Quân đội Hàn Quốc trục vớt mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên
Hàn Quốc đã trục vớt được bộ phận tên lửa của Triều Tiên trong vụ phóng vệ tinh quân sự thất bại cuối tháng trước.
Cơ hội tìm hiểu về chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên
Ngày 16/6, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo quân đội nước này đã trục vớt mảnh vỡ được cho là tầng đẩy thứ hai của tên lửa đẩy Chollima-1 của Triều Tiên vào khoảng 20h50 ngày trước đó.
Theo đánh giá ban đầu, quân đội Hàn Quốc cho biết, mảnh vỡ có chiều dài khoảng 15m, bằng một nửa chiều dài toàn bộ tên lửa. Do đó, quân đội Hàn Quốc kỳ vọng qua đây có thể tìm hiểu về tiến triển trong chương trình phát triển tên lửa tầm xa của Triều Tiên.
Mảnh vỡ sẽ được chuyển tới cơ sở thuộc Hạm đội 2 của Hải quân Hàn Quốc đóng tại TP Pyeongtaek. Dự kiến, Hàn Quốc và Mỹ sẽ phối hợp phân tích vật thể.
Trước đó, vào ngày 31/5, Triều Tiên xác nhận tên lửa đẩy Chollima-1 mang vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 rơi xuống biển do mất lực đẩy ở tầng thứ 2.
Vào cùng ngày, quân đội Hàn Quốc xác minh được mảnh vỡ tên lửa khi vật thể rơi xuống vùng biển cách đảo Eocheong (miền Tây Hàn Quốc) khoảng 200km về phía Tây. Sau đó, vật thể chìm xuống đáy biển ở độ sâu khoảng 75m do trọng lượng quá lớn.
Để thực hiện trục vớt, Hải quân Hàn Quốc đã huy động nhóm thợ lặn được huấn luyện đặc biệt, 2 tàu cứu hộ ROKS Tongyeong, ROKS Gwangyang, tàu ngầm cứu hộ ROKS Cheonghaejin và máy bay tuần tra hàng hải P-3.
Quá trình trục vớt được tiến hành theo nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, thợ lặn gắn dây tời vào mảnh vỡ hình trụ rồi nối với dây cáp bằng thép để nâng vật thể lên khỏi mặt nước.
Khi vật thể được nâng lên gần tới mặt nước, các thợ lặn lại gắn thêm một số thiết bị nhằm đảm bảo mảnh vỡ không bị rơi xuống. Cuối cùng, Hải quân Hàn Quốc sử dụng cần cẩu kéo vật thể lên tàu quân đội.
Quân đội Hàn Quốc đối mặt nhiều thách thức trong quá trình trục vớt
Theo một quan chức JCS, quá trình trục vớt mảnh vỡ tên lửa của quân đội Hàn Quốc gặp rất nhiều khó khăn do tầm nhìn dưới nước hạn chế, các dòng hải lưu chảy xiết…
Ngay từ giai đoạn đầu tiên của quá trình trục vớt, các thợ lặn rất khó khăn mới tìm được bộ phận ở bên ngoài mảnh vỡ hình trụ để gắn dây tời vào.
Một trở ngại khác là vật thể này có trọng lượng rất lớn và bị kẹt trong bùn dưới đáy biển.
Hải quân Hàn Quốc cũng phải cân nhắc tới khả năng mảnh vỡ có thể bị tung ra trong quá trình trục vớt. Ngoài ra còn khả năng xảy ra nổ nếu còn bộ phận trữ nhiên liệu bên trong.
Chia sẻ với truyền thông, một quan chức JCS (giấu tên) cho biết, quân đội Hàn Quốc đã huy động chuyên gia thuộc Cơ quan Phát triển Quốc phòng và nhiều chuyên gia thuộc các cơ quan chuyên môn khác nhằm đảm bảo hoạt động trục vớt diễn ra an toàn cho thợ lặn, binh sĩ đồng thời tránh thất lạc những bộ phận quan trọng.
Theo JCS, bên cạnh hoạt động trục vớt, quân đội Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm các bộ phận khác của tên lửa, vệ tinh Triều Tiên. Hoạt động tìm kiếm đang được thực hiện cả trên không, trên biển.