Quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc về phát triển kinh tế tư nhân

Trung Quốc đã có những thay đổi, điều chỉnh liên tục về quan điểm, chủ trương về phát triển kinh tế tư nhân ở Trung Quốc, đặc biệt qua các kỳ Đại hội Đảng. Đến nay, kinh tế tư nhân của Trung Quốc không chỉ có vị thế cạnh tranh ngang bằng với kinh tế nhà nước, mà còn đảm nhận nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế quốc gia của nước này...

Qua hơn 40 năm cải cách mở cửa và hiện đại hóa, trải qua những cải cách liên tục trong cơ chế, chính sách của hệ thống kinh tế, kinh tế tư nhân ở Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh.

Hiện nay, kinh tế tư nhân đã trở thành thực thể thị trường năng động, sáng tạo và chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của Trung Quốc, đóng vai trò “56789” của nền kinh tế, tức là đã đóng góp hơn 50% thuế, hơn 60% GDP, hơn 70% thành tựu đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm ở đô thị và hơn 90% số lượng doanh nghiệp (theo Ban Cán sự Đảng Liên đoàn Công thương Toàn quốc Trung Quốc, 2023)...

NHẬN THỨC, QUAN ĐIỂM VỀ KINH TẾ TƯ NHÂN CÓ NHIỀU THAY ĐỔI

Kinh tế tư nhân Trung Quốc đã và đang đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, huy động nguồn vốn xã hội, khơi dậy tiềm năng của đất nước, tăng sức mạnh nội lực; tham gia tích cực vào phát triển nền kinh tế quốc dân và ngày càng chứng minh là một trụ cột quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Thực tế, để thay đổi được nhận thức, quan điểm về kinh tế tư nhân là cả một quá trình tìm tòi, từng bước thử nghiệm và điều chỉnh hàng loạt chính sách, biện pháp của bộ máy lãnh đạo của quốc gia này.

Qua hơn 40 năm cải cách mở cửa, nhận thức, quan điểm về kinh tế tư nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có nhiều thay đổi đáng kể và có nhiều bước ngoặt; theo đó, vai trò và vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Trung Quốc cũng đã có những bước tiến lịch sử, từ chỗ “gần như không có dấu tích”, đến “bổ sung”, rồi trở thành “bộ phận cấu thành quan trọng” của nền kinh tế thị trường XHCN ở Trung Quốc.

Theo Điều lệ tạm thời về doanh nghiệp tư nhân do Quốc Vụ viện của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ban hành ngày 25/6/1988, kinh tế tư nhân dùng để chỉ các tổ chức kinh tế mang tính kinh doanh lợi nhuận, có tài sản doanh nghiệp thuộc về sở hữu tư nhân, thuê từ 8 người lao động trở lên (Điều 2); doanh nghiệp tư nhân bao gồm 3 loại chính là: doanh nghiệp một chủ sở hữu duy nhất, công ty hợp danh; công ty trách nhiệm hữu hạn; kinh tế tư nhân là sự bổ sung cho kinh tế công hữu XHCN (Điều 3). Có thể thấy, kinh tế tư nhân ở Trung Quốc là một khái niệm về chế độ sở hữu.

TS. Nguyễn Thị Hạ, Viện Nghiên cứu Trung Quốc.

TS. Nguyễn Thị Hạ, Viện Nghiên cứu Trung Quốc.

Về chủ trương ban đầu đối với kinh tế tư nhân, Văn kiện số 5 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (thông qua vào tháng 1/1987) đã xác định rõ phương châm gồm 4 câu 16 chữ đối với kinh tế tư nhân, đó là: “cho phép tồn tại, tăng cường quản lý, tăng lợi chế hại, từng bước dẫn dắt”.

Đến Đại hội XIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/1987), Trung Quốc đã luận giải rõ ràng hơn về vấn đề kinh tế tư nhân: “Sự phát triển ở mức độ nhất định của kinh tế tư nhân có lợi cho việc thúc đẩy sản xuất, làm thị trường sôi động, mở rộng cơ hội việc làm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về đời sống của nhân dân trên nhiều mặt, là sự bổ sung cần thiết và có lợi cho kinh tế công hữu, cần nhanh chóng xây dựng các chính sách và pháp luật liên quan đến kinh tế tư nhân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tăng cường chỉ dẫn, giám sát và quản lý đối với kinh tế tư nhân”. Những luận giải nói trên về kinh tế tư nhân của Đại hội XIII đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân tại Trung Quốc.

Tiếp đến, Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/1997) và phương án sửa đổi Hiến pháp mới đã khẳng định tính chất, vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân về mặt chính trị và pháp luật. Báo cáo Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ rõ: “Kinh tế phi công hữu là bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế thị trường XHCN. Đối với các hình thức kinh tế phi công hữu như cá thể, tư nhân, cần tiếp tục động viên, chỉ đạo, khiến các hình thức này phát triển lành mạnh. Điều này có tác dụng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa của nhân dân, tăng việc làm, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế quốc dân”.

Sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, năm 2012, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công ở châu Âu ngày càng trầm trọng, Mỹ thắt chặt chi tiêu đột ngột; chủ nghĩa bảo hộ thương mại vì thế cũng gia tăng và lan rộng, thất nghiệp và lạm phát ở mức cao, tạo ra những lực cản cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu; các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đứng trước yêu cầu cấp bách về việc chuyển đổi động lực tăng trưởng nhằm tạo sự nâng cấp trong quá trình phát triển, Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có những điều chỉnh mang tính bước ngoặt về quan điểm, chủ trương về phát triển kinh tế tư nhân, đánh dấu một bước đột phá lớn trong việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp tư nhân nước này.

Báo cáo của Đại hội XVIII đã chỉ ra: “cần phải khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn sự phát triển của nền kinh tế ngoài công lập, đảm bảo rằng tất cả các hình thức kinh tế sở hữu đều sử dụng các yếu tố sản xuất như nhau, tham gia cạnh tranh thị trường một cách công bằng và được pháp luật bảo vệ như nhau”.

KINH TẾ TƯ NHÂN LÀ CHỦ THỂ QUAN TRỌNG...

Quyết định của Ủy ban Trung ương Trung Quốc về cải cách toàn diện sâu sắc một số vấn đề lớn đã được thông qua trong Phiên họp toàn thể thứ ba của Ủy ban Trung ương, đã nêu rõ: Nhà nước bảo vệ mọi quyền sở hữu kinh tế và quyền lợi hợp pháp của tất cả các hình thức kinh tế. Quyết định này đã đề xuất duy trì các quyền bình đẳng, cơ hội bình đẳng, các quy tắc bình đẳng, bãi bỏ các quy định bất hợp lý đối với các hình thức kinh tế ngoài công lập, loại bỏ các rào cản khác nhau và đưa ra các biện pháp cụ thể cho các doanh nghiệp ngoài công lập tham gia vào lĩnh vực nhượng quyền.

Điểm nhấn của quyết định này là việc khuyến khích phát triển một nền kinh tế sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước và tư nhân, bởi điều này có lợi cho việc mở rộng vốn nhà nước, gia tăng thêm sự bổ sung các thế mạnh của mỗi thành phần kinh tế. Những điều chỉnh và nhấn mạnh này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và nâng cao đáng kể vị thế của kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, nó còn có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các trở ngại về thể chế mà kinh tế tư nhân đang gặp phải.

Bước sang kỳ Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Báo cáo của Đại hội lần này đã chỉ ra rằng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước sang một kỷ nguyên mới. Báo cáo đã đề xuất một loạt các lý thuyết mới, tạo ra một cuộc thảo luận lớn về sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế phi công hữu; đồng thời tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn sự phát triển của kinh tế tư nhân trong thời đại mới. Báo cáo Đại hội đã đưa ra định hướng về hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và thực hiện một loạt các triển khai lớn trong hệ thống tiếp cận thị trường, hệ thống quyền tài sản, hệ thống thương mại...

Những điều này đã định hướng sự phát triển bền vững và lành mạnh của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và đánh dấu sự phát triển của kinh tế tư nhân của Trung Quốc bước vào giai đoạn lịch sử mới. Trong giai đoạn này, các đặc điểm chính của cải cách kinh tế tư nhân là sự “gắn kết”, “nới lỏng” và “giảm gánh nặng” (theo Hà Thị Hồng Vân (chủ biên), Phát triển kinh tế tư nhân ở Trung Quốc: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Chiết Giang). Hầu hết các chính sách đều được xây dựng xung quanh mục tiêu vì sự phát triển chất lượng cao của các doanh nghiệp tư nhân trong thời đại mới.

Tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2022), Chính phủ nước này đã vạch ra kế hoạch tổng thể xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, làm rõ nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy toàn diện công cuộc phục hưng dân tộc Trung Hoa thông qua hiện đại hóa kiểu Trung Quốc; đồng thời, đưa ra quyết định quan trọng một cách rõ ràng là “thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế tư nhân”.

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc năm 2022, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh: cần khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân từ góc độ chính sách và dư luận xã hội. Ông Tập khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân là của đất nước, là lực lượng quan trọng thực hiện giấc mơ trẻ hóa dân tộc của Trung Quốc; trong hành trình mới xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại một cách toàn diện, kinh tế tư nhân của Trung Quốc phải chuyển sang một giai đoạn phát triển rộng lớn hơn.

Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã liên tục đưa ra các yêu cầu rõ ràng về tăng cường bảo vệ quyền sở hữu, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tối ưu hóa môi trường kinh doanh, hỗ trợ cải cách và phát triển doanh nghiệp tư nhân; đồng thời, xây dựng mối quan hệ giữa hệ thống chính trị và doanh nghiệp thân thanh (thân: quan tâm, phục vụ, hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gõ khó khăn, tăng niềm tin; thanh: trao đổi Chính phủ - doanh nghiệp phải trong sạch, trung thực, tránh sử dụng quyền lực để thu lợi cá nhân... không để xảy ra các giao dịch trục lợi).

Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các cơ quan liên quan của Quốc Vụ viện Trung Quốc, các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã đưa ra một loạt các biện pháp chính sách về tiếp cận thị trường, môi trường kinh doanh, giảm thuế, phí và hỗ trợ tài chính, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế tư nhân (theo Ban Cán sự Đảng Liên đoàn Công thương Toàn quốc Trung Quốc, 2023).

Từ góc độ nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng toàn diện một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, nếu không có nền tảng vật chất, công nghệ vững chắc thì không thể xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hùng mạnh một cách toàn diện. Bởi vậy, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ ra: kinh tế tư nhân là chủ thể quan trọng để thúc đẩy cải cách cơ cấu bên cung, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại...

———————————-

Kỳ sau: Nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế tư nhân của Trung Quốc

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2023 phát hành ngày 02-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quan-diem-cua-dang-cong-san-trung-quoc-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan.htm