Quân đội giúp dân khu vực biên giới phát triển kinh tế
Những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, các đoàn kinh tế - quốc phòng (KT-QP) đã phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch sản xuất và mục tiêu lâu dài của quốc phòng, an ninh (QP,AN), góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, hình thành những cụm làng, xã biên giới, tạo vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.
Cải thiện đời sống, xóa tập tục lạc hậu
Đoàn KT-QP 379 (Quân khu 2) là đơn vị được giao thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu KT-QP Mường Chà theo chủ trương của Bộ Quốc phòng. Phạm vi Khu KT-QP Mường Chà gồm 28 xã (18 xã biên giới) đặc biệt khó khăn thuộc 4 huyện (Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) và Mường Tè (tỉnh Lai Châu)).
Địa bàn Đoàn đứng chân làm nhiệm vụ thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, với hơn 280km đường biên giới giáp Trung Quốc và Lào; địa hình rừng núi, hạ tầng giao thông chưa phát triển; nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí chưa cao, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Đại tá Đặng Xuân Thành, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 379 cho biết, trên cơ sở nguồn vốn các dự án đầu tư trong quy hoạch Khu KT-QP Mường Chà đã được Chính phủ phê duyệt, Đoàn đã triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, trường học, trạm y tế,…) gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm QP,AN và quy hoạch xây dựng công trình quân sự trong khu vực phòng thủ huyện, tỉnh.
Các dự án của Đoàn đã đang triển khai có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển KT-XH của địa phương, vừa trực tiếp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, phát triển kinh tế hàng hóa, mở rộng diện tích khai hoang, chuyển đổi cơ cấu lúa 1 vụ sang lúa 2 vụ, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tăng năng suất lao động, cây trồng, vật nuôi, vừa giúp cải thiện đời sống nhân dân, từng bước xóa tập tục canh tác lạc hậu, xóa đói giảm nghèo (tỷ lệ đói nghèo hằng năm giảm từ 4 - 5%).
Đoàn còn phối hợp địa phương quy hoạch, đầu tư kinh phí xây dựng, hỗ trợ di chuyển được 6 điểm dân cư tập trung, thành lập 3 bản mới,… góp phần cùng địa phương sắp xếp, ổn định dân cư địa bàn biên giới. Đồng thời, tuyển chọn 142 thanh niên vào công tác theo dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện, tạo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược trọng điểm biên giới.
Các mô hình tiêu biểu, hiệu quả của Đoàn như “hộ kinh tế giỏi”, “cụm gia đình, chăn nuôi” trâu, bò, dê, gà bản địa, “liên kết DN, đội sản xuất, nhà nông” trồng cây mắc ca được Quân khu 2 và các đơn vị KT-QP toàn quân đến tham quan, nghiên cứu, học tập.
Giúp dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Tháng 1/2023, Đoàn KT-QP 207, Quân khu 5 đã tổ chức khai trương điểm tiêu thụ nông sản giúp đồng bào vùng cao Quảng Nam tại số 503 đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Các sản phẩm tại điểm tiêu thụ nông sản đều do đồng bào các dân tộc trên địa bàn các huyện Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam tự chăn nuôi, sản xuất. Đây là địa bàn thuộc vùng dự án khu KTQP của Đoàn KT-QP 207.
Hiện, điểm tiêu thụ có 47 sản phẩm sạch do người dân sản xuất và khai thác như măng rừng, rau rừng, gạo nếp, các loại củ, quả và thịt gia súc, gia cầm… trong đó có các sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia do Đoàn hỗ trợ nuôi trồng, giúp người dân khu vực biên giới thoát nghèo bền vững. Mục tiêu hướng đến là bao tiêu các sản phẩm nông sản, giúp người dân tăng thu nhập, không để thương lái ép giá. Qua đó, tạo động lực giúp bà con nhân dân hăng hái trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021 - 2025) và xây dựng nông thôn mới (NTM).
Thượng tá Vũ Văn Hiền, Chính ủy Đoàn KT-QP 207 cho biết, thực hiện chủ trương tập trung xây dựng các mô hình nhân rộng giảm nghèo để tạo ra vùng nguyên liệu có giá trị hàng hóa cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào, góp phần thiết thực vào việc tham gia Chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững trên địa bàn, Đoàn đã tập trung chuyển đổi tư duy kinh tế tự cung, tự cấp sang kinh tế hàng hóa để kích thích phát triển sản xuất; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đoàn KT-QP 207 chú trọng “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tỉ mỉ để bà con tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất nông sản sạch, hữu cơ, các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm kiểu mẫu; mạnh dạn đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; xây dựng ngân hàng cây, con giống phục vụ nhân dân, góp phần tạo thêm việc làm tại chỗ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành và phát triển vùng nông sản mang tính hàng hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, tạo động lực thúc đẩy sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng dự án.
Đến nay, các mô hình trồng chanh không hạt, cam Vinh, bưởi da xanh, lúa nước, ngô lai, cỏ VA06, sắn KM 94, đẳng sâm, chuối cấy mô; chăn nuôi dê, lợn, nuôi bò nhóm hộ đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, cây trồng tăng trưởng, cho năng suất cao, số lượng vật nuôi tăng trưởng hằng năm khoảng 20 - 25%, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao.
Nhiều hộ đồng bào nghèo trực tiếp tham gia mô hình phát triển sản xuất vùng dự án đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên, chẳng những đủ cái ăn, cái mặc cho hôm nay mà còn tích lũy để thoát nghèo bền vững, có gia đình thu nhập bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/năm.