Tin thế giới 8/7: Nga tấn công ồ ạt Ukraine, Thủ tướng Ấn Độ gặp Tổng thống Putin tại Moscow, tàu chiến Iran bị lật ở eo biển Hormuz

Thủ tướng Israel nêu điều kiện ngừng bắn tại Gaza, Nga điều 2 tàu chiến tối tân tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đảng Dân chủ coi bà Kamala Harris là ứng viên duy nhất thay thế ông Joe Biden, Nga tập trận phóng tên lửa gần biên giới Trung Quốc…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Thủ tướng Ấn Độ lên đường tới Moscow. (Nguồn: PTI)

Thủ tướng Ấn Độ lên đường tới Moscow. (Nguồn: PTI)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

*Nga tấn công ồ ạt các thành phố của Ukraine: Thị trưởng thành phố Kryvyi Rig, miền Trung Ukraine, ông Oleksandr Vilkul cho biết ngày 8/7, các cuộc tấn công của Nga vào Kryvyi Rig đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 31 người khác bị thương, trong bối cảnh đang diễn ra cuộc tấn công dữ dội vào các thành phố trên khắp Ukraine.

Bộ Nội vụ Ukraine thông báo Nga đã phóng một loạt tên lửa vào Kiev và các thành phố khác của Ukraine trong một cuộc tấn công hiếm hoi vào ngày 8/7, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.

Giới chức thành phố Kiev cho biết có ít nhất 7 người thiệt mạng và hơn 25 người bị thương trong cuộc không kích vào Kiev. Ở Oleksandr Vilkul, 10 người bị thương và 31 người bị thương, trong khi đó, có 3 người khác thiệt mạng ở Pokrovsk, miền Đông Ukraine. (Reuters)

*Nga cáo buộc Ukraine âm mưu cướp oanh tạc cơ Tu-22M3: Ngày 8/7, các hãng thông tấn Nga dẫn thông cáo báo chí của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết cơ quan này vừa ngăn chặn nỗ lực của Ukraine nhằm tổ chức cướp máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga để đưa sang Ukraine.

Hãng thông tấn TASS đưa tin, trong chiến dịch này, Moscow cũng nhận được thông tin giúp lực lượng Nga tấn công sân bay Ozerne của Ukraine. (Sputniknews)

Châu Á – Thái Bình Dương

*Nhật Bản phản đối dùng vũ lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Ngày 8/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời phản đối "các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và cưỡng ép".

Phát biểu trên được quan chức ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản đưa ra tại cuộc đối thoại theo cơ chế "2+2" giữa các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Philippines.

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết nước này và Nhật Bản sẽ thảo luận các vấn đề xung quanh Biển Hoa Đông, Biển Đông và bán đảo Triều Tiên trong cuộc đối thoại này. (Reuters)

*Trung Quốc tung bằng chứng tố Philippines phá san hô ở Biển Đông: Trong khi Manila cân nhắc đệ đơn kiện Trung Quốc về “bằng chứng chắc chắn về các rạn san hô bị hư hại do các hành động của Trung Quốc gây ra”, ngày 8/7, Trung Quốc đã công bố một báo cáo dựa trên một cuộc khảo sát hệ sinh thái tại chỗ chi tiết và sâu rộng chưa từng có xung quanh Bãi Cỏ Mây (Sencond Thomas Shoal, Bắc Kinh gọi là Bãi Nhân Ái), với bằng chứng cho thấy tàu chiến mắc cạn của Philippines đã gây thiệt hại cho các rạn san hô và ô nhiễm môi trường ở Biển Đông.

Dựa trên điều tra thực địa, cuộc khảo sát cho thấy sự phân bố của san hô scleractinia trên bãi cạn rạn san hô và sườn đầm phá của Bãi Cỏ Mây giảm mạnh, đặc biệt là xung quanh khu vực nơi tàu quân sự của Philippines mắc cạn.

Từ ngày 21-26/4, Trung tâm Sinh thái Biển Đông và Viện Nghiên cứu Phát triển Biển Đông thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát hệ sinh thái trên diện rộng được thực hiện tại 18 trạm ở Bãi Cỏ Mây. (Globaltimes)

*Nga tập trận phóng tên lửa gần biên giới Trung Quốc: Ngày 8/7, hãng thông tấn Interfax đưa tin Nga đã tiến hành phóng tên lửa đạn đạo Iskander như một phần của khóa huấn luyện được thực hiện tại Khu tự trị Do Thái, giáp biên giới Trung Quốc.

Thông cáo báo chí ban chỉ huy quân sự địa phương cho biết sau khi nhận được tọa độ mục tiêu, tên lửa Iskander đã phá hủy các sở chỉ huy và cơ sở phòng không của đối phương, thực hiện huấn luyện phóng tên lửa điện tử ở khoảng cách vài trăm km.

Nga đã tiến hành huấn luyện phóng tên lửa điện tử tương tự vào tháng trước như một phần của cuộc tập trận được thiết kế nhằm thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. (Reuters)

*Hàn Quốc cân nhắc mua UAV từ Ba Lan: Ngày 8/7, Ba Lan đã đề nghị Hàn Quốc mua thiết bị bay không người lái (UAV) của nước này, đặc biệt là các phương tiện tấn công trên không được sử dụng hiệu quả ở Ukraine. Seoul đang xem xét đề xuất này vì nó có thể giúp ký kết nhiều hợp đồng hơn với một khách hàng mua vũ khí lớn.

Ba Lan đã ký các hợp đồng mua bán vũ khí lớn với Hàn Quốc, trong đó có hợp đồng trị giá 22 tỷ USD vào năm 2022 để mua pháo tự hành cơ giới, xe tăng và máy bay chiến đấu. Đây cũng là thương vụ bán vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc.

Hãng thông tấn Ba Lan PAP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cho biết Vacsava có thể sẽ ký hợp đồng khác với Hàn Quốc vào tháng 9 tới để nhận chuyển giao thêm vũ khí, đặc biệt là xe tăng K2. (Reuters)

*Nga điều 2 tàu chiến tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Hãng tin Interfax dẫn thông tin từ cơ quan báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Nga ngày 8/7 cho biết 2 tàu hộ tống Rezky và Gromky của hạm đội này đã rời cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Hải quân Nga, sau khi rời căn cứ, thủy thủ đoàn của 2 tàu chiến trên đã thực hành công tác chuẩn bị tác chiến khẩn cấp, đồng thời tiến hành huấn luyện đẩy lùi cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của kẻ thù giả định khi đi qua một khu vực hẹp.

Hai tàu hộ tống sẽ tiến hành một số cuộc tập trận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các khoa mục tìm kiếm, tiêu diệt tàu ngầm đối phương, phòng không và phòng thủ chống phá hoại trên biển. (TASS)

Châu Âu

*Tổng thống Nga bổ nhiệm Tư lệnh Hạm đội Baltic: Ngày 8/7, hãng thông tấn TASS dẫn một nguồn tin trong giới hải quân cho biết Nga đã bổ nhiệm Phó Đô đốc Sergei Lipilin làm Tư lệnh Hạm đội Baltic. Ông Lipilin trước đây từng là Phó Tư lệnh thứ nhất của hạm đội này.

Hạm đội Baltic được Sa hoàng Peter Đại đế thành lập trong thời gian chiến tranh phương bắc giai đoạn 1700-1721 và đã trải qua hơn 300 năm xây dựng phát triển.

Hạm đội Baltic hiện là nhóm chiến dịch- chiến lược của Hải quân Nga. Hạm đội Baltic cũng là cơ sở đào tạo chính của Hải quân Nga. Trong số tất cả các hạm đội của Hải quân Nga, Hạm đội Baltic là hạm đội có cơ sở hạ tầng đào tạo huấn luyện phát triển nhất, gồm các trung tâm khoa học huấn luyện quân sự ở St. Petersburg và Kaliningrad và các soái hạm, tàu khu trục tân tiến nhất. (TASS)

*Tổng thống Ukraine đến Ba Lan ký thỏa thuận an ninh: Ngày 8/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thủ đô Warsaw để gặp Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Hai nhà lãnh đạo lên kế hoạch ký một thỏa thuận về hợp tác an ninh và thảo luận về những kỳ vọng của họ trước thềm hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington, Mỹ.

Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết, hai ông Zelensky và Tusk cũng sẽ thảo luận về việc Ba Lan tham gia công cuộc tái thiết Ukraine, phát triển thương mại và hợp tác nhân đạo. (Reuters)

*Tổng thống Pháp từ chối đơn từ chức của Thủ tướng Attal: Ngày 8/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định giữ Thủ tướng Gabriel Attal lại nhiệm sở sau cuộc bầu cử quốc hội trong đó phe chính trị của chính phủ đương nhiệm đánh mất vai trò là đảng cánh tả mạnh nhất trong Quốc hội.

Trong tuyên bố, văn phòng của tổng thống Pháp nêu rõ: “Tổng thống Macron đã yêu cầu ông Gabriel Attal giữ chức Thủ tướng trong thời điểm hiện tại để đảm bảo sự ổn định của đất nước”.

Trước đó, hôm 7/7, Thủ tướng Attal tuyên bố sẽ gửi đơn từ chức tới Tổng thống Emmanuel Macron vào sáng 8/7 và sẽ thực hiện chức trách tới khi nào cần thiết. (AFP)

*Nga cảnh báo NATO vẫn tích cực hoạt động quân sự ở Bắc Cực: Ngày 8/7, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, đồng thời là quan chức cấp cao thuộc Hội đồng Bắc Cực, ông Nikolay Korchunov cáo buộc NATO vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự ở Bắc Cực, khu vực đang tiềm ẩn các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với an ninh quân sự-chính trị và kinh tế của Nga.

Nhà ngoại giao cấp cao của Nga cảnh báo: "Các hoạt động quân sự (của NATO) vẫn diễn ra. Tình hình rất căng thẳng và tiềm ẩn những rủi ro và mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với an ninh quân sự, chính trị và kinh tế của Liên bang Nga ở các khu vực vĩ độ cao". (TASS)

*Thủ tướng Ấn Độ lên đường thăm Nga: Ngày 8/7, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ thông báo Thủ tướng Narendra Modi đã lên đường tới Moscow, nơi ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn Độ.

Trước khi khởi hành, Thủ tướng Modi cho biết mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền giữa Ấn Độ và Nga đã phát triển trong 10 năm qua, bao gồm các lĩnh vực năng lượng, an ninh, thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ cho hay New Delhi và Moscow "tìm cách đóng vai trò hỗ trợ cho một khu vực hòa bình và ổn định". Trong khi đó, bộ phận báo chí Điện Kremlin cho biết, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về triển vọng phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống Nga-Ấn Độ, cũng như các vấn đề hiện tại trong chương trình nghị sự quốc tế và khu vực. (Sputniknews)

Trung Đông-châu Phi

*Iraq bắt giữ thành viên cấp cao IS: Ngày 7/7, Quân đội Iraq cho biết lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ một thành viên cấp cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chịu trách nhiệm chế tạo bom xe.

Theo một tuyên bố của Bộ chỉ huy tác chiến Baghdad, nghi phạm này phụ trách các đơn vị sản xuất chất nổ của mạng lưới khủng bố IS.

Tình hình an ninh ở Iraq đã được cải thiện kể từ khi IS bị đánh bại vào năm 2017. Tuy nhiên, tàn quân IS đã len lỏi vào các trung tâm đô thị, sa mạc và các khu vực hiểm trở, thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công du kích nhằm vào lực lượng an ninh và dân thường. (Al Jazeera)

*Tàu chiến Iran bị lật ngoài khơi eo biển Hormuz: Theo Quân đội Iran, một tàu khu trục của nước này có tên Sahand đã bị lật ở ngoài khơi bờ biển thành phố cảng phía Nam Bandar Abbas trên eo biển Hormuz vào ngày 7/7, khiến một số người bị thương.

Trang web của Quân đội Iran cho biết tàu Sahand đang được bảo trì tại thành phố cảng thì bị mất thăng bằng và lật úp do nước tràn vào các két nước.

Theo thông báo, con tàu đã được cân bằng lại và những người bị thương đã được nhập viện. Sahand là lớp khinh hạm hạng nhẹ do Iran sản xuất. Với chiều dài 95 m, tàu có sàn đáp trực thăng, hệ thống tác chiến điện tử và được trang bị tên lửa hành trình chống hạm. Tàu được biên chế vào hạm đội miền Nam của Hải quân Iran vào tháng 12/2018. (Al Jazeera)

*Thủ tướng Israel nêu điều kiện đối với thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 7/7 tuyên bố mọi thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đều phải cho phép Israel tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được các mục tiêu của cuộc chiến.

Bên cạnh đó, ông Netanyahu cũng yêu cầu thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza phải cấm Hamas buôn lậu vũ khí qua biên giới Gaza - Ai Cập và không cho phép hàng nghìn chiến binh có vũ trang quay trở lại miền Bắc Gaza.

Bên cạnh đó, Israel sẽ tối đa hóa số lượng con tin còn sống được trao trả. Trước đó ít giờ, 2 quan chức của Hamas xác nhận với hãng tin Reuters rằng lực lượng này đang chờ phản hồi từ phía Israel về thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đề xuất. (Arab News)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Đảng Dân chủ coi bà Kamala Harris là ứng viên duy nhất thay thế ông Joe Biden: Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin Đảng Dân chủ Mỹ coi bà Kamala Harris là ứng cử viên duy nhất có thể thay thế Joe Biden trong cuộc đua giành chức tổng thống vào tháng 11 tới.

Giới tinh hoa trong đảng gần như đã đạt được sự đồng thuận rằng bà Harris là người thay thế duy nhất cho ông Biden. Tuy nhiên, hiện có một số ý kiến phản đối bởi vì bà Harris đang đứng sau ông Donald Trump trong các cuộc thăm dò.

Tuy nhiên, xuất phát từ các chính sách mà Đảng Dân chủ tuân thủ, giới tinh hoa của đảng này sẽ khó có thể từ chối việc ứng cử của một người phụ nữ đại diện cho các nhóm thiểu số.

Theo tờ WSJ, Đảng Dân chủ nên tiến hành thủ tục chính thức về việc thay thế ông Biden bằng bà Harris tại Đại hội toàn quốc của đảng vào tháng 8 tới. (WSJ)

*Argentina kêu gọi Mercosur ký FTA với Việt Nam và Indonesia: Ngày 7/7, Ngoại trưởng Argentina Diana Mondino kêu gọi khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cần linh hoạt hơn trong đàm phán và tìm kiếm cơ hội ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam và Indonesia.

Bà Mondino nhận định Mercosur đã không tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường lớn ngoài khu vực, cũng như ký FTA với các quốc gia khác tạo động lực cho hội nhập quốc tế.

Theo Ngoại trưởng Mondino, con đường duy nhất để khu vực này trở nên “hiện đại và năng động hơn” đó là tiến hành cải cách theo hướng tự do.

Tháng 12/2023, Mercosur đã ký FTA với Singapore. Đây là lần đầu tiên sau 12 năm Mercosur đạt được một thỏa thuận thương mại với một đối tác bên ngoài khối. (TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-87-nga-tan-cong-o-at-ukraine-thu-tuong-an-do-gap-tong-thong-putin-tai-moscow-tau-chien-iran-bi-lat-o-eo-bien-hormuz-277947.html