Quan điểm và giải pháp lớn phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Tại Hội thảo 'Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045', đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng ban chỉ đạo 218 đã có bài tham luận quan trọng. Báo Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc lược trích ý kiến phát biểu tham luận của đồng chí tại hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng ban chỉ đạo 218
Nhiệm vụ của Đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đưa ra các quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện được điều đó, bên cạnh việc đánh giá thực trạng 10 năm thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thì cần xác định được những thuận lợi, khó khăn của Thanh Hóa trong bối cảnh mới.
Bối cảnh phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn tới
Thanh Hóa đang đứng trước những thuận lợi và khó khăn đan xen nhau. Về thuận lợi, Thanh Hóa có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển toàn diện các ngành kinh tế. Thanh Hóa là một trong số ít các tỉnh có đầy đủ 3 vùng địa lý: đồng bằng, ven biển, vùng núi; là tỉnh có diện tích đứng thứ 5 toàn quốc và dân số đứng thứ 3; lực lượng lao động có 2,4 triệu người. Đặc biệt số đảng viên của tỉnh đứng thứ 2 toàn quốc.
Thanh Hóa đang có những thuận lợi trong kết nối phát triển với các tỉnh, thành khác, các trung tâm kinh tế khác, cũng như trong thu hút đầu tư. Thanh Hóa có đầy đủ các loại hình giao thông: đường biển, đường sắt, đường bộ, đường hàng không, nằm trên đường huyết mạch ra Bắc vào Nam. Là tỉnh kết nối giữa vùng đồng bằng sông Hồng với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, Thanh Hóa còn là nơi kết nối giữa Tây Tây bắc với các tỉnh Đông bắc Lào. Khu Kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển cả nước, có những ưu đãi rất cao. Một số cơ sở hạ tầng quan trọng của tỉnh đã được xây dựng. Đặc biệt, tỉnh có cảng nước sâu và cảng hàng không quốc tế. Thanh Hóa là tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, các di sản văn hóa rất đặc sắc; có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa và đặc biệt là có khát vọng phát triển rất cao. Tất cả những yếu tố này tạo thuận lợi cho Thanh Hóa trong việc kết nối phát triển và thu hút đầu tư, nhất là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, các hiệp định tự do song phương mới được ký kết, những thành tựu phát triển của Thanh Hóa trong hơn 10 năm qua đang tạo điều kiện cho Thanh Hóa trong việc mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và của cả doanh nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp cũng như các chính sách chuyển sang chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số đang tạo rất nhiều thuận lợi cho Thanh Hóa trong việc hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo sự đột phá trong phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện tại, trên thế giới đang diễn ra xu hướng phát triển bền vững. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội... Những điều đó cũng đang tạo thuận lợi cho Thanh Hóa trong việc phát triển cân bằng giữa các vùng miền, cân bằng giữa thành thị và nông thôn cũng như gắn kết phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng – an ninh. Thanh Hóa luôn được coi là hậu phương của cả nước, được kỳ vọng là một tỉnh kiểu mẫu của cả nước, điều đó đang tạo thuận lợi cho Thanh Hóa để có được sự hỗ trợ của Trung ương về cơ chế, chính sách và nguồn lực.
Bên cạnh những thuận lợi đó, Thanh Hóa đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức, như: Khó khăn trong việc thu hút đầu tư, kết nối phát triển, phát triển cân bằng giữa các vùng miền. Khó khăn về mở rộng thị trường. Thế giới đang xảy ra nhiều bất ổn, xung đột chính trị ở nhiều khu vực, thiên tai dịch bệnh, biến đối khí hậu đang diễn ra, những điều đó đã tạo khó khăn cho Thanh Hóa trong việc phát triển bền vững, gắn kết phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng – an ninh. Doanh nghiệp ở Thanh Hóa quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp, trong khi đó trong Vùng, có một số tỉnh đã và đang phát triển rất năng động, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thu hút vào Thanh Hóa thì năng lực cạnh tranh cao, trình độ kỹ thuật và công nghệ đều cao. Tất cả những điều đó đang tạo ra những cạnh tranh trong việc thu hút nguồn lực và đảm bảo sự kết nối của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào Thanh Hóa. Mặc dù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển của Thanh Hóa, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao và phù hợp hơn về cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, trong khi đó đây vẫn là một trong những điểm yếu của tỉnh. Thanh Hóa vẫn là một trong những tỉnh có xuất phát thấp, tiềm lực tài chính vẫn còn yếu, chưa cân đối được ngân sách, nguồn lực hỗ trợ của Trung ương ngày càng giảm. Tất cả những điều đó sẽ gây khó khăn cho tỉnh trong việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại nền kinh tế, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Quan điểm phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn của Thanh Hóa, tôi đưa ra 6 quan điểm cho phát triển của Thanh Hóa trong giai đoạn sắp tới như sau:
Phát triển Thanh Hóa thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu, là một trong những trung tâm lớn của cả nước và vùng Bắc Trung Bộ về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ logicstic, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa và thể thao là trách nhiệm không chỉ của tỉnh Thanh Hóa mà còn của cả vùng Bắc Trung Bộ và của cả nước, nhằm hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm tỉnh.
Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của một “Việt Nam thu nhỏ” với 3 vùng địa lý, đặc biệt là vị trí kết nối, đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, bờ biển dài và đẹp, có đầy đủ các loại hình giao thông, nhiều di sản văn hóa đặc sắc, để xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng tạo thành một tứ giác tăng trưởng ở miền Bắc, với nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, công nghiệp nặng là nền tảng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo và dịch vụ logicstic là đột phá và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Xây dựng, phát triển Thanh Hóa phải dựa trên cơ sở phát triển hài hòa giữa các vùng miền, giữa miền núi và miền xuôi, giữa thành thị và nông thôn, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh và đột phá với phát triển bền vững. Trong đó phát triển nhanh và đột phá chính là tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu trong đó phát triển theo chiều sâu là nền tảng.
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, nâng cao năng lực hội nhập, tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thanh Hóa.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường, đô thị hóa, nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân, truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động sáng tạo, ý thức tự lực tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người dân Thanh Hóa.
Trên cơ sở các quan điểm đó, xác định mục tiêu và tầm nhìn cho Thanh Hóa trong giai đoạn tới như sau:
Mục tiêu đến năm 2030: Xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là một trong những trung tâm lớn của cả nước và của Vùng về công nghiệp, năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp, dịch vụ logicstic, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao, là một cực tăng trưởng mới, là tứ giác phát triển phía Bắc của Tổ quốc cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Người dân có mức sống cao, các giá trị di sản văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng – an ninh đảm bảo vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tầm nhìn đến 2045: Thanh Hóa là một tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Nhiệm vụ và giải pháp phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:
Thứ nhất: Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.
Thứ hai: Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng miền, các cực tăng trưởng trong và ngoài tỉnh.
Thứ ba: Thu hút và sử dụng vốn đầu tư, đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, xây dựng các cơ chế, chính sách đầu tư tài chính và phân cấp quản lý đặc thù phù hợp.
Thứ tư: Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Thứ năm: Phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện tốt công tác tôn giáo và dân tộc.
Thứ sáu: Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ bảy: Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ tám: Đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hợp tác hữu nghị với các địa phương của nước bạn Lào.
Thứ chín: Xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng và chính quyền.