Quần đảo của giới siêu giàu tại Mỹ

Jekyll là một quần đảo thuộc quyền sở hữu của những nhân vật giàu có siêu hạng ở Mỹ, tại nơi đây văn kiện về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã được khởi thảo.

 Hình ảnh trên đảo Jekyll. Ảnh: Peter Frank Edwards.

Hình ảnh trên đảo Jekyll. Ảnh: Peter Frank Edwards.

Jekyll (bang Georgie) là một quần đảo thuộc quyền sở hữu của những nhân vật giàu có siêu hạng ở Mỹ. Các thế lực tai to mặt lớn mà đứng đầu là J.P Morgan đã thành lập một câu lạc bộ đi săn trên đảo Jekyll. Một phần sáu của cải thế giới dồn vào tay các hội viên của câu lạc bộ này và tư cách hội viên chỉ có kế thừa chứ không thể chuyển nhượng.

Lúc này, câu lạc bộ nhận được thông báo có người cần sử dụng hội sở của câu lạc bộ trong khoảng hai tuần, như vậy, trong khoảng thời gian đó, tất cả các thành viên đều không được phép sử dụng hội sở.

Toàn bộ nhân viên phục vụ đều là người đến từ đất liền, khi phục vụ vị khách VIP, họ chỉ được xưng tên chứ tuyệt đối không được sử dụng họ. Trong phạm vi 50 dặm quanh hội sở phải đảm bảo không có sự xuất hiện của bất cứ tay săn tin nào. Ngay sau khi công việc chuẩn bị hoàn tất, những vị khách bắt đầu lộ diện. Tham gia hội nghị tuyệt mật này gồm có:

Nelson Wilmath Aldrich - Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Ủy ban Tiền tệ quốc gia, ông ngoại của Nelson Rockefeller.
Abram Piatt Andrew - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ.
Frank Arthur Vanderlip - Chủ tịch National City Bank.
Henry P. Davison - Cổ đông cao cấp công ty J.P Morgan.
Charles Dyer Norton - Chủ tịch First National Bank.
Benjamin Strong - Trợ lý của J.P Morgan

Ngoài ra còn có Paul Warburg - một công dân di cư gốc Do Thái đến từ Đức. Năm 1901, Paul đến Mỹ đầu tư một khoản vốn lớn vào Kuhn, Loeb&Co. Ông là đại diện của dòng họ Rothschild ở Anh và Pháp, đồng thời đảm nhậm chức tổng công trình sư của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, kiêm Chủ tịch đầu tiên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Paul là một cao thủ về lĩnh vực ngân hàng, tinh thông gần như mọi khâu nhỏ trong hoạt động tài chính.

Những nhân vật quan trọng này đến hòn đảo nhỏ hẻo lánh mà chẳng có hứng thú gì với việc săn bắn. Họ đến đây với một nhiệm vụ chủ yếu là khởi thảo một văn kiện quan trọng: Dự luật Dự trữ liên bang (Federal Reserve Act).

Do cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 1907 mà hình ảnh của các nhà tài phiệt ngân hàng không còn mấy đẹp đẽ trong mắt người dân Mỹ. Điều này khiến đa số nghị sĩ Quốc hội không dám công khai ủng hộ dự luật do các nhà tài phiệt ngân hàng lập ra. Vì vậy, những người này không quản ngại đường xa vạn dặm, lặn lội từ New York đến hòn đảo hoang vắng này để tham gia khởi thảo văn kiện.

Hơn nữa, cái tên Ngân hàng Trung ương nghe có vẻ quá khoa trương. Từ thời Tổng thống Jefferson đến nay, tên gọi của Ngân hàng Trung ương đều có dính dáng đến âm mưu của các nhà tài phiệt Ngân hàng quốc tế Anh, vì thế, Paul kiến nghị dùng tên "Cục Dự trữ Liên bang" để che đậy tai mắt thiên hạ. Thế nhưng, trên thực tế, Cục Dự trữ Liên bang có đầy đủ chức năng của một ngân hàng trung ương, giống như ngân hàng Anh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được thiết kế theo mô hình tư nhân nắm giữ cổ phần, ngân hàng sẽ thu lợi rất lớn từ việc đó.

Paul đề xuất thêm: "Quốc hội khống chế Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Chính phủ nắm vai trò đại biểu trong hội đồng quản trị, nhưng đa số thành viên của hội đồng quản trị là do Hiệp hội Ngân hàng trực tiếp hoặc gián tiếp khống chế".

Về sau, trong phiên bản cuối cùng, Paul đổi thành "thành viên của Hội đồng quản trị do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm", thế nhưng, chức năng thực sự của Hội đồng quản trị do Hội đồng Tư vấn Liên bang khống chế, cùng với Hội đồng quản trị, Hội đồng tư vấn liên bang sẽ định kỳ mở hội nghị "thảo luận" công việc. Thành viên của Hội đồng Tư vấn Liên bang sẽ do Chủ tịch Hội đồng quản trị của 12 ngân hàng dự trữ liên bang quyết định. Điều này đã được lấp liếm trước công chúng.

Một vấn đề nan giải khác mà Paul phải đối phó là làm thế nào để che giấu sự thực rằng nhân vật chịu trách nhiệm chủ trì Cục Dự trữ Liên bang là một chuyên gia kỳ cựu của Ngân hàng New York. Từ thế kỷ XIX đến nay, vì phải gánh chịu nhiều thiệt hại do nạn khủng hoảng ngân hàng gây nên, hầu hết thương nhân, chủ trang trại vừa và nhỏ của miền Trung Tây nước Mỹ đều ghét cay ghét đắng các chuyên gia ngân hàng đến từ miền Đông.

Còn nghị sĩ của những khu vực này cũng không thể ủng hộ Ngân hàng Trung ương nếu người chủ trì là một nhân vật nào đó từ Ngân hàng New York. Vì vậy Paul thiết kế nên một phương án giải quyết tài tình để 12 ngân hàng địa phương thuộc Cục Dự trữ Liên bang có thể tạo thành một hệ thống hoàn hảo. Ngoài giới ngân hàng, rất ít người biết rằng về lý thuyết, việc phát hành tiền tệ và tín dụng của Mỹ được tập trung ở New York, dù thực tế, điều này không hề diễn ra ở New York, màn kịch này chẳng qua là do các ngân hàng thuộc Cục Dự trữ Liên bang dàn dựng mà thôi.

Còn một điểm nữa thể hiện sự suy nghĩ sâu xa của Paul - Đặt trụ sở của Cục tại Washington - trung tâm chính trị của nước Mỹ, trong khi New York mới là trung tâm tài chính lớn nhất của nước này. Mối lo ngại chính của ông ta xuất phát từ sự kỳ thị của dân chúng đối với các ngân hàng đến từ New York.

Điều bận tâm thứ tư của Paul là làm thế nào tìm ra nhân viên quản lý cho 12 ngân hàng địa phương thuộc quản lý của cục. Kinh nghiệm làm việc trong Quốc hội của Nelson Adrich cuối cùng đã giúp ông tìm được đất dụng võ. Ông chỉ ra rằng, các nghị sĩ miền Trung Tây nước Mỹ thường tỏ ra thù địch với ngân hàng New York, để tránh mất kiểm soát, Tổng thống phải là người đứng ra bổ nhiệm vị trí Chủ tịch ngân hàng địa phương và đó không phải là nhiệm vụ của Quốc hội.

[...]

Sau khi được dàn xếp chu đáo, dự luật này nghiễm nhiên xuất hiện với hình thức mô phỏng theo sự phân quyền và cân bằng kiểm soát của Hiến pháp Mỹ. Tổng thống bổ nhiệm, Quốc hội thẩm duyệt, nhân sĩ độc lập nhậm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn các nhà ngân hàng đảm nhận vị trí cố vấn, quả là một thiết kế hoàn hảo.

Song Hong Bin/ Bách Việt Books & NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-dao-cua-gioi-sieu-giau-tai-my-post1422392.html