Quân đội Pakistan phản ứng với án tử hình nhằm vào ông Musharraf

Cựu lãnh đạo quân đội Pakistan Pervez Musharraf đã bị kết án tử hình hôm 17-12 vì tội phản quốc và phá hủy hiến pháp, một bản án nhanh chóng bị các lực lượng vũ trang, vốn đã nắm quyền đất nước trong gần một nửa lịch sử 72 năm, lên án.

Cựu lãnh đạo quân đội Pakistan Pervez Musharraf đã bị kết án tử hình hôm 17-12 vì tội phản quốc và phá hủy hiến pháp, một bản án nhanh chóng bị các lực lượng vũ trang, vốn đã nắm quyền đất nước trong gần một nửa lịch sử 72 năm, lên án. Phán quyết của tòa án đánh dấu lần đầu tiên một cựu lãnh đạo lực lượng vũ trang bị kết tội phản quốc và bị kết án tử hình ở Pakistan, nơi quân đội có ảnh hưởng mạnh mẽ và các sĩ quan cao cấp thường được cho là không bị truy tố.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Pervez Musharraf tham gia biểu tình phản đối phán quyết của tòa án tại thành phố Karachi hôm 17-12. Ảnh: AFP

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Pervez Musharraf tham gia biểu tình phản đối phán quyết của tòa án tại thành phố Karachi hôm 17-12. Ảnh: AFP

Một số nguồn tin truyền thông Pakistan cho biết, bản án được một tòa án đặc biệt gồm 3 thành viên đưa ra, trong khi một quan chức tư pháp cấp cao đã xác nhận các phán quyết. Quân đội Pakistan lên án phán quyết của tòa án đặc biệt này, cho biết trong một tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang đang “đau đớn và thống khổ” về quyết định này. “Một cựu lãnh đạo quân đội, chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng Liên quân và Tổng thống Pakistan, người đã phục vụ đất nước trong hơn 40 năm, đã chiến đấu để bảo vệ đất nước, chắc chắn không bao giờ có thể là một kẻ phản bội”, quân đội cho biết trong tuyên bố. Tuyên bố nói thêm rằng, các quy trình pháp lý dường như đã bị bỏ qua.

Ông Musharraf bị truy tố tội phản quốc năm 2014 vì quyết định áp đặt luật tình trạng khẩn cấp hồi năm 2007 và đình chỉ hiến pháp. Động thái này đã gây ra các cuộc biểu tình rộng rãi chống lại ông Musharraf, cuối cùng dẫn đến việc ông phải từ chức khi phải đối mặt với các thủ tục luận tội trước Quốc hội. Cựu Tổng thống Musharraf đã sống lưu vong kể từ khi lệnh cấm đi lại được dỡ bỏ vào năm 2016, cho phép ông có thể ra nước ngoài để điều trị y tế. Cựu Tổng thống 76 tuổi này gần đây đã dành phần lớn thời gian đi lại giữa Dubai và London. Luật sư của ông Musharraf, Akhtar Shah, cho biết cựu tổng thống hiện đang bị bệnh và vẫn ở Dubai. Ông Shah cho biết, chưa có quyết định nào được đưa ra về việc có kháng cáo hay không.

Sau bản tuyên bố của quân đội, Tổng chưởng lý Pakistan Anwar Mansoor Khan đã có buổi họp báo, trong đó ông cũng lên tiếng chỉ trích bản án của tòa án đặc biệt. Vị tổng chưởng lý cho rằng các tòa án đã làm việc ngoài phạm vi áp dụng của pháp luật và bản án này là chống lại hiến pháp. “Nếu người bị buộc tội không nhận được công lý thì chính phủ này sẽ chống lại sự bất công đó”, ông Khan nói. Ông còn nói thêm là tướng Pervez Musharraf đã không có khả năng đăng ký bản tuyên bố của mình cũng như cho nhân chứng của ông ra trước tòa. Ông Khan đã từng là luật sư bảo vệ tướng Musharraf vào năm 2014, lúc vụ xét xử này bắt đầu.

Tuần trước, tòa án đã yêu cầu ông Musharraf ghi hình lại tuyên bố của ông liên quan đến vụ án sau khi việc tuyên án bị tạm hoãn vào ngày 28-11. Trong video, cựu tổng thống Pakistan ngồi trên giường bệnh và nói: "Ủy ban tư pháp có thể đến đây và nghe tôi nói. Họ phải thấy được tình trạng sức khỏe của tôi và đưa ra quyết định". Ông bác bỏ cáo buộc phản quốc đối với ông. “Tôi nghĩ trường hợp này là vô căn cứ. Họ không nghe tôi nói và họ không nghe luật sư của tôi. Đó là một sự bất công lớn”, ông Musharraf nói.

Trả thù

Ông Musharraf sinh ra ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào năm 1943. Khi Tiểu lục địa Ấn Độ bị tách thành Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947, cha mẹ ông Musharraf quyết định rời New Delhi đến Karachi (Pakistan). Năm 1964, ông Musharraf gia nhập quân đội Pakistan rồi kinh qua cuộc chiến tranh năm 1965 và 1971 với Ấn Độ. Musharraf có sự nghiệp thuận lợi, được thăng cấp nhanh chóng. Năm 1998, Thủ tướng Pakistan khi đó Nawaz Sharif đã bổ nhiệm ông Musharraf là người đứng đầu quân đội nước này.

Ông Musharraf nắm quyền lực sau cuộc đảo chính không đổ máu của quân đội vào năm 1999. Là một người vừa hút xì gà, vừa uống rượu whisky, vị tướng này đã trở thành một đồng minh lớn của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố sau vụ tấn công 11-9 tại Mỹ. Ông đã thoát được ít nhất 3 vụ ám sát của Al-Qaeda trong suốt 9 năm cầm quyền. Dưới thời lãnh đạo của ông Musharraf, Pakistan có nền kinh tế tương đối ổn định, thị trường tự do và hình thành nhiều hạn mức tín dụng góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế trong nhiều năm.

Sự lãnh đạo của ông Musharraf không gặp phải thách thức nghiêm trọng nào cho đến khi ông sa thải chánh án vào tháng 3-2007, làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc và nhiều tháng hỗn loạn sau đó dẫn đến việc phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước. Sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto vào tháng 12-2007, tình hình đất nước càng trở nên tồi tệ hơn. Ông Musharraf bị cô lập bởi những tổn thất nặng nề mà các đồng minh phải gánh chịu trong cuộc tổng tuyển cử tháng 2-2008. Cuối cùng, ông Musharraf đã từ chức vào tháng 8-2008 khi đối mặt với các thủ tục luận tội của liên minh cầm quyền mới và phải sống lưu vong.

Khi ông Musharraf trở lại Pakistan vào năm 2013 với mục đích tham gia tranh cử, ông đã bị cấm tham gia và phải rời khỏi đất nước. Khi đó, ông Nawaz Sharif đã trở thành Thủ tướng Pakistan và từ đây quá trình tố tụng ông Musharraf vì tội phản quốc bắt đầu diễn ra. Tháng 3-2016, ông Musharraf rời Pakistan để đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sau khi được Tòa án Tối cao cho phép xuất cảnh để điều trị bệnh. Ông Musharraf cam kết sẽ trở lại sau vài tuần hoặc vài tháng. Từ đó đến nay ông chưa hề quay trở lại Pakistan.

Vụ án ông Musharraf diễn ra trong nhiều năm, liên tục bị trì hoãn, cho đến khi có phán quyết bất ngờ hôm 17-12. Với phán quyết này, ông Musharraf là cựu lãnh đạo quân đội đầu tiên trong lịch sử Pakistan bị tuyên án tử hình vì chiếm quyền lực trái phép.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_217934_quan-doi-pakistan-phan-ung-voi-an-tu-hinh-nham-vao-ong-musharraf.aspx