Quân đội Israel thừa nhận chịu thương vong lớn nhất kể từ sau Chiến tranh 1973
Xung đột ở Trung Đông bùng phát sau khi Hamas tấn công vào Israel ngày 7/10/2023, gây thiệt hại khủng khiếp cho cả Israel lẫn phía Arab. Trong đó, quân đội Israel gánh chịu thương vong lớn chưa từng có kể từ sau cuộc chiến năm 1973.
IDF thừa nhận chịu thiệt hại lớn chưa từng có
Hôm đầu tuần này, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) lần đầu tiên công bố số thương vong trong cuộc chiến ở Gaza, vào thời điểm một năm kể từ khi bùng phát ngày 7/10/2023. Theo đó, phía Israel có tổng cộng có hơn 5.300 binh sĩ thương vong, trong đó 726 bị chết và 4.576 người bị thương.
Trong số đó, 346 binh sĩ Israel thiệt mạng trong cuộc tấn công trên bộ vào Gaza bắt đầu vào ngày 27/10/2023, lập kỷ lục về tổn thất tính từ sau cuộc Chiến tranh Yom Kippur (Chiến tranh ngày Lễ Đền tội, còn gọi là Chiến tranh Arab-Israel lần thứ Tư) năm 1973. Ngoài ra, tai nạn do bắn nhầm và tai nạn khi tác chiến cũng đã khiến 56 binh sĩ Israel thiệt mạng.
IDF cũng thừa nhận số binh sĩ bị chết này chỉ bao gồm những cái tên được phép công bố, nghĩa là con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Ngoài ra còn có 2.300 người đã bị thương trong các hoạt động quân sự trên bộ ở Dải Gaza.
Phía Arab chịu thương vong gấp nhiều lần
Theo số liệu của IDF, quân đội Israel đã giết chết khoảng 17.000 thành viên của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Palestine (Hamas) và các tổ chức vũ trang khác ở Dải Gaza kể từ khi xung đột bắt đầu.
Bộ Y tế ở Dải Gaza cho biết hơn 41.000 người Palestine đã bị chết trong một năm qua. Tờ Times of Israel cho biết con số này không thể được xác minh độc lập, có thể bao gồm dân thường và các thành viên Hamas.
Dữ liệu do IDF công bố cũng cho biết quân đội Israel đã giết chết tổng cộng 8 chỉ huy lữ đoàn Hamas hoặc quan chức tương đương, cùng hơn 30 chỉ huy tiểu đoàn, và hơn 165 chỉ huy đại đội hoặc quan chức cấp tương đương.
Quân đội Israel đã tấn công khoảng 40.300 mục tiêu ở Dải Gaza và phát hiện khoảng 4.700 lối vào các đường hầm.
Về phía Lebanon, IDF cho biết họ đã giết chết hơn 800 người, hầu hết là thành viên của lực lượng Hezbollah Lebanon, trong đó có 90 viên chỉ huy. Ngoài ra, quân đội Israel đã tấn công gần 11.000 mục tiêu của Hezbollah ở Lebanon.
Dữ liệu cho thấy rằng trong đợt xung đột này, tổng cộng hơn 26.000 tên lửa, rocket hoặc máy bay không người lái đã bắn phá lãnh thổ Israel từ nhiều mặt trận; bao gồm 13.200 quả từ Dải Gaza, với ít nhất 5.000 quả được phóng vào ngày 7/10/2023; 12.400 quả phóng từ Lebanon, khoảng 60 quả phóng từ Syria và 180 quả phóng từ Yemen; ngoài ra còn có 400 quả phóng từ Iran trong hai cuộc tấn công trực tiếp vào ngày 13/4 và 1/10/2024.
Tờ Times of Israel chỉ ra rằng quân đội Israel không nêu rõ số lượng máy bay không người lái hoặc tên lửa được phóng từ Iraq. Hơn nữa, những dữ liệu này còn chưa tính tới hàng trăm quả tên lửa mà Israel tuyên bố đã được bắn từ Dải Gaza nhưng trượt mục tiêu và không bay vào Israel, cũng như những quả tên lửa do lực lượng Hezbollah bắn nhưng đã rơi xuống Lebanon trên đường bay tới Israel.
Dữ liệu của IDF cũng cho biết Đơn vị 504 của Tổng cục Tình báo Quân sự của họ đã thẩm vấn khoảng 7.000 người Palestine bị giam giữ ở Gaza, nhiều người trong số họ đã được đưa đến Israel để thẩm vấn thêm và một số sau đó được đưa trở lại Gaza.
Ngoài ra, tại Bờ Tây sông Jordane, lực lượng an ninh Israel đã bắt giữ hơn 5.250 người Palestine, trong đó hơn 2.050 người bị cáo buộc có liên quan đến Hamas. Ngoài ra, khoảng 690 người Palestine đã bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Bờ Tây. Trong một năm qua, Israel đã tiến hành tổng cộng 150 cuộc tấn công cấp lữ đoàn ở Bờ Tây, nhắm vào 30 khu dân cư của người Palestine.
Những con số thống kê đáng sợ
Vào ngày 7/10 năm ngoái, Hamas đã đột kích vào Israel và giết chết hơn 1.000 thường dân, gây ra chiến tranh ở Gaza. Tròn một năm, cuộc chiến tranh đẫm máu vẫn chưa có hy vọng chấm dứt. Gaza, trung tâm của cuộc chiến, không chỉ bị tàn phá hoàn toàn mà xung đột cũng đã lan rộng trên khắp Trung Đông. Tính đến nay, hàng chục nghìn người Palestine đã thiệt mạng, số người chết đang tăng mạnh với tốc độ 112 người mỗi ngày.
Hãng thông tấn AP dựa trên các dữ liệu từ chính phủ Israel, Bộ y tế Gaza và các cơ quan Liên Hợp Quốc, cung cấp một cái nhìn tổng quan về quy mô chết chóc và tàn phá do cuộc chiến tranh ở Gaza gây ra.
7/10/2023, ngày đột kích
Số người chết ở Israel: khoảng 1.200
Con tin Israel bị bắt và giam giữ ở Gaza: 251 người
Con tin Israel hiện vẫn chưa được giải thoát: 66 người
Con tin Israel có thể đã chết ở Gaza: 35 người
Chiến tranh Israel-Hamas
Số người Palestine thiệt mạng ở Gaza: Hơn 41.000 người
Số người Palestine bị thương ở Gaza: hơn 96.000 người
Chiến binh Hamas đã bị quân đội Israel tuyên bố giết chết: hơn 17.000 người
Số binh sĩ Israel thiệt mạng kể từ ngày 7/10: Hơn 720 người (726, theo IDF)
Số rocket bắn từ Gaza vào Israel kể từ ngày 7/10: Hơn 9.500 quả
Số người dân hai bên buộc phải rời bỏ nhà cửa
Số người Palestine bị buộc phải rời bỏ nhà cửa ở Gaza: khoảng 1,9 triệu người
Tỷ lệ dân số Gaza phải bỏ nhà di tản: Khoảng 90%
Số người Israel phải rời bỏ nhà cửa do các cuộc tấn công ở Gaza: hơn 58.000
Số người Israel đến nay vẫn chưa thể trở về nhà: khoảng 5.300
Tỷ lệ cư dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa do lệnh sơ tán của Israel: khoảng 90%
Sự tàn phá ở Gaza
Số công trình kiến trúc bị hư hại mức vừa phải: hơn 120.000
Số nhà ở bị hư hại: hơn 215.000 căn
Tỷ lệ phần trăm các tòa nhà bị hư hại trên tổng số các tòa nhà: 66%
Tổng thiệt hại trong ba tháng đầu của cuộc chiến: hơn 18,5 tỷ USD
(Năm 2022 là năm GDP của Bờ Tây và Gaza đạt mức cao kỷ lục: 19,17 tỷ USD)
Mức độ thiệt hại về cơ sở hạ tầng ở Gaza
Tỷ lệ đường bộ chính bị hủy hoại: trên 92%
Tỷ lệ công trình y tế bị hủy hoại: trên 84%
Tỷ lệ hệ thống cấp nước bị hủy hoại: trên 67%
Lượng nước thải từ Gaza chảy thẳng ra biển mỗi ngày: 60.000 mét khối (tương đương 24 bể bơi tiêu chuẩn dài 50 mét, rộng 25 mét)
Chiều dài mạng lưới điện bị phá hủy: 510 km.