Quân dân Bình Thuận: 'Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang'

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, các lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận đã liên tục mở rộng diện tấn công địch, tạo thế, tạo lực để phối hợp quân chủ lực giành thắng lợi quyết định.

Quân dân Bình Thuận

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Quân khu VI, Quân khu VII phối hợp cùng lực lượng vũ trang Bình Thuận mở chiến dịch Hoài Đức - Tánh Linh. Tháng 12/1974, ta giải phóng hoàn toàn 2 huyện Tánh Linh, Hoài Đức; đồng thời, tiến công, giải phóng và làm chủ nhiều vùng nông thôn của huyện Hàm Thuận, tạo một vành đai vây ép dồn địch vào các trung tâm thị xã, thị trấn.

Ở các huyện Hòa Đa, Phan Lý, Thuận Phong, Tuy Phong, Hải Ninh và các huyện thuộc tỉnh Bình Tuy (cũ) bộ đội địa phương và dân quân, du kích liên tục đột ấp diệt ác, phá kèm, đánh phá giao thông, đánh chặn địch hành quân càn quét vào vùng làm chủ của ta, làm cho hệ thống kìm kẹp của địch bị lỏng rã ở nhiều nơi.

Phan Thiết là trung tâm hành chính, quân sự đầu não của ngụy quyền tỉnh Bình Thuận nên địch bố trí phòng thủ với lực lượng quân sự mạnh, nhưng các đơn vị của thị xã Phan Thiết vẫn liên tục đột nhập đánh diệt gây nhiều thiệt hại cho địch như đánh diệt cụm địch ở bến xe Đức Long (8/12/1974), diệt cụm địch ở Phú Mỹ (14/12/1974) và diệt cụm lô cốt Xuân Phong làm cho địch hoang mang phải điều động lực lượng tăng cường phòng thủ thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng vũ trang các huyện đánh địch mở rộng vùng tranh chấp, vùng giải phóng, đưa phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận phát triển cao hơn. Ở một số nơi địch tung lực lượng phản kích hòng tái chiếm các vùng đã mất, song không xoay chuyển được tình thế.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, quân và dân Bình Thuận đã liên tục tiến công tiêu diệt địch trên địa bàn mình. Ngày 5/4/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cùng với Bộ Chỉ huy tiền phương họp bàn kế hoạch đánh địch và hạ quyết tâm: Tấn công dứt điểm chi khu Thiện Giáo, giải phóng các xã dọc lộ 8 và quốc lộ 1, áp sát thị xã Phan Thiết, sau đó phối hợp với các lực lượng của trên giải phóng thị xã và toàn tỉnh.

Ngày 7/4/1975, Trung đoàn 812 - Quân khu VI, từ Tuyên Đức hành quân cấp tốc về Ma Lâm để phối hợp với Tiểu đoàn 200C, Tiểu đoàn 840 của Quân khu và các lực lượng vũ trang, chính trị của tỉnh, của huyện Hàm Thuận đánh địch giải phóng chi khu Thiện Giáo. 2 giờ 45 phút sáng ngày 8/4/1975, ta nổ súng tấn công chi khu. Đến 21 giờ ngày 8/4 ta làm chủ chi khu và quận lỵ Ma Lâm, đập tan cứ điểm quan trọng bảo vệ phía Bắc Phan Thiết, làm cho hệ thống đồn bót của địch dọc lộ 8 và các khu vực xung quanh rúng động. Ngày 9/4/1975, lực lượng vũ trang của ta tiếp tục đánh chiếm các ấp Tân Thành, Tầm Hưng, An Phú, Bình An, Bình Lâm. Ở hướng quốc lộ 1 ta tiêu diệt đồn Sara và giải phóng ấp Sara.

Với những thắng lợi đã giành được đã mở ra thời cơ thuận lợi cho quân và dân Bình Thuận có thể giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà. Vì vậy, ngày 9/4/1975, lãnh đạo Quân khu VI và tỉnh Bình Thuận quyết định thành lập Ban Chỉ huy giải phóng Bình Thuận. Đồng chí Đỗ Phú Đáp, Tham mưu trưởng Quân khu làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Quý Đôn - Bí thư Tỉnh ủy làm Chính ủy. Từ ngày 10 - 12/4, lực lượng vũ trang của Quân khu VI, của tỉnh và huyện Hàm Thuận đánh chiếm một số mục tiêu then chốt của địch trên lộ 8, từ An Phú đến Tân An, Tân Điền... Ở hướng Tây Bắc Phan Thiết, lực lượng của thị xã cũng đánh chiếm các ấp Đại Hòa, Đại Thiện, hình thành nên một vành đai áp sát Phan Thiết. Sau đó, ta tiếp tục đánh chiếm các ấp Tùy Hòa, Gộp, Gò và yếu khu Phú Long - vị trí phòng thủ then chốt phía Bắc của Phan Thiết.

Ngày 12/4/1975, địch đưa nhiều tiểu đoàn với sự chi viện của pháo binh, máy bay phản kích quyết liệt hòng chiếm lại những nơi đã mất song đều bị thất bại. Đến ngày 13/4/1975, ta giải phóng được một vùng nông thôn rộng lớn, làm chủ lộ 8, chia cắt quốc lộ 1 ở nhiều đoạn quan trọng, dồn địch về Phan Thiết trong thế bị cô lập. Trong thời gian này, Tiểu đoàn 130 pháo binh (Quân khu VI) đang đứng chân ở khu vực Tam Giác cũng đã liên tục bắn pháo vào các vị trí địch ở thị xã, tiểu khu, các kho hậu cần, kho xăng, cứ điểm Tà Dôn và sân bay Căng ESEPIC tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, khống chế và đẩy địch vào tình thế rối loạn.

Ở Bình Tuy, từ ngày 3 - 22/4/1975, bộ đội địa phương tỉnh, thị xã La Gi, các huyện và dân quân du kích các xã đã liên tục đánh địch, giải phóng và làm chủ nhiều vùng nông thôn; làm chủ trục lộ 23 đến xã Tân Thắng và liên tục pháo kích tiểu khu Bình Thuận và khống chế sân bay Láng Gòn.

Chiều ngày 17/4/1975, huyện Tuy Phong được giải phóng. Sáng ngày 18/4/1975, các huyện Hòa Đa, Phan Lý và Hải Ninh lần lượt được giải phóng. 20 giờ ngày 18/4/1975, ta tấn công vào Phan Thiết, địch nhanh chóng tan rã, bỏ vũ khí ra đầu hàng quân giải phóng.

9 giờ sáng ngày 19/4/1975, Ủy ban quân quản vào tiếp quản Phan Thiết. Ngày 23/4, Hàm Tân được giải phóng. Được sự chi viện của Đoàn 382 Hải quân, đêm 26/4/1975, Tiểu đoàn 482 của tỉnh, Đại đội 490 và một số cán bộ của huyện Tuy Phong vượt biển ra đảo Cù Lao Thu (Phú Quý). 4 giờ sáng ngày 27/4/1975, quân ta nổ súng tấn công. Sau hơn 1 giờ chiến đấu ác liệt, quân địch buông vũ khí đầu hàng. Cù Lao Thu - phần đất cuối cùng của Bình Thuận được hoàn toàn được giải phóng.

Sau 51 ngày đêm (8/3- 27/4/1975) liên tục tấn công và nổi dậy, quân, dân Bình Thuận và Bình Tuy đã giải phóng hoàn toàn quê hương, góp phần cùng quân dân cả nước lập nên kỳ tích đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trải suốt hơn 21 năm chiến đấu kiên cường, quân và dân Bình Thuận đã lập nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng với 12 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”.

Công Nam

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/quan-dan-binh-thuan-tu-luc-tu-cuong-chien-dau-oanh-liet-thang-loi-ve-vang-126606.html