Quân đội là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ và khắc phục sự cố môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Để góp phần nâng cao hơn nữa công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học, giúp cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, chính ủy, chính trị viên các cấp đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Quân đội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường'.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 70 bài tham luận với nội dung phong phú, hàm lượng khoa học cao; góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề mới về tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đến mọi mặt của đời sống xã hội và các cơ quan, đơn vị Quân đội; đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò của Quân đội là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường. Báo Quân đội nhân dân Điện tử lược trích một số ý kiến, tham luận của các đại biểu, nhà khoa học tại hội thảo.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ

Môi trường tiếp tục bị xuống cấp, ở nhiều nơi đã đến mức báo động như: Đất đai bị xói mòn, thoái hóa, chất lượng nguồn nước suy giảm, không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm nặng nề; khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, đa dạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng, điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở nhiều nơi chưa bảo đảm; các thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khắc nghiệt, khó lường… Bởi vậy, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường, đã, đang và sẽ đặt ra những thách thức mới, gay gắt, quyết liệt và khó lường hơn.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp sáng tạo như: Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải trong các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, bệnh viện quân y; trồng rừng; xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học, bom mìn tồn lưu sau chiến tranh; tham gia phòng, chống ô nhiễm môi trường và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; phòng chống cháy rừng; phòng chống dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19... Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nỗ lực phấn đấu xây dựng cảnh quan môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”; chủ động xây dựng phương án ứng phó, thích ứng, giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu đến tính mạng, sức khỏe bộ đội; tài sản, vũ khí, trang bị kỹ thuật; các công trình quân sự, quốc phòng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Trong những năm gần đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã cử các lực lượng tham gia có hiệu quả vào các hoạt động quốc tế trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường như: Triển khai 5 Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng; Đội công binh gìn giữ hòa bình số 1 được cử tới Phái bộ Lực lượng an ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại Abyei; đặc biệt từ ngày 13 đến ngày 22 tháng 2 năm 2023 Bộ Quốc phòng cử 76 đồng chí cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các lực lượng tham gia đã góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cộng đồng dân cư ở các nước sở tại. Qua đó, tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong mắt bạn bè và nhân dân thế giới.

Hội thảo khoa học với chủ đề “Quân đội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường” là hoạt động khoa học, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn đề cập đến một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết của Quân đội hiện nay; khẳng định vai trò nòng cốt của Quân đội trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Thiếu tướng Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng: Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường

Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, công tác nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó sự cố môi trường đã được triển khai đồng bộ. Năm 2023, nhiều kết quả quan trọng đã đạt được trên nhiều lĩnh vực.

Giai đoạn 2021-2023, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả 16 mô hình giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong kiểm soát, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường tại các đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp Quốc phòng, kho tàng, bệnh viện, cải thiện môi trường tại trung tâm huấn luyện, trường bắn, kho vũ khí, các học viện, nhà trường, các sư đoàn bộ binh đủ quân. Nổi bật là các mô hình công nghệ xử lý cải thiện môi trường ở 3 sư đoàn bộ binh đủ quân: Sư đoàn 324 (Quân khu 4), Sư đoàn 302 (Quân khu 7); Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4; mô hình xử lý nước thải của Trường Sĩ quan Lục quân 2 đạt kết quả tốt.

Thiếu tướng Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng.

Thiếu tướng Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng.

Đặc biệt, năm 2023, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh chủng Hóa học công bố hoàn thành dự án xử lý chất độc dioxin sân bay Aso tỉnh Thừa Thiên Huế (địa bàn Quân khu 4). Đây là dấu ấn quan trọng vì dự án này được thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ và vốn của Việt Nam (thông qua sự giúp đỡ của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Kết quả thực hiện đã được Bộ Quốc phòng đánh giá rất cao, đồng thời Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã bày tỏ, sự hài lòng, cảm ơn lực lượng quân đội (chủ trì là bộ đội hóa học) đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thậm chí là độc hại, nguy hiểm để hoàn thành xử lý ô nhiễm chất độc dioxin ở sân bay Aso, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn của tỉnh

Thiếu tướng Phan Văn Sỹ, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4: Nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”

Trong những năm qua, trên địa bàn Quân khu, thường xuyên xảy ra các cơn bão, lũ, mưa lớn trên diện rộng; trong đó điển hình năm 2020, trong gần 1 tháng có đến 5 cơn bão và 2 dải hội tụ áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng trực tiếp đến 6 tỉnh thuộc Quân khu gây ngập lụt sâu, lũ ống, lũ quét, sạt lở núi, cơ sở hạ tầng bị tàn phá khủng khiếp, giao thông bị chia cắt, nhiều làng xã bị cô lập. Trong đó, nghiêm trọng nhất là trận lũ, sạt lở đất xảy ra tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm 67 (huyện Phong Điền – Thừa Thiên Huế) ngày 13-10-2020 đã làm 13 đồng chí hy sinh và sạt lở núi tại Đoàn KT-QP 337 (huyện Hướng Hóa – Quảng Trị) ngày 18-10-2020 làm 22 đồng chí hy sinh; trận lũ ống, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tháng 10-2022 gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của nhân dân… Những hành động, việc làm trong thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” đã tô thắm thêm truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của lực lượng vũ trang Quân khu 4. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, lực lượng vũ trang Quân khu luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”.

Thiếu tướng Phan Văn Sỹ, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4.

Thiếu tướng Phan Văn Sỹ, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4.

Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu làm cho công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có phương thức tổ chức mới, để huy động kịp thời các lực lượng khi có tình huống xảy ra. Trước những vấn đề trên, các cơ quan, đơn vị trong Quân khu phải thường xuyên chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, huấn luyện bổ sung các phương án; đồng thời chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất để ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến của thiên tai trên địa bàn; chủ động giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy rừng và công tác bảo vệ tại cơ quan, đơn vị; tăng cường kíp trực sở chỉ huy các cấp, trực cứu hộ, cứu nạn; nắm và quản lý chặt chẽ bộ đội; tổ chức kiểm tra kho, trạm, xưởng và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng: Vận dụng, phát huy thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" và “3 sẵn sàng”

Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu với chức năng, nhiệm vụ giúp Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương tham mưu cho Chính phủ trong công tác Phòng thủ dân sự, Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Từ thực tiễn trong tham mưu, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ ứng phó sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trên cả nước và khu vực miền Trung nói riêng, Cục Cứu hộ - Cứu nạn rút ra một số kinh nghiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó, khắc phục các sự cố, thảm họa như sau:

Thứ nhất, thường xuyên quán triệt nghiêm túc đầy đủ các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ Quốc phòng để cụ thể hóa bằng các kế hoạch các cấp, phối hợp chặt chẽ, thống nhất với các cơ quan chức năng của địa phương.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng.

Thứ hai, chủ động cập nhật, nắm chắc tình hình diễn biến sự cố, nắm chắc lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ ứng phó, khắc phục sự cố; chủ động phối hợp với địa phương nắm chắc tình hình về mọi mặt ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra sự cố, kịp thời điều chỉnh kế hoạch ứng phó phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị và thực tế diễn biến của sự cố. Vận dụng, phát huy thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" và “3 sẵn sàng” ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, nắm chắc thời cơ, khẩn trương, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực tổ chức ứng phó, khắc phục trong thời gian nhanh nhất, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Thứ tư, thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ cho các lực lượng chuyên trách và kiêm nhiệm ứng phó, khắc phục sự cố, đặc biệt chú ý đến diễn tập cho các lực lượng phối hợp tham gia ứng phó sự cố môi trường của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ năm, tăng cường công tác động đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức về những nguy cơ, tác hại của sự cố môi trường; nâng cao nhận thức, tính chủ động của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường nói riêng.

Đại tá Trần Anh Tuấn, Phó tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân: Lan tỏa hình ảnh Quân đội, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tới các tầng lớp nhân dân

Việc tuyên truyền các hoạt động của toàn quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục sự cố môi trường được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Báo Quân đội nhân dân. Với hàng nghìn tin, bài, ảnh được các phóng viên, biên tập viên thực hiện về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục sự cố môi trường được đăng tải hằng năm trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân đã góp phần lan tỏa hình ảnh Quân đội, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tới các tầng lớp nhân dân.

Đại tá Trần Anh Tuấn, Phó tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân

Đại tá Trần Anh Tuấn, Phó tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân

Để tiếp tục tuyên truyền hiệu quả Quân đội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường, lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai... Báo Quân đội nhân dân đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo, động viên đội ngũ cán bộ thuộc cơ quan chính trị, cán bộ thuộc cơ quan tuyên huấn tích cực thực hiện công tác tuyên truyền mỗi khi trên địa bàn đơn vị mình đứng chân xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, hoặc sự cố môi trường. Các cơ quan, đơn vị cần phát huy vai trò của cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị, các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực môi trường trong việc viết bài, quay phim, chụp ảnh về các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục sự cố môi trường, hậu quả thiên tai... gửi về các cơ quan báo chí quân đội và các cơ quan thông tấn báo chí để kịp thời tuyên truyền.

Hằng năm, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cần nghiên cứu dành khoản đầu tư thường xuyên cho công tác tuyên truyền về Quân đội tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục sự cố môi trường. Khoản đầu tư này có thể xác định trong một đề án riêng biệt hướng vào việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất (máy tính, máy ảnh, máy quay phim...) phục vụ tuyên truyền và công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ tuyên truyền cho lực lượng nòng cốt ở các cơ quan, đơn vị. Bảo đảm khi xảy ra thiên tai, sự cố, hoặc khi bộ đội cơ động khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố là có ngay thông tin, hình ảnh để đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng nói chung và hệ thống báo chí quân đội nói riêng, mục đích là vừa định hướng dư luận, vừa lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ tới các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của toàn quân.

Đông chí Phan Xuân Hào, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình: Chỗ dựa vững chắc cho nhân dân trước tác động ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa môi trường

Lực lượng Quân đội đã đóng vai trò nòng cốt trong tham gia khắc phục các sự cố thiên tai, môi trường, trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhân dân trước tác động ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa môi trường. Cụ thể: Trong trận lũ lịch sử năm 2020, lực lượng Quân đội của tỉnh nhà đã huy động tối đa lực lượng hỗ trợ, kịp thời ứng cứu người dân vùng lũ, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường tại các điểm trường học, bệnh viện, khu tập trung dân cư vùng lũ.

Trong đại dịch Covid-19, lực lượng Quân đội đã chủ động huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia túc trực tại các điểm chốt chặn, các điểm bị phong tỏa; tham gia cung cấp các nguồn lương thực, thực phẩm cho các khu cách ly, các vùng dịch; bố trí lực lượng, trang thiết bị xây dựng bệnh viện dã chiến và tham gia điều trị cho người dân bị nhiễm bệnh; phối hợp hỗ trợ xử lý các chất thải rắn có nguy cơ lây nhiễm bệnh do dịch covid 19. Ngoài ra, lực lượng Quân đội đã huy động 167 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh kịp thời trục vớt 3.850 kg dầu thải vón cục dạt vào bờ biển Quảng Bình trong sự cố tràn dầu trên biển năm 2021.

Phan Xuân Hào, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình.

Phan Xuân Hào, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình.

Lực lượng Quân đội tỉnh luôn xác định, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, việc tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xây dựng kế hoạch sử dụng lực lượng, tiến hành phối hợp, hiệp đồng giao nhiệm vụ với lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển thường xuyên nắm chắc mọi diễn biến khí hậu, thời tiết, thủy văn; sẵn sàng cơ động lực lượng đến những địa bàn trọng điểm; tổ chức huấn luyện lực lượng phòng, chống lụt, bão với những nội dung: Bơi cứu người, phương pháp cấp cứu người bị nạn, di chuyển người và cơ sở vật chất ra khỏi vùng lũ, lụt; cách chèo, chống thuyền, bè, hàn khẩu đê... Với phương châm “Tích cực, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả cao”, lực lượng Quân đội tỉnh đã thường xuyên duy trì bảo đảm hệ thống thông tin, liên lạc; tổ chức chặt chẽ chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy 24/24 giờ; kịp thời thông báo, cảnh báo diễn biến của thời tiết để nhân dân chủ động tự phòng, chống và sẵn sàng tham gia ứng cứu.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương của 8 huyện, thành phố, thị xã, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bổ sung các phương án phòng, chống lụt, bão gắn với diễn tập khu vực phòng thủ; di dời, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người dân nhận thức rõ phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của mỗi công dân, của mọi gia đình và toàn xã hội; từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chủ động đối phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, lực lượng quân sự tỉnh luôn phối hợp làm tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị sát với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi cao. Từ đó, lên kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ giữa địa phương với các đơn vị đóng quân trên địa bàn, để khi có tình huống xảy ra, các đơn vị chủ động điều động nhanh lực lượng, xử lý kịp thời các tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Khi có tình huống thiên tai xảy ra, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình có sẵn phương án phối hợp với các lực lượng, thống nhất công tác chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền, thông báo cho nhân dân các vùng trọng điểm, kiểm đếm người, phương tiện hoạt động trên các vùng biển rời khỏi vùng nguy hiểm về các khu vực an toàn; phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng chủ động hướng dẫn ngư dân, sắp xếp, neo đậu tàu thuyền tại các âu tàu, cầu cảng, tránh trú bão an toàn. Lụt, bão đi qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn tham gia giúp dân dựng lại nhà cửa, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, khắc phục đường giao thông, hàn khẩu các tuyến đê, kè, sớm ổn định đời sống của nhân dân… Với tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Bình đã khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong đó có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả sau bão, lũ và đã được Quân khu 4, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá cao, khen thưởng nhiều tập thể và cá nhân.

ANH TẦN – HOA LÊ (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/quan-doi-la-luc-luong-nong-cot-trong-nhiem-vu-bao-ve-va-khac-phuc-su-co-moi-truong-ung-pho-bien-doi-khi-hau-752662