"Chúng tôi đồng hành với cộng đồng quốc tế về vấn đề nhóm đảo Senkaku và chủ quyền tại đây. Chúng tôi ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề chủ quyền và kêu gọi Trung Quốc ngừng các hành động, như triển khai tàu hải cảnh, có thể dẫn tới tính toán sai lầm và nguy cơ gây tổn hại vật chất", phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông John Kirby nói hôm 24/2.
Cảnh báo được ông Kirby đưa ra sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát nhóm đảo tranh chấp Senkaku trên biển Hoa Đông hôm 20-21/2, "rình rập" và tìm cách tiếp cận một tàu cá Nhật Bản đang hoạt động tại đây.
Mỹ là đồng minh thân cận của Nhật Bản và luôn sát cánh cùng nước này tại những khu vực tranh chấp, cụ thể là tại quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trong khi Nhật Bản lại định danh là Senkaku.
Cảnh sát biển Nhật Bản sau đó điều tàu tuần tra tới hộ tống tàu cá, đồng thời phát cảnh báo yêu cầu tàu hải cảnh Trung Quốc rời đi.
Hải cảnh Trung Quốc còn điều hai tàu tuần tra khác đến khu vực gần nhóm đảo tranh chấp, một trong số này dường như được trang bị pháo, cảnh sát biển Nhật Bản cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân sau đó tuyên bố nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku là "lãnh thổ vốn có của Trung Quốc" và chỉ trích hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, nhưng không trực tiếp đề cập đến bình luận của phát ngôn viên Kirby.
"Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật chỉ là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, đáng lẽ không nên gây hại cho lợi ích của bên thứ ba hay đe dọa hòa bình, ổn định khu vực", ông Uông nói.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc đã 9 lần tiếp cận nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản từ đầu năm đến nay. Hôm 8/2, Tokyo trao công hàm phản đối cho Bắc Kinh sau "sự cố không thể chấp nhận được", khi các tàu hải cảnh Trung Quốc tìm cách tiếp cận tàu cá Nhật Bản hoạt động gần nhóm đảo tranh chấp.
Hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hoạt động xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu đưa nước này trở thành "cường quốc hàng hải".
Chính phủ Nhật Bản phải thành lập tổ công tác đặc biệt tại văn phòng thủ tướng để phân tích tình hình quanh nhóm đảo tranh chấp.
Quần đảo Senkaku nằm trong biển Hoa Đông giữa Nhật Bản - CHND Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan). Quần đảo gồm có 5 đảo không có người ở và 3 bãi đá trơ giữa biển, kích thước từ 800 m² đến 4,32 km².
Quần đảo Senkaku bị Mỹ chiếm đóng từ năm 1945 từ tay Đế quốc Nhật Bản sau khi họ thất bại trong Thế chiến thứ 2. Trước đó Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã luôn tranh chấp về quần đảo này, sau đó Nhà Thanh đã buộc phải ký thỏa thuận nhượng lại quần đảo sau khi họ thua trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật (1894-1895).
Đến năm 1972, Mỹ muốn rời đi, cả Nhật Bản và Trung Quốc thể hiện quan điểm của mình về chủ quyền của quần đảo lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 20 tháng 5 năm 1972 nhằm tìm kiếm sự tiếp quản quần đảo từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên sau đó Mỹ đã trao lại cho Nhật Bản.
Sở hữu những hòn đảo này sẽ mang đến cho quốc gia sở hữu những quyền lợi về khai thác dầu khí, khoáng sản và đánh bắt cá ở các vùng biển xung quanh.
Trong khi Trung Quốc tiếp tục lớn tiếng đòi chủ quyền quần đảo này thì Nhật Bản cáo buộc rằng Trung Quốc chỉ bắt đầu tuyên bố quyền sở hữu các đảo vào năm 1971, sau khi một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (tháng 5 năm 1969) về việc dưới đáy biến xung quanh quần đảo có thể chứa một lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ.
Tranh chấp quần đảo này lại nóng lên trong thời gian gần đây khi Trung Quốc tỏ rõ tham vọng xây dựng cường quốc hải quân và vươn ra biển lớn.
Việt Hùng