Quận Đống Đa xử phạt 44 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Đoàn kiểm tra của quận xử phạt 11 cơ sở với số tiền 63 triệu đồng; các phường xử phạt 33 cơ sở với số tiền hơn 37 triệu đồng.
Ngày 9-5, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã kiểm tra tại địa bàn quận Đống Đa.
Trực tiếp kiểm tra tại siêu thị Winmart Nguyễn Chí Thanh (địa chỉ 54A Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa), đoàn kiểm tra ghi nhận, siêu thị rộng rãi, hàng hóa bày bán đa dạng, phong phú và được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Ngoài ra, siêu thị cũng đã cung cấp tương đối đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng lưu ý siêu thị về vấn đề bảo quản sản phẩm thực phẩm. Cụ thể, siêu thị cần có hệ thống sổ sách theo dõi, quản lý từng mặt hàng theo điều kiện bảo quản và thời hạn sử dụng cụ thể.
Mặt khác, siêu thị nên sắp xếp, phân loại các mặt hàng thực phẩm được bảo quản ở từng mức nhiệt độ cụ thể, phù hợp với quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là đối với thực phẩm đông lạnh.
Cũng tại siêu thị này, đoàn kiểm tra đã xét nghiệm nhanh phẩm màu, hàn the trong các mẫu thực phẩm, gồm: Bún tươi, chả quế, chân gà xì dầu. Kết quả, các mẫu thực phẩm này đều đạt yêu cầu.
Làm việc với đoàn kiểm tra, đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, trên địa bàn quận có 3.877 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, 2 trung tâm thương mại, 19 siêu thị và 9 chợ.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay, quận đã thành lập 24 đoàn kiểm tra, trong đó có 3 đoàn kiểm tra tuyến quận và 21 đoàn kiểm tra tuyến phường.
Kết quả, các đoàn kiểm tra của quận đã kiểm tra được 379 cơ sở, trong đó có 335 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 88,4%). Riêng các đoàn kiểm tra của quận đã kiểm tra 38 cơ sở, xử phạt 11 cơ sở với số tiền 63 triệu đồng; các phường đã kiểm tra được 341 cơ sở, xử phạt 33 cơ sở với số tiền hơn 37 triệu đồng.
Đánh giá về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, đại diện UBND quận Đống Đa cho rằng, với đặc điểm là một quận đông dân, hệ thống giao thông nhiều ngõ ngách nhỏ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm manh mún, nhỏ lẻ, phân tán và thường xuyên biến động nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở cấp quận, phường còn thiếu so với khối lượng công việc và yêu cầu công việc ngày càng cao.
Mặt khác, công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm trong chế biến, kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định còn gặp nhiều khó khăn, thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thực phẩm. Vì vậy, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc giám sát, kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.