Quân đội Đức sẽ sớm quay lại vị thế 'người khổng lồ' năm xưa?
Quân đội Đức sẽ được đầu tư mạnh trong thời gian tới nhằm hiện đại hóa vũ khí trang bị cũng như mở rộng quy mô.

Giới phân tích cho rằng Quân đội Đức sẽ trở thành lực lượng mạnh nhất châu Âu nếu bản kế hoạch mua sắm vũ khí trang bị và mở rộng quy mô được quốc hội nước này thông qua.

Bộ Quốc phòng Đức đang cân nhắc việc tăng cường sức mạnh chiến đấu bằng việc mua hàng nghìn thiết giáp, bao gồm 2.500 xe chiến đấu bộ binh và 1.000 xe tăng, đây một phần trong nỗ lực chung của châu Âu nhằm thành lập các lữ đoàn mới.

Cụ thể, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã yêu cầu Đức cung cấp cho NATO thêm 7 lữ đoàn trong thập kỷ tới để triển khai tại những địa bàn trọng yếu. Các xe chiến đấu bộ binh và xe tăng, nếu được mua sắm, sẽ biên chế cho các đơn vị này.

Theo hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius và các tướng lĩnh cấp cao của Quân đội Đức (Bundeswehr) dự kiến sẽ mua khoảng 1.000 xe tăng Leopard 2 nâng cấp và tới 2.500 xe chiến đấu bộ binh Boxer.

Nguồn tin của ấn phẩm Mỹ cho biết tổng giá trị của gói mua sắm nói trên có thể lên tới 25 tỷ euro, đồng thời họ lưu ý rằng do các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra nên số tiền cuối cùng Berlin phải chi ra có thể thấp hơn đáng kể.

Theo giới quan sát, chương trình nâng cấp lực lượng vũ trang đầy tham vọng này sẽ được phê duyệt trong những tháng tới khi các nhà lập pháp Đức đều có quan điểm ủng hộ do nhận thấy tính cấp thiết của yêu cầu.

Chưa dừng lại đây, Quân đội Đức đã nhận được sự chấp thuận sơ bộ để mua hơn 1.000 xe bọc thép chở quân (APC) Patria của Phần Lan, nhằm thay thế những chiếc Fuchs đã lỗi thời và sẽ sớm bị loại biên.

Những chiếc "taxi chiến trường" thế hệ mới có thể được mua theo chương trình hợp tác quốc tế "Hệ thống xe bọc thép chung" (CAVS), khi hiện tại Phần Lan, Latvia, Thụy Điển và Đức đang tham gia vào dự án này.

Công ty Patria của Phần Lan dự kiến sẽ hợp tác với Tập đoàn KDNS và Flensburger Fahrzeugbau Gesellschaft (FFG) để sản xuất Patria AMV. Khoảng 90% công việc sẽ diễn ra tại Đức, ước tính sơ bộ thì đơn đặt hàng có thể trị giá tới 2 tỷ euro.

Bên cạnh đó cần lưu ý rằng Quốc hội Đức đã thông qua kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 3,5% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2029 - lên mức 153 tỷ euro. Đây sẽ là ngân sách quân sự lớn nhất của đất nước kể từ khi thống nhất.

Để thực hiện bản kế hoạch đầy tham vọng này, chính phủ của Thủ tướng Friedrich Merz đã tạm thời dỡ bỏ trần nợ theo hiến pháp, cho phép một phần chi tiêu quốc phòng được tài trợ thông qua vay nợ, ngay cả khi vượt quá giới hạn đã định là 1% GDP.

Ngoài vũ khí, Quân đội Đức có kế hoạch tăng quy mô lực lượng thêm 50.000 - 60.000 binh sĩ trong giai đoạn đầu, nâng tổng quân số lên mức 250.000 - 260.000 người.Ngoài ra việc mở rộng lên 460.000 quân đã được lên kế hoạch, bao gồm cả quân thường trực và quân dự bị.