Quân đoàn 4 kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống
Ngày 19/7, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tổ chức gặp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Quân đoàn và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước trao tặng.
Tham dự họp mặt có Trung tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng các Anh hùng lực lượng nhân dân, nguyên là thủ trưởng Quân đoàn 4 qua các thời kỳ.
Cách đây 45 năm, ngày 20/7/1974, tại khu căn cứ Suối Bà Chiêm, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), nay là xã Tân Thành, huyện Tân Châu (Tây Ninh), đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam thay mặt Trung ương Đảng công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long). Sự ra đời của Quân đoàn 4 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức lực lượng, trình độ năng lực tổ chức chỉ huy cả về chất và lượng, tạo nên một quả đấm chủ lực đủ mạnh trên địa bàn chiến lược ngay sát cửa ngõ Sài Gòn, trung tâm đầu não của địch.
Ngay từ khi mới thành lập, Quân đoàn 4 đã có cơ cấu tổ chức của một Binh đoàn chủ lực, có khả năng cơ động, độc lập tác chiến trong một chiến dịch, tác chiến tập trung, hiệp đồng Quân - Binh chủng trên một hướng chiến lược. Sau 5 tháng được thành lập, Quân đoàn đã ra quân mở đầu thắng lợi bằng chiến thắng Đường 14 Phước Long (từ ngày 6/12/1974 - 6/1/1975), tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Chiến công đó làm nức lòng quân và dân cả nước.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Quân đoàn 4 đảm nhiệm trên hướng Đông Bắc Sài Gòn: Sư đoàn 7, Sư đoàn 341 cùng các đơn vị binh chủng tiến công giải phóng Bình Long, Chơn Thành, La Ngà, Định Quán, Phương Lâm, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đặc biệt căn cứ Xuân Lộc được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ Đông Bắc Sài Gòn, nhưng bằng cách đánh sáng tạo và chịu nhiều gian khổ, hy sinh, “Cánh cửa thép” Xuân Lộc, đã bị Quân đoàn 4 và lực lượng vũ trang Quân khu 7 tiêu diệt, tạo điều kiện thuận lợi cho 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Trên hướng Tây Nam, Sư đoàn 9 là lực lượng chủ yếu trong đội hình Đoàn 232 đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, Bến Lức, Long An; các địa bàn thuộc Quận 8, 10, 5 tiến vào đánh chiếm Biệt khu Thủ Đô, bắt sống tướng Lâm Văn Phát - Tư lệnh Biệt khu. Trưa ngày 30/4/1975, đội hình Quân đoàn có mặt tại Sài Gòn, hội ngộ cùng các đơn vị bạn trong giờ phút thiêng liêng của ngày vui đại thắng.
Đất nước vừa được độc lập, thống nhất chưa bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam đã xảy ra. Theo đó, cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 4 chưa một ngày được nghỉ ngơi, tiếp tục hành quân chiến đấu bảo vệ đồng bào và từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trên dải biên giới từ Tây Ninh đến Kiên Giang. Hơn một năm chiến đấu liên tục, Quân đoàn đã đánh bại cuộc chiến xâm lấn của địch, giúp đỡ hàng vạn người dân Campuchia lánh nạn, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Tháng 1/1979, theo nguyện vọng của nhân dân Campuchia, Quân đoàn 4 cùng với lực lượng vũ trang Bạn tiến vào giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng của bọn phản động Pôn Pốt-lêngxari.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và yêu cầu xây dựng quân đội Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn luôn quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, nhận thức rõ âm mưu chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, Quân đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 4 Huân chương Hồ Chí Minh, 5 Huân chương Quân công hạng nhất (trong đó có 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công được tặng trong thời kỳ đổi mới), được nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăng-co (Huân chương cao quý nhất của nhà nước Campuchia); có 9 đơn vị cấp Sư đoàn, Lữ đoàn và nhà trường, 9 đơn vị cấp Trung đoàn, 28 đơn vị cấp Tiểu đoàn, 27 đơn vị cấp Đại đội và 48 cán bộ, chiến sỹ được tuyên dương Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Có hàng ngàn tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long anh hùng đã vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng.