Quân đội đã làm tốt nhiệm vụ của 'đội quân công tác' và ứng phó với thiên tai

Đó là phát biểu đánh giá của Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác phòng, chống bão lụt, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, đá khu vực miền Trung, do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 4-11.

Cán bộ BĐBP Thừa Thiên Huế tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đưa tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Văn Chương

Cán bộ BĐBP Thừa Thiên Huế tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đưa tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Văn Chương

Trong tháng 10, khu vực miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của các cơn bão số: 6, 7, 8, 9 và hoàn lưu bão gây mưa đặc biệt lớn dài ngày, trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Do mưa lớn liên tiếp, dài ngày dẫn đến lũ dâng cao trên 16 tuyến sông chính ở các tỉnh miền Trung gây ngập lụt trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12-10 và 19-10, có nơi ngập sâu từ 2 đến 3 mét như huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở đất, đá tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), huyện Nam Trà My (Quảng Nam) gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bão và mưa lũ làm 234 người chết, mất tích (hiện còn 67 người mất tích); 681 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn, 161.158 căn nhà bị hư hỏng, 383.040 căn nhà bị ngập hoàn toàn cùng hàng chục nghìn héc-ta hoa màu bị ngập hiện chưa có thống kê cụ thể.

Trước khi xảy ra mưa, bão, các cơ quan, đơn vị thường xuyên duy trì và thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ tại sở chỉ huy; chủ động nắm chắc tình hình về mọi mặt, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng xử lý có hiệu quả các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, khi xảy ra bão, mưa lũ, các cơ quan, đơn vị bảo đảm tốt công tác đón tiếp, bố trí nơi ăn, ở cho nhân dân trong doanh trại. Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo xuất cấp nhiều trang, thiết bị, phương tiện cho các tỉnh miền Trung thuộc địa bàn Quân khu 4, Quân khu 5 phục vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bao gồm 32 bộ máy bơm, 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 77,5 tấn lương khô, 20 xuồng cứu sinh, 200 máy phát điện, 4.750 áo phao cứu sinh và một số vật dụng dân sinh khác trị giá gần 100 tỉ đồng.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã nêu rõ kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đơn vị mình trong thực hiện nhiệm vụ và những bài học kinh nghiệm trong phòng, chống bão lụt, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất đá thời gian qua.

Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh BĐBP nêu rõ: Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, bằng kinh nghiệm gắn bó và công tác lâu năm tại địa bàn rừng núi, biên giới, các đơn vị BĐBP đã chủ động rà soát, đánh giá cụ thể về địa hình, địa chất tại đơn vị để kịp thời di chuyển 35/77 vị trí đóng quân có nguy cơ sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn. Hiện nay, còn 42 vị trí, đang tổ chức canh gác 24/24 giờ, kịp thời phát hiện dấu hiệu lún, nứt, sạt trượt để nhanh chóng di chuyển, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản.

Các đơn vị BĐBP từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã cử 164 lượt cán bộ quân y phối hợp với y tế địa phương tiến hành thăm khám, cấp thuốc miễn phí cho 2.546 người dân, tổng trị giá 206 triệu đồng và tổ chức giúp dân khử khuẩn, dọn dẹp vệ sinh môi trường ở địa bàn các xã, phường biên giới, ven biển. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đã phát huy tốt bản chất “Bộ đội cụ Hồ”, truyền thống Anh hùng của QĐND Việt Nam. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị có người thân, gia đình, vợ con ở hậu phương cũng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do bão lũ, ngập úng gây ra nhưng với tinh thần, trách nhiệm, ý chí quyết tâm, cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã chủ động khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị BĐBP đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp tiến hành khảo sát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng hoặc trong vùng nguy hiểm do ảnh hưởng trực tiếp của bão để kịp thời di dời gần 7.000 hộ dân với hơn 67.000 người đến nơi an toàn; cử 218 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia cắm biển báo, canh gác, chốt chặn tại hàng trăm điểm sạt lở, ngầm tràn, khu vực nước chảy xiết để điều tiết giao thông, hướng dẫn nhân dân vòng tránh an toàn.

Trong những ngày tháng 10 vừa qua, BĐBP đã điều động trên 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, 16 lượt chó nghiệp vụ, trên 500 lượt phương tiện trực tiếp tham gia ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai; phối hợp với chính quyền địa phương chằng chống, gia cố gần 2.000 căn nhà; sử dụng gần 6.000 bao cát chắn sóng tại đê, kè biển; hỗ trợ trên 1.800 người dân vào các đơn vị trú tránh bão, mưa lũ đảm bảo an toàn; tặng trên 300 suất quà và gần 5 tấn gạo cùng các vật dụng, nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của nhân dân các tỉnh miền Trung.

Kết luận hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang ghi nhận, biểu dương các cơ quan, đơn vị đã làm tốt nhiệm vụ của “đội quân công tác” và nhiệm vụ ứng phó với thiên tai. Thượng tướng Phan Văn Giang yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản, thông tư, quyết định... để hướng dẫn cụ thể, linh hoạt về giải quyết chế độ, chính sách, công tác phối hợp, bảo đảm ngân sách theo kiến nghị từ các cơ quan, đơn vị báo cáo lên. Đồng thời, đưa nội dung huấn luyện, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn vào các chỉ lệnh quân sự, trở thành quy định để tổ chức huấn luyện theo lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm nhưng phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Nghiên cứu giáo trình huấn luyện từng vùng, từng địa bàn cho phù hợp đặc thù thiên tai, mưa lũ tại khu vực đó, tránh việc huấn luyện dàn trải... không có chuyên sâu, chuyên trách.

Thượng tướng Phan Văn Giang đề nghị Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách bảo đảm hiệu quả từ công tác cán bộ đến chế độ, chính sách. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và thực hiện tốt công tác dân vận để các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện có hiệu quả. Đặt biệt, các cơ quan, đơn vị quân đội phải giữ vai trò nòng cốt, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, lấy phòng là chính, tạo ý thức tự giác cho mỗi người dân.

Trần Đức

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quan-doi-da-lam-tot-nhiem-vu-cua-doi-quan-cong-tac-va-ung-pho-voi-thien-tai-post434856.html