Quân đội Niger tuyên bố phế truất Tổng thống Bazoum

Nhóm cận vệ của Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đã tuyên bố phế truất ông Bazoum, sau khi phong tỏa dinh Tổng thống ở thủ đô Niamey, khống chế Tổng thống.

Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đã bị tước bỏ quyền lực, một nhóm binh sĩ xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia tuyên bố vào cuối ngày 26/7.

Đại tá Amadou Abdramane, người đọc tuyên bố, cho biết, các lực lượng quốc phòng và an ninh đã quyết định chấm dứt chế độ của Tổng thống Bazoum do tình hình an ninh ngày càng xấu đi và quản trị xã hội yếu kém.

Cũng theo tuyên bố, biên giới Niger đã bị đóng cửa và lệnh giới nghiêm toàn quốc được ban bố.

Nhóm sĩ quan cảnh báo chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài, đồng thời cho biết họ sẽ tôn trọng sự an toàn của ông Bazoum.

 Nhóm cận vệ tuyên bố phế truất Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Ảnh: Reuters.

Nhóm cận vệ tuyên bố phế truất Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Ảnh: Reuters.

Trước đó, vào sáng 26/7, lực lượng bảo vệ Tổng thống đã phong tỏa dinh Tổng thống ở thủ đô Niamey, khống chế Tổng thống Bazoum, người đã bác bỏ yêu cầu từ chức của nhóm nổi dậy.

Sáng sớm thứ Tư, các cận vệ của Tổng thống, đứng đầu là Tướng Omar Tchiani, người đứng đầu lực lượng cận vệ của Tổng thống Bazoum đã tiếp quản vị trí Tổng thống.

Thông tin vụ đảo chính. Nguồn: Reuters.

Phản ứng trước diễn biến, hàng trăm người biểu tình đã tập trung gần dinh Tổng thống tại thủ đô Niamey bảy tỏ ủng hộ ông Bazoum. Các cận vệ của Tổng thống đã bắn chỉ thiên cảnh cáo, ngăn họ tiến về dinh Tổng thống.

Ông Bazoum nhậm chức vào năm 2021 trong lần chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên của đất nước đã chứng kiến 4 cuộc đảo chính quân sự kể từ khi giành độc lập khỏi Pháp vào năm 1960.

 Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Nguồn: Sia Kambou / AFP / Getty.

Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Nguồn: Sia Kambou / AFP / Getty.

Sự kiện đánh dấu cuộc đảo chính thứ 7 ở khu vực Tây và Trung Phi kể từ năm 2020, có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực của phương Tây nhằm giúp các quốc gia ở khu vực chống lại cuộc nổi dậy của các phần tử thánh chiến lan rộng từ Mali trong thập kỷ qua.

Niger, một thuộc địa cũ của Pháp, đã trở thành một đồng minh quan trọng của các cường quốc phương Tây đang tìm cách giúp nước này đối phó với các cuộc nổi dậy.

Từng có một âm mưu đảo chính bị ngăn chặn ở Niger vào tháng 3/2021, khi một nhóm binh sĩ cố gắng chiếm giữ dinh Tổng thống, vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Bazoum tuyên thệ nhậm chức.

Hôm 26/7, Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã lên án âm mưu đảo chính.

 Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Ảnh: AFP/ Getty.

Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Ảnh: AFP/ Getty.

“ECOWAS cực lực lên án nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực và kêu gọi những kẻ âm mưu đảo chính lập tức trả tự do cho Tổng thống được bầu cử dân chủ của Niger mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào.”, tuyên bố của ECOWAS viết.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông lên án mạnh mẽ... sự thay đổi chính phủ vi hiến ở Niger và kêu gọi chấm dứt lập tức mọi hành động phá hoại các nguyên tắc dân chủ ở Niger; bày tỏ lo ngại sâu sắc trước việc Tổng thống Mohamed Bazoum bị giam giữ cũng như cho sự an nguy của ông.

Người dân biểu tình ủng hộ Tổng thống Bazoum. Nguồn: AFP.

Mỹ kêu gọi trả tự do cho ông Bazoum, trong khi Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc, Pháp và nhiều quốc gia khác lên án cuộc nổi dậy, bày tỏ sự quan ngại về sự kiện.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã nói chuyện với ông Bazoum hôm 26/7, khi ông đang bị giam giữ tại dinh Tổng thống, tuyên bố, Washington ủng hộ Tổng thống được bầu cử dân chủ của Niger.

“Chúng tôi lên án những nỗ lực nhằm lật đổ trật tự hiến pháp của Niger bằng vũ lực và nhấn mạnh, quan hệ đối tác của chúng ta phụ thuộc vào việc duy trì nền quản trị dân chủ.”, ông Blinken tuyên bố.

Văn Phong/Reuters

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/quan-doi-niger-tuyen-bo-phe-truat-tong-thong-bazoum-143434.html