Quân đội CHDC Congo tái chiếm nhiều thị trấn từ tay phiến quân, người dân chưa hết lo lắng
Quân đội CHDC Congo ngày 13/1 cho biết lực lượng chính phủ đã tái kiểm soát một số thị trấn từ tay các nhóm vũ trang ở hai tỉnh Bắc Kivu và Nam Kivu, trong khi tình hình giao tranh gia tăng căng thẳng tại những khu vực chiến sự khác.
Khu vực phía Đông CHDC Congo đã trải qua xung đột suốt nhiều thập kỷ qua với hơn 100 nhóm vũ trang, phần lớn là tranh giành lãnh thổ ở khu vực rộng lớn và giàu tài nguyên khoáng sản gần biên giới với Rwanda.
Xung đột tại CHDC Congo đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, với hơn 7 triệu người phải di dời, trong đó 100.000 người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ đầu năm 2025.
Theo quân đội CHDC Congo, một số thị trấn đã bị phiến quân chiếm đóng trong nhiều tháng, bao gồm Ngungu - thị trấn quan trọng ở Lãnh thổ Masisi gần thủ phủ tỉnh Bắc Kivu.
Ông Guillaume Ndjike Kaiko, người phát ngôn quân đội ở Bắc Kivu cho biết phiến quân đã bị lực lượng an ninh FARDC của quốc gia Trung Phi đẩy lùi, đồng thời khẳng định chiến thắng này là nhờ một chiến dịch quân sự chung của các chỉ huy hai tỉnh Bắc Kivu và Nam Kivu.
Các thị trấn đã được tái chiếm bao gồm Lumbishi, Ruzirantaka, Kamatale, Bitagata và Kabingo.
Tuy nhiên, tin tức về việc quân đội CHDC Congo tái kiểm soát các thị trấn lại mang đến cảm xúc trái ngược cho người dân phải bỏ chạy khỏi những khu vực này: Lo lắng về sự an toàn của mình, dù rất vui mừng khi được trở về quê hương.
"Chúng tôi vẫn phải chịu đựng vì an ninh chưa tốt. Người dân vẫn tiếp tục thiệt mạng, chúng tôi vừa mới chôn một người cách đây 30 phút", cư dân Nsabimana Alexis cho biết.
Những cuộc đụng độ thường xuyên giữa quân đội CHDC Congo và phiến quân đã khiến hàng chục ngôi làng khó tiếp cận, nằm ngoài tầm cứu trợ. Nhóm phiến quân mạnh nhất trong khu vực là M23, chính phủ CHDC Congo và các chuyên gia Liên hợp quốc cho rằng lực lượng này do Rwanda hậu thuẫn.
Tuy nhiên, Rwanda đã phủ nhận cáo buộc này.
Theo tổ chức từ thiện Pháp Médecins Sans Frontìeres (MSF), tại lãnh thổ Masisi, các trại tị nạn và cơ sở cứu trợ đang quá tải khi người dân tiếp tục tìm nơi lánh nạn trước tình trạng bạo lực.
Ông Romain Briey, điều phối viên MSF, cho biết họ "đang làm hết sức để ứng phó với tình hình này. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nghiêm trọng các tổ chức nhân đạo tại khu vực đang khiến mọi thứ trở nên khó khăn".