Quân đội Trung Quốc liên tục bị tai nạn chết người
Tiếp sau những tai nạn chết người trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc (PLA), lực lượng này vừa ban hành hai quy định mới để bảo đảm an toàn, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 21.12.
Theo SCMP, vài ngày sau khi Trung Quốc kỷ niệm 70 năm ngày lập quốc bằng một cuộc duyệt binh khổng lồ ở Bắc Kinh ngày 1.10, đã có 3 lính không quân thiệt mạng khi một trực thăng vận tải bị rơi ở tỉnh Hà Nam. Một trong 3 người chết là phi công từng tham dự cuộc duyệt binh kể trên.
Tám ngày sau lại xảy ra một tai nạn máy bay khác ở Tây Tạng, khi một chiến đấu cơ J-10 lúc bay tập tầm thấp đã đâm vào ngọn núi, theo một nguồn tin của SCMP. Phi công được cho là sống sót.
Hồi tháng 3, một máy bay của hải quân PLA bị rơi ở tỉnh đảo Hải Nam, làm chết 2 người. Một tổ bay 12 người của một máy bay tiếp liệu mới (được nâng cấp từ chiếc vận tải cơ Y-8) đã bị rơi ở tỉnh Quý Châu hồi đầu năm 2018. Đây là tai nạn nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây.
Chi tiết của tài liệu quy định an toàn mới - có chữ ký phê duyệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình- không được công bố, nhưng Tân Hoa xã nói quy định an toàn gồm giảm thiểu rủi ro, kiểm tra an toàn và giám sát hoạt động diễn tập quân sự chặt chẽ, cùng cách xử lý- điều tra các vụ tai nạn. Tài liệu còn quy định rõ trách nhiệm lập hồ sơ lưu trữ ở từng cấp PLA, và phải chuẩn hóa công tác này trong thời chiến.
Trung Quốc đã mạnh tay chi tiền ngân sách cho phòng thủ, với 1,18 ngàn tỉ nhân dân tệ (168,59 tỉ USD) trong năm 2019, tức tăng 7,5% so với năm 2018. Nhưng đã có các ý kiến rằng PLA cũng cần chú ý tới sự an toàn, khi đã gặp phải nhiều tai nạn chết người trong quá trình tăng cường khả năng chiến đấu, theo yêu cầu của ông Tập - người muốn quân đội Trung Quốc phải là một lực lượng vũ trang hiện đại tầm cỡ thế giới kể từ năm 2035.
Chuyên gia quân sự Chu Thần Minh (ở Bắc Kinh) nói các quy định mới là cần thiết, để chuẩn hóa các hoạt động của PLA và giảm thiểu vụ tai nạn. Ông nói các vụ tai nạn thường xuyên xảy ra trong hoạt động hằng ngày của PLA.
Từ khi ông Tập trở thành Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) hồi cuối năm 2012, PLA đã tăng cường luyện quân, nhằm đáp ứng tham vọng xây dựng PLA thành lực lượng chiến đấu hiện đại theo yêu cầu của ông Tập.
Như một phần của chương trình hiện đại hóa, các học viện quân sự và trường học Trung Quốc được tái cơ cấu, nhằm tương thích với quân đội và để điều phối chính sách dễ dàng hơn. Bắc Kinh cũng tăng chi cho hoạt động nghiên cứu-phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng.
Ông Timothy Heath, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nói các quy định mới đã tách hẳn khỏi việc quá chú trọng vào trang bị phần cứng, để tập trung huấn luyện quân nhân: “Việc tăng cường các quy định có thể giúp PLA cải thiện cấp độ năng lực và tính chuyên nghiệp”.
Ông Malcolm Davis, một chuyên gia về PLA ở Viện Chính sách chiến lược Úc, nói các quy định mới có thể giúp PLA thực hiện nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả hơn: “Chúng tôi chú ý về mảng phương tiện trong quá trình hiện đại hóa của PLA, một dấu chỉ dễ thấy nhất về sự phát triển khả năng. Nhưng khâu huấn luyện người có kỹ năng và xây dựng tính chuyên nghiệp là cần thiết, nếu PLA muốn tránh không trở thành một lực lượng rỗng tuếch”.
Ông Charlie Lyons Jones, một nhà nghiên cứu chuyên về khâu PLA hiện đại hóa cũng của viện trên, đồng ý rằng các quy định mới giúp cải thiện khả năng chiến đấu: “Vì PLA không có kinh nghiệm chiến đấu, những hệ thống quản lý nội bộ này được cho là cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho các quân nhân, về cách tối ưu hóa khả năng thực hành cùng lúc bảo đảm an toàn trong quá trình huấn luyện cùng các cuộc tập trận cấp độ lớn. Việc bảo đảm ghi nhận tốt và trung thực về các kết quả huấn luyện- tập trận là một cách quan trọng khác để PLA rút tỉa bài học từ các thành quả và sai lầm”.
Nhưng ông Jones cũng lưu ý, rằng còn phải chờ xem liệu các quy định mới có giúp PLA trở thành một lực lượng sẵn sàng chiến đấu, có thể thực hiện nhiệm vụ một cách an toàn và hiệu quả hay không.
Mỹ Trinh (theo SCMP)