Quân đội chung sức đưa pháp luật vào đời sống
Tại các đơn vị quân đội, pháp luật được tuyên truyền đến từng cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, mỗi quân nhân là một tuyên truyền viên pháp luật, mang pháp luật đến với từng người dân vùng biên giới, biển đảo. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, từ ngày 21.10 - 21.11.2022, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân sôi nổi tổ chức các hoạt động ý nghĩa.
Lan tỏa các nhân tố tích cực
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, toàn quân thực hiện kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong quân đội năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 4816/QĐ-BQP ngày 31.12.2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, gắn với tuyên truyền, định hướng nhận thức về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, trọng tâm là lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong cơ quan, đơn vị và toàn xã hội. Theo đó, Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 gắn với thực hiện Ngày Pháp luật trong quân đội 2022 với chủ đề: “Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” đã được tổ chức thực hiện trong toàn quân.
Đại tá Trịnh Hùng Hiền, Chính ủy Lữ đoànCông binh 279, Đoàn Công binh tháng Tám, Binh chủng Công binh cho biết, thời gian qua, công tác PBGDPL của Lữ đoàn đạt hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật nhà nước của cán bộ, chiến sĩ; tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường của bộ đội giảm dưới 0,2%, góp phần xây dựng Đảng bộ Lữ đoàn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”…
Nhằm giúp cho anh em chiến sĩ dễ nhớ, dễ thực hiện, các nội dung pháp luật được “mềm hóa”. Các đơn vị trong toàn quân đổi mới phương pháp thực hiện Ngày Pháp luật với các hình thức, như: tọa đàm, trao đổi, sân khấu hóa…; duy trì hiệu quả mô hình “Mỗi tuần học một điều luật”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý”, “Câu lạc bộ pháp luật”, “Ô chữ pháp luật”, phát huy tốt các phong trào “Chi đoàn không có cán bộ, đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật, kỷ luật”, “Tuổi trẻ với pháp luật” và Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, “Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông” trong đoàn viên, thanh niên.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên
Triển khai Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” (Đề án 1371), đến nay, 100% các đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án theo quy định, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án ở các cấp; nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật bằng hình thức phong phú, sinh động, đạt hiệu quả cao…
Chẳng hạn, để góp phần hạn chế ngư dân không vi phạm các quy định của pháp luật khi khai thác, đánh bắt hải sản trên các vùng biển, không xâm lấn sang vùng biển nước ngoài, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam để ngư dân nắm rõ và thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, những điều ngư dân cần biết khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển, tuyên truyền về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển cho biết, việc tuyên truyền phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần nâng cao một bước về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là trong xây dựng, bảo vệ an ninh chủ quyền, trật tự an toàn biển đảo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; động viên ngư dân hăng hái vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tạo sự đồng thuận trong xã hội về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Còn tại Đồn Biên phòng Pù Nhi, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa - nơi quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài 21,938km với 8 mốc quốc giới tiếp giáp với nước bạn Lào; địa bàn quản lý gồm 32 bản thuộc 3 xã Pù Nhi, Nhi Sơn và Mường Lý - nhờ cán bộ, chiến sĩ của đồn tuyên truyền, PBGDPL, bà con ý thức được việc chấp hành pháp luật, không vượt biên trái phép, không vận chuyển, buôn bán chất cấm. Người dân cũng tham gia chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, nêu cao tinh thần tố giác tội phạm, phối hợp tốt với cán bộ địa phương để bảo vệ khu vực biên giới.