Quân đội theo đường thủy tiến vào Rào Trăng 3
Chiều tối ngày 15-10, sau khi lực lượng quân đội kết thúc việc tìm kiếm 13 cán bộ, chiến sĩ ở Trạm kiểm lâm 67 thì ngày hôm sau trời bắt đầu đổ mưa. Con đường từ trung tâm xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế xuyên núi vào địa điểm này đã bị tắc nghẽn.
Trong hai ngày 14, 15-10, chúng tôi có mặt trên xe chở chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng vào Trạm kiểm lâm 67. Xe phải đi qua nhiều đoạn cắm cờ tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm đầu tiên là ngầm 71. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động gần 200 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 414 và Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968) hành quân đến hiện trường vừa tìm kiếm, vừa làm kè lẫn rọ đá chắn ngang đường nước chảy để thông tuyến.
Từ trung tâm xã Xuân Phong vào đến điểm tìm kiếm ở Trạm kiểm lâm 67, xe ô tô phải bò qua nhiều điểm được cắm cờ tín hiệu đỏ báo hiệu “cung đường cực kỳ nguy hiểm”. Đó là những đoạn sạt lở núi. Đất đá trên sườn núi băng xuống, phá vỡ mặt đường, tạo thành mép vực thẳm ngay cạnh đường.
Ngày 16-10, khi thi thể cán bộ, chiến sĩ hi sinh được đưa về Bệnh viện Quân y 268 (thành phố Huế) để làm lễ truy điệu thì lực lượng công binh vẫn cắm lại tại địa bàn xã Xuân Phong. Nhiều ô tô rơ móc tiếp tục chở xe ủi, xe xúc tăng cường và đậu dọc tuyến đường tại trung tâm xã Xuân Phong để tiếp tục tiến vào rừng. Do mưa lớn nên tuyến đường mà các lực lượng vừa đưa các thi thể ra đã bị ách tắc. Từ Trạm kiểm lâm 67 vào tiếp khoảng 12km nữa mới tới được thủy điện Rào Trăng 3, là nơi vẫn còn 15 công nhân đang bị mắc kẹt và không có tin tức.
Để tiến vào mục tiêu thứ 2, sau khi hoàn tất việc tìm kiếm người bị nạn,, lực lượng quân đội đã tiến theo đường thủy và đưa theo 5 công nhân để khởi động 3 máy múc và 1 máy ủi tại chỗ, bắt đầu việc tìm kiếm mới.
Trong quá trình hành quân, lực lượng quân đội phối hợp với công an vận chuyển các thiết bị, vật tư, phương tiện và 200 thùng mỳ tôm, 500kg gạo cùng với các thực phẩm khác để phục vụ công tác tìm kiếm người mất tích. Tuyến đường thủy đi từ xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Bình đến đập thủy điện Rào Trăng 4 để đến thủy điện Rào Trăng 3.
Lực lượng cứu nạn tiến theo đường thủy có quân số 500 người.
Theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 sẽ tiếp tục chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường. Hiện, đã có 24 người bị mắc kẹt tại thủy điện Rào Trăng 3 được đưa ra khỏi hiện trường, có 2 người chết.
Tại vùng biệt lập, lực lượng quân đội đã tiếp tế lương thực cho 23 công nhân đang bám trụ để vận hành nhà máy thủy điện Rào Trăng 4. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tại Rào Trăng 3 hiện nay còn 15 công nhân mất tích. Trên hiện trường có 2 máy ủi và một máy xúc đang được sửa chữa để có thể tiếp tục thực hiện công tác cứu nạn tại đây.
Thủy điện Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3 nằm giữa những ngọn núi và có 1 tuyến đường độc đạo men theo sườn núi. Tuy nhiên, theo thông tin từ tỉnh Thừa Thiên Huế, cung đường này bị sạt lở, giao thông rất khó khăn và phải mất khá nhiều thời gian mới thông tuyến trở lại. Đó là từ tiểu khu 67 đến Rào Trăng 4 có 2 ngầm (suối cắt ngang đường) rất lớn, có ngầm dài đến 60m. Từ Rào Trăng 4 đến Rào Trăng 3 có chiều dài 10km, phải đi qua 3 đến 4 ngầm lớn.
Dù các phương tiện cơ giới tại chỗ có sẵn, tuy nhiên thời tiết vẫn chưa thuận lợi để tiến hành tìm kiếm, bên cạnh đó là khối lượng đất núi sạt lở quá lớn. Riêng khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 có khối lượng đất đá sạt lở trên 30.000m3.