Quân đội Belarus sẽ tham chiến nếu Nga bị phương Tây xâm lược
Tổng thống Alexander Lukashenko viện dẫn các hiệp ước song phương và đa phương giữa Minsk và Moscow, khẳng định quân đội quốc gia Đông Âu này sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Nga.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố theo các hiệp ước quốc tế mà chính quyền Minsk đã ký kết, quân đội nước này sẽ tham chiến nếu Nga bị các quốc gia phương Tây tấn công, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Ngày 9-9, truyền thông Nga phát nhiều bản tin về buổi trả lời phỏng vấn của ông Lukashenko với nội dung Belarus sẵn sàng và "sẽ ngay lập tức" sát cánh cùng Nga trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác an ninh tập thể (CSTO - được các quốc gia từng thuộc Liên Xô thành lập năm 1992) và hiệp ước Nhà nước Liên minh Nga-Belarus.
"Nếu ai đó cố gắng tiến hành các hành vi xâm lược chống lại Nga thông qua Belarus hoặc gần Belarus, quân đội hùng mạnh với 60.000-65.000 binh sĩ của chúng tôi sẽ tham chiến bởi vì theo CSTO và hiệp ước Nhà nước Liên minh, hướng tây là khu vực chúng tôi chịu trách nhiệm" - ông Lukashenko nêu rõ.
"Và các lực lượng Nga, những người đang hỗ trợ chúng tôi, sẽ tham gia cùng để đẩy lùi sự xâm lược từ phương Tây" - Tổng thống Belarus tiếp tục.
Theo trang web của Phủ Tổng thống Belarus, cuộc phỏng vấn được thực hiện hôm 8-9. Các nhà báo trực tiếp phỏng vấn Tổng thống Belarus là đại diện cấp cao của Kênh truyền hình số 1 Nga (Pervyy Kanal), kênh Rossiya 1 và đài truyền thanh Govorit Moskva.
Trong buổi phỏng vấn, ông Lukashenko trả lời nhiều vấn đề nóng của Belarus như tình hình biểu tình, sự phát triển kinh tế, việc sửa đổi hiến pháp, việc đối phó với các thông tin bị coi là "giả" của truyền thông phương Tây…
Về quan hệ Belarus-Nga, ông Lukashenko cho rằng hai bên cần tiếp tục hợp tác trong các khuôn khổ hợp tác chính trị hiện có. Đồng thời, lãnh đạo hai nước cần thảo luận để điều chỉnh kế hoạch hội nhập kinh tế theo hiệp ước Nhà nước Liên minh cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Ông Lukashenko lưu ý rằng thỏa thuận đã được ký kết từ thời cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin trong khi lớp công dân mới ở cả hai nước đã có nhiều thay đổi trong quan điểm. Chính quyền Minsk đã lắng nghe tiếng nói của người dân, tạm dừng quá trình hợp nhất kinh tế và tìm kiếm định hướng hợp tác khác phù hợp hơn.
Ông Lukashenko cũng cung cấp thông tin chi tiết về vụ Belarus bắt giữ nhóm lính đánh thuê của công ty quân sự tư nhân Nga Wagner - vấn đề được coi là bất đồng bậc nhất giữa Minsk và Moscow ở thời điểm hiện tại.
Cuối buổi phỏng vấn, Tổng thống Lukashenko cám ơn những người ủng hộ mình. Đồng thời, ông cảnh báo nếu như chính quyền hiện tại ở Minsk bị lật đổ, Belarus sẽ bị cuốn vào vòng xoáy bất ổn và không thể bảo vệ những thành tựu kinh tế-xã hội mà quốc gia Đông Âu này đã dày công gây dựng trong hơn 1/4 thế kỷ qua.
Tình hình chính trị Belarus đã trở thành vấn đề nóng trên thế giới vì những cuộc tuần hành và đình công quy mô lớn kéo dài. Người biểu tình phản đối chính quyền ông Lukashenko, không công nhận kết quả bầu cử hồi đầu tháng 8, yêu sách bầu cử lại và đòi hỏi cải cách đất nước.
Sau khi thất cử, đối thủ chính trị lớn nhất của ông Lukashenko là cựu giáo viên Sviatlana Tsikhanouskaya đã lánh nạn ở nước láng giềng Lithunia. Từ đây, bà vẫn liên hệ với các đồng minh trong nước và kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình.
Cả Nga và phương Tây đều cáo buộc bên còn lại có âm mưu can thiệp vào tình hình Belarus.