Quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản ngày càng khăng khít

'Không một đối tác nào đóng vai trò quyết định trong cuộc chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ bằng Nhật Bản. Không một thân hữu nào lại quan trọng hơn Nhật Bản trong việc biến giấc mơ kinh tế của Ấn Độ thành hiện thực'. Đó là tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Modi cách đây 10 năm khi ông đón Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Các chuyên gia cho rằng, sau một thập kỷ phát triển dưới hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Modi, mối quan hệ này sẽ còn nở rộ hơn dưới thời Modi 3.0.

Vị thế toàn cầu của Ấn Độ

Thủ tướng Narendra Modi đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, trở thành nhân vật thứ hai trong lịch sử Ấn Độ có được thành tích đáng nể này kể từ thời Thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru. Trong nhiệm kỳ thứ ba của mình, ông Modi đặt mục tiêu xây dựng các liên minh chiến lược, giải quyết nỗ lực lâu dài của Ấn Độ để trở thành thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA), khôi phục quan hệ với các nước láng giềng và chiếm vị trí trung tâm trong các vấn đề toàn cầu.

Những thay đổi cơ cấu trong trật tự quốc tế đã góp phần đáng kể đưa Ấn Độ nổi lên như một thế lực chủ chốt trong các vấn đề toàn cầu. Sự chú ý của thế giới đã chuyển sang Ấn Độ, nền kinh tế đông dân nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ấn Độ đã có được khoảnh khắc này nhờ nhân khẩu học thuận lợi, sức hấp dẫn của nước này với tư cách là quốc gia có vị trí địa chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida bên lề Hội nghị G7 tại Nhật Bản vào tháng 5.2023. Ảnh: PM Modi, Twitter

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida bên lề Hội nghị G7 tại Nhật Bản vào tháng 5.2023. Ảnh: PM Modi, Twitter

Mối quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản đã có nhiều bước tiến vượt bậc dưới thời chính quyền Modi. Năm 2024 cũng là dấu mốc 10 năm hai nước nâng cấp lên “Quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt”. Ba trụ cột bao gồm: “mối quan hệ cá nhân, lợi ích trong hợp tác kinh tế và tầm nhìn chiến lược chung” tiếp tục là trung tâm của quan hệ song phương. Những tiến bộ này sẽ được củng cố trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Modi khi Ấn Độ coi Nhật Bản là một đối tác đáng tin cậy và không thể thiếu về mặt chiến lược và kinh tế.

Yếu tố cá nhân lãnh đạo

Mối quan hệ cá nhân mật thiết giữa ông Modi và cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo năm 2015 đã góp phần tăng cường hơn nữa sự liên kết trong các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi cả hai đều nắm quyền (từ 2014 đến 2020). Dưới thời cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, hai nước đã duy trì mối quan hệ song phương vững chắc, đó là bằng chứng cho thấy họ có quan điểm chiến lược giống nhau.

Ngay từ khi nhậm chức vào tháng 10.2021, đương kim Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố sẽ thúc đẩy “ngoại giao cá nhân”, tức là thân chinh giao lưu với những nhà lãnh đạo chủ chốt. Và ngay trong những ngày đầu tiên ngồi vào ghế Thủ tướng, ông Kishida đã trò chuyện với các đồng nghiệp từ Đối thoại An ninh Bốn bên (Quad) trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Modi.

Lợi ích kinh tế

Mối quan hệ hợp tác “khăng khít chưa từng có” trong các lĩnh vực bao gồm đầu tư, công nghệ, cơ sở hạ tầng và quốc phòng đã củng cố mối quan hệ song phương và khuyến khích sự ổn định và mở rộng kinh tế trong khu vực.

Sau khoản đầu tư 3,5 nghìn tỷ yên được công bố dưới thời Abe vào năm 2014, Thủ tướng Kishida đã cam kết đầu tư 5 nghìn tỷ yen (42 tỷ USD) vào Ấn Độ trong chuyến thăm New Delhi vào năm 2023. Nhật Bản được xếp hạng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 8 của Ấn Độ vào năm 2020.

Còn rất nhiều không gian để mở rộng thương mại song phương. Bất chấp việc Ấn Độ rút khỏi các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia vào năm 2019, Tokyo vẫn kiên trì thúc giục Ấn Độ đánh giá lại việc gia nhập khối thương mại tự do, có hiệu lực từ tháng 1.2022. Nhật Bản cũng là nhà cung cấp Viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Ấn Độ, giúp hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng bao gồm cơ sở hạ tầng, điện, giao thông và môi trường; đồng thời đóng góp quá trình phát triển cơ sở hạ tầng của Ấn Độ thông qua các sáng kiến như các Dự án đường sắt đô thị ở Ấn Độ và Đường sắt cao tốc Mumbai-Ahmedabad, - dự án liên doanh sử dụng công nghệ Shinkansen tiên tiến với mục tiêu đầu tư 5 nghìn tỷ yen từ Nhật Bản.

Hơn nữa, hợp tác trong các lĩnh vực tiên tiến như robot, năng lượng tái tạo, ô tô tự hành và trí tuệ nhân tạo có tiềm năng to lớn để thúc đẩy cả nền kinh tế Ấn Độ và Nhật Bản thông qua đổi mới và tăng trưởng bền vững.

Các giá trị và tầm nhìn chung

Về chiến lược, Ấn Độ và Nhật Bản có tầm nhìn chung về “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và toàn diện” (FOIIP). Để duy trì hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều ủng hộ các khái niệm “dân chủ tự do”, “tự do hàng hải” và “pháp quyền”. Sự hợp tác trong các vấn đề quan trọng bao gồm an ninh hàng hải, chống khủng bố và ổn định khu vực là kết quả của tầm nhìn chung này. Cùng với nhau, quân đội hai nước đã tích cực tham gia các cuộc tập trận hải quân kết hợp, trao đổi thông tin tình báo và thúc đẩy tự do hàng hải trên toàn khu vực nhằm bảo vệ các tuyến hàng hải. Hai nước cũng ủng hộ việc duy trì sự cởi mở, hòa nhập và tầm quan trọng của ASEAN trong các vấn đề khu vực đồng thời phản đối mọi hành động mang tính đơn phương.

Mối liên kết quốc phòng ngày càng được củng cố là kết quả của các tuyên bố và thỏa thuận chung về thiết bị phòng thủ. Chiều sâu chiến lược song phương đã được tăng cường nhờ Hiệp định mua lại và dịch vụ chéo (ACSA) năm 2020; đồng thời hỗ trợ hậu cần đã được cải thiện nhờ cơ chế hội nghị cấp bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao 2+2.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng chứng kiến hợp tác giữa Hải quân Ấn Độ và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) trong một số lĩnh vực, như an ninh hàng hải và thúc đẩy phúc lợi hàng hải toàn cầu.

Mặc dù không cùng quan điểm trong một số vấn đề quốc tế, nhưng hai nước đều hướng tới mục tiêu chung là tăng cường ổn định khu vực và trên toàn thế giới. Ví dụ, những bất đồng của họ về cuộc khủng hoảng Israel - Gaza hay cuộc chiến Nga - Ukraine đã không ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương hoặc làm giảm tốc độ trao đổi quốc tế của họ.

Để củng cố hơn nữa sự liên kết chiến lược song phương, cả hai đã mở rộng hợp tác để bao gồm các sáng kiến phát triển ở các nước thứ ba như Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka. Mối quan hệ hợp tác này sẽ góp phần củng cố an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa khi cả hai nước đàm phán về những thách thức của thế kỷ XXI.

Quốc Đạt (Theo The Diplomat)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/quan-he-an-do---nhat-ban-ngay-cang-khang-khit-i380351/