nên nhà Thục Hán cùng Lưu Bị. La Quán Trung trong "Tam Quốc diễn nghĩa" đã liệt ông vào danh sách "Ngũ hổ tướng" cùng với 4 vị võ tướng khác là Trương Phi, Hoàng Trung, Triệu Vân và Mã Siêu.
2. 3 giai thoại bí ẩn để lại nhiều tranh cãi của Hổ tướng Quan Công
Quan Công không chỉ được ca ngợi là một võ tướng có tính cách hào hiệp, nghĩa khí, một đời trung thành mà ông còn người dân tôn thờ như một vị thánh. Xung quanh cuộc đời ông có rất nhiều giai thoại vô cùng kỳ bí và thú vị, hãy cùng tìm hiểu nhé!
Bí ẩn về tướng mạo đặc biệt mặt đỏ, râu tóc dài của Quan Công
Chúng ta vẫn thường thấy hình tượng Quan Vũ được miêu tả là có khuôn mặt màu đỏ, râu dài, trên tay cầm cây Thanh long Yển Nguyệt bảo đao và cưỡi ngựa xích thố. Tuy nhiên, theo truyền thuyết dân gian, Quan Công vốn là người trắng trẻo, thư sinh, râu tóc không dài. Dung mạo của ông thực sự chỉ biến đổi sau khi bị truy sát.
Có 4 giai thoại kỳ bí về nguồn gốc của tướng mạo đặc biệt của Quan Vân Trường:
Quan Công bôi máu gà
Trong một lần bị truy sát, Quan Công đã chạy trốn tới một vùng núi heo hút và gặp một người sơn nữ. Cô thấy ông gặp nạn nên bảo ông nằm lên giường giả làm người nhà bị bệnh. Cô giết một con gà trống và dùng tiết của nó bôi lên mặt Quan Công, cắt tóc của mình gắn quanh miệng ông giả làm râu.
Khi quan binh tới nơi, chúng lục tìm quanh chúng nhìn thấy Quan Công trong bộ dạng mới liền nói không phải và bỏ đi. Theo chúng, người mà chúng cần tìm có diện mạo trắng trẻo chứ không đỏ phừng phừng như thế. Nhưng kỳ lạ là sau lần đó, da của ông biến thành màu đỏ và tóc của cô sơn nữ cũng biến thành râu của ông.
Quan Thế Âm Bồ Tát ra tay cứu giúp
Một giai thoại kỳ lạ khác cũng được lưu truyền về tướng mạo đặc biệt của Quan Công. Khi đó, Quan Vân Trường bị truy sát và chạy tới bên bờ sông. Ông tình cờ gặp một bà lão, vừa thấy ông, bà liền bảo rằng: "Này chàng trai, cháu hãy tự đập vào mũi mình đi".
Nghe thấy lời khuyên có lý, Quan Vũ liền dùng tay đấm mạnh vào mũi mình khiến cho da trở thành màu đỏ, cắt tóc mình dính lên miệng giả làm râu. Quan Vân Trường nhờ thế mà thoát chết, ông lập tức đa tạ bà lão thì thấy bà đã biến mất. Người ta đồn rằng, bà lão ấy chính là Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thành.
Quan Công là thần tiên
Nhiều người cho rằng tướng mạo khác lạ của Quan Công là bởi ông không phải người phàm. Tương truyền, ở quê nhà của Quan Công có một hồ muối rất lớn. Bên bờ hồ có một ngôi chùa, trong đó có một lão hòa thượng rất thích đánh cờ.
Sau đó, có một vị đại trượng phu thường xuyên ghé qua cùng lão hòa thượng chơi cờ. Bỗng một ngày, trong lúc đánh cờ, lão hòa thượng chợt cảm thán rằng Giải Châu bao ngày nay không có một giọt mưa, đất đai khô hạn khiến bách tính rơi vào nạn đói kém. Nào ngờ, người kia lại nói rằng ông ta chính là Long Vương. Do Ngọc hoàng thượng đế ra lệnh không làm mưa ở vùng này nên ông ta không có cách nào khác.
Lão hòa thượng sau khi nghe nói liền hết mực van xin. Long Vương bị cảm động nên nhận lời lão hòa thượng. Long Vương còn dặn lão hòa thượng chuẩn bị một thùng lớn, khi nào nước mưa chuyển thành màu đỏ thì múc đầy và đem về chùa. Sau đó, Long Vương liền biến mất.
Một lúc sau, mưa lớn trút xuống khắp Giải Châu, vạn vật đều được hồi sinh, người dân vô cùng vui mừng. Lão hòa thượng không quên làm đúng theo lời dặn của Long Vương. Sau 108 ngày, từ trong thùng nước bỗng nổi lên một cậu bé da đỏ hồng hào, đó chính là Quan Công.
Thực ra, Quan Công là tái thế của Long Vương do làm trái lệnh của Ngọc hoàng nên bị trừng phạt. Nước trong hồ biến thành màu đỏ là do máu của Long Vương nhỏ xuống.Vì thế diện mạo của Quan Công đã vô cùng kỳ lạ ngay từ khi mới ra đời.
Gắn với quan niệm văn hóa
Theo một góc độ khác, hình tượng Quan Công với gương mặt đỏ và bộ râu dài quắc thước được dân gian xây dựng dựa trên quan niệm về ý nghĩa của màu sắc của văn hóa Trung Quốc. Quan niệm này được thể hiện rất rõ trong các việc trang điểm mặt nạ Kinh kịch.
Theo đó, người Trung Quốc đã sử dụng diện mạo màu đỏ để thể hiện sự oai phong, hiên ngang, chính trực và anh hùng của Quan Công. Tương tự như vậy, gương mặt của Trương Phi được mô tả là màu đen tượng trưng cho sự chính trực, vị tha, ngay thẳng và hung bạo. Mặt của Tào Tháo có màu trắng thể hiện nhân vật gian trá, giả trân và độc ác. Hình tượng của họ thể hiện rất rõ trong ca khúc kinh kịch "Ca nói về mặt nạ" trong câu hát "Mặt xanh là Đậu Nhĩ Đôn, trộm ngựa Triều đình
"Mặt đỏ là Quan Công, chiến đấu nơi xa trường
Mặt vàng là Điển Vi, mặt trắng là Tào Tháo
Mặt đen là Trương Phi, họ cứ ca vang mãi..."
Bí ẩn xung quanh cái chết của hổ tướng Quan Vũ
Quan Công là võ tướng thiện chiến nhưng đáng tiếc là ông lại chết trước khi đại nghiệp thành công. Nhìn lại chuỗi sự kiện xảy ra trong cuộc chiến cuối cùng của Quan Vũ, người đời sau tới nay vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh cãi khác biệt. Liệu có phải do Chỉ Mi Phương và Sĩ Nhân phản bội nên Quan Công mới thua trận không? Hay Quan Vũ chết là do âm mưu sắp đặt của Lưu Bị?
Cho đến tận ngày nay, sau 1.800 năm, hậu thế mới có cơ hội hiểu được chân tướng thực sự sau cái chết của Quan Vân Trường từ một số di vật khảo cổ được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ. Căn cứ vào việc phân tích các thông tin thu thập được trên các món cổ vật, các nhà sử học đã chia thành 2 giả thuyết về nguyên nhân Quan Công chết như sau:
Mâu thuẫn nội bộ Kinh Châu khiến Quan Vũ thất bại
Tháng 6 năm 1996, trong lúc thi công, một nhóm công nhân ở thành phố Trường Sa đã phát hiện ra một thẻ tre. Sau khi thẻ tre được chuyển đến Cục Văn vật của thành phố, các nhà khảo cổ đã tiến hành kiểm tra và nhận định thẻ tre này có từ thời Hán với giá trị lịch sử, văn hóa rất to lớn.
Đặc biệt, những thẻ tre này có ghi chép chi tiết về tình hình tại Kinh Châu thời Tam Quốc. Khi đó là năm Kiến An thứ 24, dưới sự cai quản của Quan Công, danh tính của tất cả người dân tại Kinh Châu đều được ghi vào sổ sách, cho dù người đó là ai, thuộc tầng lớp nào. Tuy nhiên vào năm Quan Vũ mất, những nhóm người này lại xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng.
Nguyên nhân chính là do sự phân biệt giàu nghèo tại đây quá lớn. Thêm vào đó, việc Chỉ Mi Phương và Sĩ Nhân phản bội đã khiến cho mâu thuẫn nội bộ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vì không thể kiểm soát tình hình nên Quan Vũ đã binh bại mà chết.
Quan Vũ chết là do âm mưu của Lưu Bị và Lưu Phong
Vào năm 215, Quan Vũ được Lưu Bị cắt cử làm người trấn giữ tại đất Kinh Châu. Sau đó, Quan Công đem quân đi đánh Phàn Thành của Tào Ngụy vào năm 219. Lợi dụng lúc Quan Vũ đang trong cuộc chiến với quân Tào, Tôn Quyền đã sai Lã Mông đem quân tới đánh lén Kinh Châu.
Quan Vũ thất thế trước Lã Mông nên đã yêu cầu thêm viện binh từ Mạnh Đạt và Lưu Phong nhưng họ đều án binh bất động. Vì thế, tới năm 220, Quan Vũ đã thất bại và phải chịu chém đầu.
Tuy nhiên, cuốn sử liệu được tìm thấy ở Tân Cương đã hé lộ giả thuyết về hung thủ thực sự đứng đằng sau cái chết của Quan Công là ai. Tác giả của cuốn sách này đưa ra quan điểm rằng, cái chết của Quan Vũ thực tế chỉ là một âm mưu được sắp đặt từ trước của quân chủ Thục Hán.
Theo đó, Lưu Phong vì muốn loại bỏ chướng ngại vật trên đường giành lấy quyền lực nên đã cố tình bỏ mặc Quan Công không tới chi viện. Thế nhưng, một nghi vấn từ đó cũng đã nảy sinh là phải chăng việc Lưu Phong, Mạnh Đạt bỏ mặc Quan Vũ là do chỉ thị ngầm từ Lưu Bị.
Cuốn sử liệu cũng cho rằng, Quan Vũ tài giỏi lại có tính kiêu ngạo, thẳng thắn đã trở thành mối họa trong mắt quân chủ. Vì thế nên Lưu Bị đã mượn tay của Đông Ngô, mượn tay của Lưu Phong để trừ khử Quan Công. Bởi Lưu Bị biết rằng, Lưu Phong có dã tâm đoạt ngôi sẽ cố tình làm ngơ để Quan Vũ bị đẩy vào họa sát thân.
Hơn nữa, sau khi Quan Vũ chết, Lưu Bị đã ban án tử cho Lưu Phong vì tội thấy chết không cứu. Kết cục này khiến cho các nhà khảo cổ nghi ngờ rằng nếu biết trước hình phạt nhận được nặng như vậy, tại sao Lưu Phong và Mạnh Đạt vẫn cố tình bỏ mặc Quan Vũ?
Thế nhưng đây chỉ là quan điểm một phía từ tác giả của cuốn sử liệu, thực hư cái chết của Quan Công ra sao vẫn chưa ai dám khẳng định.
Bí mật ẩn giấu trong ngôi mộ không bao giờ bị xâm phạm của Quan Công
Lịch sử của Trung Hoa đã từng không ít lần ghi nhận những trường hợp lăng mộ của hoàng đế, quan chức bị kẻ trộm mộ đụng chạm. Thế nhưng, ngôi mộ của Quan Công dù có vị trí vụ thể nhưng từ xưa tới nay vẫn không hề bị xâm phạm.
Sử sách ghi lại rằng, sau khi chết, Quan Vũ được chôn trong 2 ngôi mộ. Phần đầu của ông được hậu táng ở Lạc Dương, còn phần thân thì chôn ở Đương Dương. Ban đầu cả 2 ngôi mộ đều được dựng rất sơ sài, tuy nhiên, đến thời nhà Tùy và sau là nhà Đường, mộ của ông đã được tu sửa rất bề thế, hoành tráng. Đến thời Minh, 2 ngôi mộ đều được cải tạo thành "Quan lăng" với quy mô rất lớn và vô cùng uy nghi. Tới thời nhà Thanh, Quan Vũ được tôn làm Võ Thánh, sánh vai với Văn Thánh Khổng Tử.
Có một điểm khác biệt với 2 ngôi mộ của Quan Vũ so với những ngôi mộ của vua quan khác là trong suốt hơn 1.800 năm qua chúng chưa từng bị kẻ nào xâm phạm. Theo các nhà khảo cổ, nguyên nhân chính là bởi sau khi qua đời, hình tượng của Quan Công được thần thánh hóa nên hậu thế vô cùng tôn thờ. Từ giới quan chức, dân kinh doanh cho tới xã hội đen đều sùng bái ông. Có lẽ vì vậy nên 2 ngôi mộ của ông đều không bị kẻ trộm mộ đụng chạm.
Mãi cho tới thời gian gần đây, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tiến hành khai quật 2 ngôi mộ của Quan Công. Bất ngờ là, trong cả 2 ngôi mộ đều có hài cốt của nữ giới được hậu táng cùng ông. Theo những thuyết trong dân gian, sau khi chôn 2 phần thi thể của Quan Vân Trường, Tào Tháo và Tôn Quyền đã tiến hành là "đám cưới âm" cho Quan Vũ vì lo lắng ông gặp cảnh cô đơn nơi hoàng tuyền. Tuy nhiên, tới nay, hậu thế vẫn luôn băn khoăn rằng vì sao cả Tào Tháo và Tôn Quyền có cùng chung ý nghĩ này? Đây là sự trùng hợp hay họ còn có sắp đặt nào khác?
3. Vì sao lại có tục thờ Quan Công?
Đối với người dân Trung Quốc và khu vực Đông Á, Quan Công là một trong năm vị tướng tài góp công rất lớn trong việc tạo dựng nhà Thục Hán. Hơn nữa, trong các vị tướng nổi tiếng của lịch sử, ông là người có tính tình nghĩa hiệp, cương trực, luôn sẵn lòng bênh vực kẻ yếu thế, công bằng, trung thực.
Vì vậy, nhân gian đã thần thánh hóa và thờ phụng Quan Công như một vị thánh mang lại bình an, hạnh phúc, hóa giải hung khí, thuận lợi trong việc làm ăn, thăng quan tiến chức. Nhiều người thường chọn các bức tượng Quan Công cưỡi ngựa, đọc sách hay cầm đao để thờ phụng và trưng bày.
Ý nghĩa tượng Quan Công cầm đao
Tượng Quan Công cầm đao là một trong những hình tượng được nhiều người lựa chọn thờ phụng nhất hiện nay, đặc biệt là với những gia đình theo nghiệp võ. Bởi trong quan niệm của họ, hình ảnh Quan Công cầm cây Thanh Long Yển Nguyệt đao sẽ giúp họ và gia đình được bình an.
4. Những câu nói nổi tiếng của Quan Công
Quan Công được người đời ngưỡng mộ và coi là nghĩa sĩ thiên hạ là bởi lòng can đảm, hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành tuyệt đối của ông. Quan Công còn được hậu thế coi là vĩ nhân với những câu nói để đời rất đáng suy ngẫm. Trong đó, 2 câu nói nổi tiếng nhất của ông vẫn được người đời truyền tụng là:
- "Tình bạn nói trở mặt là trở mặt. Vòng tròn tình yêu nói mở ra là mở ra"
Câu nói này của Quan Vân Trường có nghĩa là trong cuộc sống có rất nhiều sự thay đổi khiến ta rơi vào hoàn cảnh trớ trêu. Có thể là những người bạn thân thiết đột nhiên trở mặt cho dù trước mặt họ vẫn luôn tỏ ra thân thiện, nhưng sau lưng lại là người luôn đi đố kị với ta.
- "Con gái ta là con của loài Hổ há lại kết thông gia với loài chó!"
Câu nói này của Quan Vũ được đặt trong tình huống khi ông từ chối lời yêu cầu kết thành thông gia của Tôn Quyền. Ông đã từ chối bằng cách gọi con gái mình là hổ nữ và chê con trai của Tôn Quyền không cùng đẳng cấp. Qua cách đánh giá này của Quan Công có thể thấy được ông là người có tính cách thẳng thắn và rất kiêu ngạo.
Đã hơn 1.000 năm trôi qua kể từ khi Quan Công qua đời, thế nhưng cái chết của ông và cuộc đời của ông vẫn còn rất nhiều những giai thoại bí ẩn chưa được làm sáng tỏ. Dù những giai thoại đó thực sự có thật hay không hãy để cho các nhà khoa học khám phá, còn về hình tượng mà Quan Vũ đã để lại cho hậu thế, chỉ với tấm lòng trung nghĩa, hào hiệp của ông đã đủ để chúng ta coi ông như một võ tướng tài ba của lịch sử.