Quân đội Mỹ can thiệp 'bom tấn' Top Gun

Giống như Top Gun (năm 1986), phần tiếp theo của bộ phim bom tấn này vẫn nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Văn phòng Truyền thông Giải trí trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Nhiều người nói vui rằng, Hollywood là “quân chủng” thứ 6 của quân đội Mỹ. Bởi một lẽ đơn giản, nhiều phim Hollywood về đề tài chiến tranh, quân sự, hành động để lại trong lòng khán giả ấn tượng tốt về quân đội Mỹ nói chung, quân nhân Mỹ nói riêng. Và cũng vì sức ảnh hưởng tích cực ấy của Hollywood, gần 100 năm trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập Văn phòng Truyền thông Giải trí để hỗ trợ các nhà làm phim kể các câu chuyện về quân sự.

Tài tử Tom Cruise (60 tuổi) trong “Top Gun: Maverick”. Ảnh: Polygon

Tài tử Tom Cruise (60 tuổi) trong “Top Gun: Maverick”. Ảnh: Polygon

4 điều lưu tâm

Báo Mỹ The Washington Post vừa có bài viết “Top Gun, Brought to You by the U.S. Military” Top Gun được Quân đội Mỹ mang đến cho bạn)-cấu trúc câu thường được dùng trong quảng cáo, kiểu như “Chúng tôi hân hạnh tài trợ chương trình này”. Top Gun: Maverick (ra rạp Việt Nam từ ngày 27/5 với tên phim Phi công siêu đẳng) được Bộ Quốc phòng Mỹ ủng hộ, hỗ trợ về mặt trang thiết bị và nhân lực, bao gồm máy bay phản lực, nhân viên tàu sân bay, cố vấn kỹ thuật…

“Chúng tôi thực sự hỗ trợ bộ phim truyện đầu tiên giành giải Oscar hạng mục phim xuất sắc nhất. Đó là phim Wings sản xuất năm 1927 về các phi công lái máy bay chiến đấu trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất”, ông Glen Roberts-trung tá không quân, Giám đốc Văn phòng Truyền thông Giải trí kể.

Theo lãnh đạo Văn phòng Truyền thông Giải trí, với phim Top Gun đầu tiên (năm 1986), Lầu Năm Góc đã thay đổi đáng kể một số khía cạnh trong cốt truyện để nội dung phim có tính đồng cảm, thiện cảm hơn với quân đội. Nhưng với Top Gun: Maverick (năm 2022), Văn phòng này không can thiệp để thay đổi kịch bản phim.

Ngày nay, khi cộng tác về phim truyện, Lầu Năm Góc có thể vẫn yêu cầu viết lại kịch bản để bảo đảm tính xác thực, nhưng ông Roberts nói rằng, Văn phòng Truyền thông Giải trí không can thiệp vào nội dung phim Top Gun: Maverick. “Khi tôi nhận kịch bản, tôi không thay đổi câu chuyện. Tôi chỉ có thể góp ý rằng, điều này không đúng thực tế, điều này là sai”, ông Roberts nói.

Ông Roberts nói ông luôn lưu tâm 4 điều là “bảo mật, chính xác, chính sách và quyền riêng tư”. Phim không được tiết lộ bất kỳ bí mật nhà nước nào. Phim phải miêu tả việc huấn luyện và chiến đấu một cách chính xác. Các nhân vật phải tuân thủ các chính sách, nguyên tắc mà Bộ Quốc phòng đề ra. Và phim phải bảo vệ sự riêng tư của quân nhân và gia đình họ.

Nhiều cảnh quay thật, không kỹ xảo

Một chiếc máy bay tiêm kích F/A 18 Super Hornet bay phía trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Ảnh: US Navy

Một chiếc máy bay tiêm kích F/A 18 Super Hornet bay phía trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Ảnh: US Navy

Tài tử Tom Cruise (nam chính trong Top Gun: Maverick) yêu cầu các nhà làm phim hạn chế sử dụng việc quay với phông nền xanh và hạn chế dùng kỹ thuật CGI (hình ảnh do máy tính tạo ra) để tạo ra cảnh quay trên không. Những cảnh quay cận trong buồng lái được quay thực tế trên máy bay.

Vì thế, phần lớn diễn viên phải trải qua các buổi tập luyện về lực G để cơ thể chịu được lực G trong các chuyến bay. Lực G là một lực ảo dạng quán tính dùng để giải thích gia tốc tương đối của một vật khi đổi hướng hoặc thay đổi tốc độ so với khi rơi tự do. Lực này được tính bằng cách lấy gia tốc của vật thể đang chuyển động chia cho gia tốc trọng trường (9,8 m/s).

Các nhà làm phim Top Gun: Maverick tiết lộ rằng, Tom Cruise đã tự mình lái máy bay phản lực trong một cảnh phim và đã bay với lực G là 8 (đủ để biến dạng khuôn mặt và gây choáng váng). Con người có thể chịu được lực G cục bộ trong khoảng 100 nhưng chỉ trong chốc lát. Nếu chịu lực G trên 10 lâu hơn, có thể bị chấn thương vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Khi quay cảnh trên không cho Top Gun (năm 1986), hầu hết mọi người, kể cả Tom Cruise đều bị nôn. Với Top Gun: Maverick dàn diễn viên phải trải qua huấn luyện nhiều tháng.

Ám chỉ

Hình ảnh và lời thoại trong Top Gun: Maverick chỉ cho khán giả thấy là nhóm máy bay do phi công Maverick dẫn đầu có nhiệm vụ phá hủy một cơ sở hạt nhân của một quốc gia đối địch, không đề cập bất kỳ một cái tên cụ thể nào.

Tuy nhiên, từ một chi tiết trong phim, nhiều người suy ra đó là quốc gia nào. Cuối phim có cảnh nam chính (tài tử Tom Cruise thủ vai) ở trong lãnh thổ đối phương, đánh cắp một chiếc máy bay tiêm kích F-14.

Trong thực tế, F-14 là máy bay chiến đấu đa nhiệm có vai trò đánh chặn, chiếm ưu thế trên không, do hãng Grumman của Mỹ (sau sáp nhập với Northrop thành Northrop Grumman) sản xuất trong giai đoạn 1969-1991. Chuyến bay đầu tiên của F-14 được thực hiện hôm 21/12/1970 và chính thức ra mắt ngày 22/9/1974. Có tổng cộng 712 chiếc F-14 được sản xuất.

Chỉ có hai nước từng và hiện vẫn sử dụng F-14. Đó là Mỹ (Hải quân Mỹ cho F-14 nghỉ hưu từ ngày 22/9/2006) và Iran (Không quân Iran vẫn đang sử dụng loại máy bay này). Năm 1978, Iran mua tổng cộng 80 chiếc F-14 hiện đại. Thời điểm đó, Iran vẫn là đồng minh của Mỹ. Nhưng một năm sau đó, Cách mạng Hồi giáo Iran nổ ra, chế độ quân chủ của Vua Iran Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ, ông Ayatollah Khomeini trở thành lãnh đạo tối cao của Iran.

Cuối cùng, vào năm 2006, Mỹ cho ngừng hoạt động và phá hủy tất cả các máy bay phản lực F-14 của mình, trừ những chiếc đã được đưa vào bảo tàng. Tuy nhiên, đến nay Iran vẫn tiếp tục vận hành các máy bay F-14 cổ lỗ sĩ.

Trong Top Gun: Maverick có cảnh máy bay của quốc gia thù địch đuổi theo phi đội Mỹ. Đó là máy bay chiến đấu thế hệ 5 Sukhoi Su-57 (NATO gọi là Felon). Su-57 là máy bay chiến đấu tàng hình đa năng một chỗ ngồi, hai động cơ do hãng Sukhoi (Nga) phát triển. Su-57 là máy bay đầu tiên trong biên chế quân đội Nga được thiết kế theo công nghệ tàng hình, được kỳ vọng sẽ kế nhiệm MiG-29 và Su-27.

Máy bay, tàu chiến trong phim

Tàu sân bay xuất hiện trong Top Gun: Maverick là chiếc USS Theodore Roosevelt. Trong phim có bóng dáng của Phi đội máy bay chiến đấu tấn công 154 (VFA-154), còn được gọi là “Hiệp sĩ đen”. Đây là một phi đội máy bay chiến đấu tấn công của Hải quân Mỹ đóng tại Trạm Không quân Hải quân Lemoore. Họ sử dụng máy bay F/A-18F Super Hornet, hiện trực thuộc Cánh bay 11 được triển khai trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Mã đuôi của họ là NH và hô hiệu của họ là “Hiệp sĩ”.

Cuối phim, nhân vật do Tom Cruise đóng lái chiếc máy bay Mustang P-51 từ thời Thế chiến II. Đây chính là máy bay riêng của Tom Cruise và trong đời thực, tài tử Hollywood sinh năm 1962 là một phi công có bằng cấp.

THÁI AN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quan-doi-my-can-thiep-bom-tan-top-gun-post1443514.tpo