Quân đội Mỹ, Trung Quốc lần đầu tham gia cuộc tập trận chung lớn nhất Mỹ Latinh

Thông báo từ Hải quân Brazil cho biết, lần đầu tiên quân đội Mỹ và Trung Quốc cùng nhau tham gia cuộc tập trận quân sự chung mang tên 'Formosa' do Lực lượng Vũ trang Brazil tổ chức.

Lần đầu Mỹ - Trung cùng tham dự tập trận Formosa

Ngày 10/9, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, khoảng 3.000 quân nhân đã bắt đầu tham gia Chiến dịch Formosa, một trong những cuộc tập trận quân sự lớn nhất Mỹ Latinh, tổ chức tại thành phố Formosa (Brazil) kể từ năm 1988.

Tờ báo SCMP cho biết cuộc diễn tập mang tên "Formosa", lấy tên của một thành phố của Brazil và không có liên hệ gì đến hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc). (Ảnh: SCMP)

Tờ báo SCMP cho biết cuộc diễn tập mang tên "Formosa", lấy tên của một thành phố của Brazil và không có liên hệ gì đến hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc). (Ảnh: SCMP)

Điểm đặc biệt là năm nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều cử lực lượng tới tham dự cuộc diễn tập quân sự này, với 54 quân nhân Hải quân Mỹ và 33 quân nhân Hải quân Trung Quốc.

Các năm trước, Mỹ thường điều động quân từ Bộ Tư lệnh miền Nam, còn Trung Quốc chỉ tham gia với vai trò là quan sát viên.

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, cuộc tập trận còn có sự tham dự của các sĩ quan từ Argentina, Pháp, Italy, Mexico, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Congo và Nam Phi.

"Việc Brazil mời các quốc gia hữu nghị tham gia các cuộc tập trận là thông lệ, qua đó thúc đẩy kết nối sâu rộng giữa Hải quân Brazil và lực lượng của các quốc gia", Hải quân Brazil tuyên bố vào cuối tuần qua.

Bộ Quốc phòng Brazil cho biết mục đích của cuộc tập trận là mô phỏng các hoạt động tàu chiến tấn công vào vùng ven biển của đối phương và lên kế hoạch đổ bộ vào một bãi biển được chỉ định.

Báo cáo cho biết thêm, tất cả các vũ khí khi diễn tập đều sử dụng đạn thật, tạo cơ hội tương tác và hội nhập cho các lực lượng hải quân, lục quân và không quân của Brazil, cũng như thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm với lực lượng đồng minh từ các quốc gia khác.

Theo Bộ Quốc phòng Brazil, cuộc tập trận dự kiến kết thúc vào ngày 17/9.

Mỹ liên tục từ chối mời Trung Quốc tập trận

Tờ báo SCMP đã liên hệ tới Bộ Quốc phòng Mỹ hỏi về hoạt động tập trận chung tại Brazil. Cơ quan này đã chuyển lời đến Bộ Tư lệnh miền Nam nhưng hiện SCMP vẫn chưa thể liên lạc.

Đây là lần đầu tiên Mỹ và Trung Quốc cùng tham dự tập trận chung ở Brazil và cũng là lần đầu cùng tham gia tập trận kể từ năm 2016. (Ảnh: SCMP)

Đây là lần đầu tiên Mỹ và Trung Quốc cùng tham dự tập trận chung ở Brazil và cũng là lần đầu cùng tham gia tập trận kể từ năm 2016. (Ảnh: SCMP)

Theo báo SCMP, lần cuối quân đội Mỹ và Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung là từ năm 2016.

Tại thời điểm này, Washington mời Bắc Kinh tham gia Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương, còn được gọi là Rimpac. Bắc Kinh đã cử 5 tàu chiến và khoảng 1.200 quân tham dự.

Tuy nhiên trong các đợt tập trận tiếp theo, Lầu Năm Góc đã rút lại lời mời, coi đây là động thái trừng phạt đối với việc Trung Quốc liên tục quân sự hóa các thực thể tranh chấp trên biển.

Tại cuộc tập trận Rimpac gần đây nhất diễn ra vào tháng 7, quân đội Trung Quốc một lần nữa bị loại khỏi danh sách mời tham dự của Mỹ.

Phó đô đốc Hải quân Mỹ John Wade, người chỉ huy cuộc tập trận, cho biết lý do không mời Trung Quốc là vì Washington cho rằng Bắc Kinh chỉ đang miễn cưỡng tuân thủ các quy tắc hoặc chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế.

Cũng theo tờ báo SCMP, việc Trung Quốc tham gia Chiến dịch Formosa đánh dấu bước tiến mới nhất trong quá trình mở rộng hợp tác quân sự Trung Quốc - Brazil.

Năm 2015, quân đội Trung Quốc đã tham gia các chương trình huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện chiến tranh rừng rậm của Brazil ở Manaus, bang Amazonas.

Năm 2017, Trung tâm huấn luyện chung về hoạt động hòa bình của Brazil đã tiếp nhận sinh viên Trung Quốc.

Vào tháng 7 vừa qua, Tướng Tomas Miguel Ribeiro Paiva, Tư lệnh quân đội Brazil, đã đến thăm Bắc Kinh để tăng cường hợp tác trong các vấn đề học thuật và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và công nghiệp quốc phòng.

Lưu Gia Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quan-doi-my-trung-quoc-lan-dau-tham-gia-cuoc-tap-tran-chung-lon-nhat-my-latinh-192240910152050417.htm