Quân đội Mỹ bất ngờ không kích Syria theo lệnh của Biden
Hôm 26-2, Reuters đưa tin quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào các cơ sở dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm đã chỉ đạo các cuộc không kích này ở miền đông Syria nhắm vào các cơ sở được Lầu Năm Góc tin là của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, nhằm đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq.
Các cuộc không kích dường như có phạm vi hạn chế, nhờ đó có khả năng làm giảm nguy cơ leo thang bạo lực.
Quyết định của Biden không kích ở Syria chứ không phải ở Iraq ít nhất là vào lúc này được các chuyên gia quốc tế nhận định là mang lại cho chính phủ Iraq “một chút không gian để thở” khi họ đang trong tiến trình thực hiện cuộc điều tra của riêng mình về một cuộc tấn công ngày 15-2 khiến người Mỹ bị thương.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden, vào đầu giờ tối nay, các lực lượng quân sự Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào cơ sở hạ tầng được sử dụng bởi các nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn ở miền đông Syria”.
“Tổng thống Biden sẽ hành động để bảo vệ các nhân viên Mỹ và Liên quân. Đồng thời, chúng tôi đã hành động một cách có chủ ý nhằm làm giảm leo thang tình hình chung ở cả miền đông Syria và Iraq”, Kirby nói.
Ông nói thêm rằng các cuộc không kích đã phá hủy nhiều cơ sở tại một chốt kiểm soát biên giới được sử dụng bởi một số nhóm chiến binh do Iran hậu thuẫn, bao gồm Kata’ib Hezbollah (KH) và Kata’ib Sayyid al-Shuhada (KSS).
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết quyết định tiến hành các cuộc không kích nhằm gửi đi một tín hiệu rằng trong khi Mỹ muốn trừng phạt các lực lượng dân quân, họ không muốn tình hình phát triển trở thành một cuộc xung đột lớn hơn.
Quan chức này nói thêm rằng Biden đã được trình cho một loạt các lựa chọn và ông đã chọn phương cách hạn chế nhất.
Hiện vẫn chưa rõ thiệt hại gây ra và liệu có thương vong từ các cuộc không kích này của Mỹ hay không.
Michael McCaul, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết các cuộc không kích này là động thái đúng đắn.
McCaul nói: “Những phản ứng như thế này là một biện pháp răn đe cần thiết và nhắc nhở Iran, các lực lượng ủy nhiệm của nước này và các đối thủ của chúng ta trên khắp thế giới rằng các cuộc tấn công vào lợi ích của Mỹ sẽ không được dung thứ”.
Suzanne Maloney, thuộc Viện nghiên cứu Brookings, cho biết các cuộc không kích cho thấy chính quyền Biden có thể đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân trong khi vẫn đẩy lùi lực lượng mà họ hậu thuẫn.
Bà nói trên Twitter: “Một bước đi tốt là... chính quyền Biden chứng minh rằng Mỹ vừa có thể đi bộ và nhai kẹo cao su cùng một lúc”.
Các cuộc tấn công tên lửa nhắm vào các vị trí của Mỹ ở Iraq được thực hiện khi Washington và Tehran đang tìm cách quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Không rõ bằng cách nào hoặc liệu cuộc tấn công có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của Mỹ trong việc thuyết phục Iran trở lại đàm phán về việc cả hai bên nối lại tuân thủ thỏa thuận hay không.
Trong cuộc tấn công ngày 15- 2, tên lửa đã đánh trúng căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại sân bay Quốc tế Erbil trong khu vực do người Kurd điều hành, giết chết một nhà thầu không phải người Mỹ và làm bị thương một số nhà thầu Mỹ và một thành viên dịch vụ của Mỹ.
Một cuộc tấn công khác đã nhắm vào một căn cứ đóng quân của lực lượng Mỹ ở phía bắc Baghdad vài ngày sau đó, làm ít nhất một nhà thầu bị thương.
Tên lửa cũng tấn công Khu vực Xanh của Baghdad hồi đầu tuần, nơi có Đại sứ quán Mỹ và các cơ quan ngoại giao khác.
Đầu tuần này, nhóm Kata’ib Hezbollah, một trong những nhóm dân quân Iraq thân Iran đã phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong các vụ tấn công bằng tên lửa kể trên.
Một số quan chức phương Tây và Iraq cho biết các cuộc tấn công, thường được tuyên bố bởi các nhóm ít được biết đến, đang được thực hiện bởi các chiến binh có liên hệ với Kata’ib Hezbollah như một cách để các đồng minh Iran quấy rối lực lượng Mỹ mà không phải chịu trách nhiệm.
Kể từ cuối năm 2019, Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích cao độ nhằm vào nhóm dân quân Kata’ib Hezbollah ở Iraq và Syria để đáp trả các cuộc tấn công tên lửa đôi khi gây chết người nhắm vào các lực lượng do Mỹ dẫn đầu.
Dưới thời chính quyền Trump, sự leo thang qua lại gây căng thẳng, lên đến đỉnh điểm bằng việc Mỹ ám sát tướng Iran - Qassem Soleimani dẫn đến một cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa đạn đạo của Iran nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq vào năm ngoái.