Quân đội Đức thiếu xe chiến đấu vì IFV Puma gặp lỗi
Lục quân Đức (Bundeswehr) đã buộc phải sử dụng các loại phương tiện chiến đấu thông thường trong các cuộc tập trận thay vì xe chiến đấu bộ binh (IFV) Puma vì đa phần chúng đang gặp các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng.
Tờ báo Đức Bild dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Đức đăng tải, hiện tại chỉ có 19,1% xe chiến đấu Puma đủ điều kiện sẵn sàng chiến đấu. Các vấn đề kỹ thuật trên IFV Puma đã được phát hiện từ lâu và binh sĩ Đức đặt biệt danh là “đứa trẻ ốm yếu”. Việc đảm bảo kỹ thuật cho các đơn vị IFV Puma gặp khó khăn do thiếu phụ tùng và kỹ thuật bảo dưỡng phức tạp, tốn nhiều thời gian.
Do không có đủ IFV Puma tham gia các hoạt động diễn tập, giới chức quân sự Đức buộc phải sử dụng các dòng phương tiện chiến đấu khác giả lập để tham gia các hoạt động quân sự đã được lên kế hoạch. Vấn đề này sẽ càng trở nên nghiêm trọng từ năm 2023, khi Bộ chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh của NATO sẽ đóng đại bản doanh tại Đức và Bộ Quốc phòng Đức đã cam kết sẽ biên chế 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới (khoảng 40 xe IFV Puma) cho đơn vị đặc biệt này.
Bộ Quốc phòng Đức tính toán nếu các vấn đề kỹ thuật không được khắc phục ở lô xe IFV Puma bàn giao năm 2021, lục quân nước này sẽ đưa trở lại trang bị xe chiến đấu Marder cũ.
IFV Puma là sản phẩm hợp tác giữa công ty Rheinmetall và Krauss Maffei Wegman. Năm 2009, liên doanh trên đã ký hợp đồng cung cấp 405 xe Puma cho quân đội Đức, nhưng do cắt giảm ngân sách, tới năm 2011, Đức đã giảm số lượng xe Puma đặt mua xuống 350 đơn vị.
IFV Puma dài 7,33m, chiều rộng 3,71m, chiều cao 3,05m; được thiết kế để chở 9 lính (kíp xe 3 người và 6 binh sĩ). Động cơ MTU HPD Type 10V 892 800 mã lực cho phép đạt tốc độ tối đa 75 km/giờ, dự trữ hành trình gần 600km.
Xe được trang bị các hệ thống điều hòa không khí và phòng hộ sinh-hóa-hạt nhân. Vũ khí của xe chiến đấu bộ binh Puma gồm 1 pháo 30mm MK 30-2 Mauser và súng máy đồng trục 5,56mm MG-4 bố trí trên tháp xe điều khiển từ xa. Ngoài ra, xe còn trang bị thêm 1 tổ hợp tên lửa chống tăng đa dụng MELLS (Spike-LR).
Puma với khả năng bảo vệ cấp C (cao nhất) có khả năng chống mìn, súng phóng lựu chống tăng và mìn tự tạo. Do trang bị giáp dạng mô-đun nên khả năng bảo vệ của xe có thể nhanh chóng thay đổi tùy thuộc điều kiện chiến trường.
Quân đội Đức trang bị IFV Puma để thay thế các đơn vị xe chiến đấu Mauser cũ và đã tiếp nhận 500 xe chiến đấu loại này.