Quân đội Hàn Quốc áp dụng kế sách nào để xử lý 'kẻ thù' mới nhất - tỷ lệ sinh?
Tỷ lệ sinh giảm đang được coi là kẻ thù mới của quân đội Hàn Quốc với nguy cơ không đủ quân số để duy trì lực lượng.
Kênh CNN (Mỹ) đưa tin Hàn Quốc duy trì một lực lượng thường trực khoảng nửa triệu quân, luôn cảnh giác với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nhưng với tỷ lệ sinh chỉ 0,78 trẻ em trên một phụ nữ trong suốt cuộc đời, đây được coi là "kẻ thù" lớn nhất của Hàn Quốc vào lúc này. Các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm bớt lực lượng.
Giáo sư Choi Byung-ook tại Đại học Sangmyung (Hàn Quốc) lập luận: “Với tỷ lệ sinh hiện tại của Hàn Quốc, tương lai đã được định trước. Việc cắt giảm lực lượng là điều không thể tránh khỏi”. Ông cho biết, để duy trì mức quân số hiện tại, quân đội Hàn Quốc cần 200.000 binh sĩ nhập ngũ hoặc tham gia nghĩa vụ mỗi năm. Trong khi đó, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết số trẻ sơ sinh hàng năm được dự báo sẽ còn giảm hơn nữa, xuống còn 220.000 vào năm 2025 và 160.000 vào năm 2072.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, phụ nữ không bị tham gia nghĩa vụ quân sự và nữ tình nguyện viên chỉ chiếm 3,6% lực lượng quân đội hiện tại.
Chuẩn bị trong 2 thập niên
Trong khi tỷ lệ sinh giảm ở Hàn Quốc được chú ý trong những năm gần đây thì đó là xu hướng mà quân đội nước này đã dự đoán và chuẩn bị ứng phó từ lâu. Đầu những năm 2000, Seoul tự nguyện quyết định giảm số lượng binh sĩ tại ngũ từ 674.000 năm 2006 xuống còn 500.000 vào năm 2020, dựa trên “giả thuyết rằng mối đe dọa từ Triều Tiên sẽ giảm dần” đồng thời chủ trương một lực lượng quân sự nhỏ hơn nhưng tinh nhuệ hơn. Quân đội Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu đó khi giảm quy mô 27,6% trong hai thập niên, từ 2002 đến 2022.
Nhưng giả thuyết cho rằng mối đe dọa từ Triều Tiên sẽ giảm bớt đã được chứng minh là sai. Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2011. Mặc dù có những khoảng thời gian tạm lắng ngắn ngủi trong khi đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ để giảm bớt căng thẳng, nhà lãnh đạo này đã thúc đẩy tăng cường quân sự Triều Tiên, đặc biệt là trong các chương trình tên lửa đạn đạo.
Chuyển hướng sang công nghệ
Các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc phải dựa vào khoa học để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên và biến cuộc khủng hoảng nhân lực thành chuyển đổi công nghệ.
Tướng quân đội Hàn Quốc về hưu Chun In-bum cho biết: “Các cơ quan quốc phòng Hàn Quốc đã có chính sách lâu dài rằng chúng tôi sẽ chuyển từ quân đội lấy nhân lực làm trung tâm sang quân đội định hướng công nghệ”.
Năm 2005, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra kế hoạch phát triển quân đội thành lực lượng lấy khoa học-công nghệ làm trung tâm vào năm 2020. Tuy nhiên, tiến triển còn khiêm tốn. Giáo sư Choi Byung-ook nhấn mạnh: “Mặc dù quân đội đang cố gắng thực hiện quá trình chuyển đổi nhưng không kèm hối thúc bởi nhờ lính nghĩa vụ của Hàn Quốc, nguồn nhân lực khá dồi dào”.
Hàn Quốc đã và đang tập trung tích hợp công nghệ mới vào các đơn vị chiến đấu. Bộ Quốc Hàn Quốc phòng năm 2022 cho biết họ sẽ thực hiện chuyển đổi theo từng giai đoạn sang hệ thống chiến đấu phối hợp có người lái và không người lái (MUM-T) dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn có kế hoạch ra mắt lữ đoàn TIGER, được gọi là “đơn vị tương lai”, sử dụng cả nhân lực và thiết bị không người lái để thực hiện nhiệm vụ. Hàn Quốc cũng đang phát triển các thiết bị quân sự không người lái, bao gồm máy bay không người lái tầm trung (MUAV) và thiết bị lặn không người lái (UUV).
Không thể thiếu binh sĩ
Nhưng theo Tướng về hưu Chun In-bum, công nghệ không phải là “thuốc chữa bách bệnh”. Ví dụ, cần có nhân lực để chiếm và giữ lãnh thổ. Và cần có những cá nhân được đào tạo và giáo dục bài bản để vận hành và giám sát các hệ thống AI trên chiến trường. Ông đánh giá: “Nó sẽ giúp ích nhưng không giải quyết được vấn đề chúng ta thiếu người”.
Cả ông Chun In-bum và giáo sư Choi Byung-ook đều có ý tưởng về cách khai thác được nhiều lợi ích từ lực lượng quân sự nhỏ hơn. Trong đó có lựa chọn dựa vào đòn bảy từ nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Sau khi nam giới Hàn Quốc hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ 18 đến 21 tháng, họ sẽ trở thành quân nhân dự bị trong 8 năm. Trong thời gian này, mỗi năm họ được triệu tập về đơn vị được phân công một lần để nhắc nhở về chức vụ, nhiệm vụ của mình. Và sau đó, họ phải tham gia huấn luyện phòng thủ dân sự hàng năm cho đến khi 40 tuổi. Hệ thống này hiện cung cấp cho Hàn Quốc 3,1 triệu quân dự bị.
Quân dự bị phải tham gia khóa huấn luyện kéo dài hai đêm, ba ngày hàng năm. Một hệ thống thí điểm đang được áp dụng là yêu cầu một số quân nhân dự bị huấn luyện trong 180 ngày/năm để củng cố kỹ năng của họ.
Theo sách Trắng năm 2022, một lựa chọn khác là tăng số lượng quân nhân chuyên nghiệp. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội đã tăng tỷ lệ cán bộ trong tổng lực lượng từ 31,6% năm 2017 lên 40,2% vào năm 2022. Bộ này cho biết có kế hoạch tăng thêm lên 40,5% vào năm 2027.
Giáo sư Choi Byung-ook cho biết giải pháp yêu cầu phụ nữ nhập ngũ có thể giải quyết vấn đề thiếu quân nhân của Hàn Quốc. Nhưng ông đánh giá có quá nhiều trở ngại đối với giải pháp này trong xã hội gia trưởng truyền thống của Hàn Quốc. Và ngay cả khi những điều đó được khắc phục, nó có thể khá tốn kém. “Có nhiều yếu tố phức tạp khác nhau như chi phí xã hội và việc phụ nữ nghỉ sinh con”, ông nói
Về phần mình, Bộ Quốc phòng cho biết việc tăng số lượng phụ nữ phục vụ quân đội là một khả năng trong số các ý tưởng.
Đầu tháng này, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc dự báo tỷ lệ sinh thấp kỷ lục dự kiến sẽ còn giảm hơn nữa trong hai năm tới, xuống còn 0,65 trẻ em trên một phụ nữ vào năm 2025.