Quân đội Ấn Độ mua xe tăng chiến đấu chủ lực nội địa
QĐND Online- Lục quân Ấn Độ sẽ được biên chế thêm 118 tăng chiến đấu chủ lực Arjun Mark 1A nâng cấp do nước này tự sản xuất.
Trang The Print của Ấn Độ cho biết, sau nhiều lần trì hoãn, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định vẫn đặt hàng mẫu xe được phát triển bởi Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) này.
Mặc dù toàn bộ các bài thử nghiệm của xe tăng Arjun Mark 1A đã hoàn thành vào tháng 2-2019 nhưng New Delhi lại chưa chốt số lượng cụ thể cần mua. Hiện tại, quân đội Ấn Độ đang khai thác 124 xe tăng Arjun cải tiến.
Thêm vào đó, việc chính phủ Ấn Độ quyết định chi gần 2 tỷ USD để sở hữu 464 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS của Nga (lắp ráp và sản xuất tại Ấn Độ theo hợp đồng chuyển giao công nghệ) được cho là đã đặt dấu chấm hết cho thương vụ Arjun.
Vậy nhưng, do các đơn vị xe tăng T-72 của quốc gia Nam Á sắp đến niên hạn loại biên nên Bộ Quốc phòng Ấn Độ vẫn muốn theo đuổi hợp đồng mua xe tăng nội địa. Đó là lý do dòng Arjun tiếp tục có chỗ đứng trong quân đội Ấn Độ.
Theo nhà sản xuất, so với phiên bản Arjun tiêu chuẩn, biến thể Arjun Mark 1A có tới 72 thành phần được nâng cấp, trong đó phải kể đến những điểm chính như mức dự trữ năng lượng cao hơn, cơ động hơn, hệ thống kiểm soát vũ khí, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống treo cải tiến...
Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Xe chiến đấu (CVRDE) thuộc DRDO, ông V. Balamurugan, xe tăng Arjun Mark 1A đầu tiên sẽ được bàn giao cho quân đội Ấn Độ trong vòng 30 tháng.
Hỏa lực chính của xe tăng Arjun nâng cấp là pháo 120mm, tốc độ bắn 6-8 viên/phút, với khả năng bắn nhiều loại đạn tiên tiến, đặc biệt là tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser LAHAT với đầu đạn tandem chống giáp phản ứng nổ. Vũ khí phụ của xe vẫn bao gồm súng máy 7,62mm và 12,7mm cùng hệ thống phóng lựu đạn khói.
Năng lực phòng thủ của xe dựa vào hệ thống cảm biến cảnh báo tên lửa phóng tới và hệ thống giáp chủ động với nhiều thành phần phức hợp từ thép, gốm và composite được gia cường.
Ngoài ra, xe còn tích hợp công cụ ngắm bắn laser, hệ thống quan sát ban đêm, thiết bị phá mìn, hệ thống dẫn đường thông qua định vị vệ tinh GPS, chế độ xem toàn cảnh chiến trường.
PHẠM HUY (theo Army Recognition)