Quan điểm trái chiều ở châu Âu về công nhận Nhà nước Palestine
Các nước châu Âu gồm Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland đã thông báo về việc sẽ công nhận Nhà nước Palestine. Quyết định này nhận được sự hoan nghênh từ chính quyền Palestine, phong trào Hồi giáo Hamas. Tuy nhiên một số nước châu Âu khác chưa có ý định công nhận Nhà nước Palestine.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng cuộc xung đột ở Trung Đông cần một giải pháp chính trị chứ không phải “sự công nhận mang tính biểu tượng” đối với một nhà nước Palestine.
Đức cho biết họ sẽ không công nhận một nhà nước Palestine vào thời điểm hiện tại. Người phát ngôn của Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng Đức đang hy vọng vào một giải pháp hai nhà nước được thương lượng giữa Israel và Palestine sẽ dẫn đến một nhà nước Palestine riêng biệt nhưng thừa nhận rằng giải pháp đó, tuy là giải pháp tốt nhất, hiện vẫn còn rất xa vời.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho biết Paris đánh giá các điều kiện để chính thức công nhận Palestine là một nhà nước vẫn chưa được đáp ứng.
Trước đó, một nhóm quốc gia châu Âu gồm Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland đã thông báo về việc sẽ công nhận Nhà nước Palestine, với hy vọng điều này sẽ giúp mang lại hòa bình cho khu vực. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh quốc tế phẫn nộ về số dân thường thiệt mạng và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza sau cuộc tấn công của Israel.
Các quyết định gần như đồng thời của hai quốc gia thuộc EU và Na Uy có thể tạo động lực cho các quốc gia EU khác công nhận nhà nước Palestine và có thể thúc đẩy các bước tiếp theo tại Liên Hợp Quốc. Cho tới nay, đã có 8 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) gồm Slovakia, Bulgaria, Cyprus, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Romania và Thụy Điển công nhận Nhà nước Palestine.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!