Quan hệ Anh - Liên minh châu Âu nguy cơ căng thẳng vì chuyện thu hồi cổ vật của Hy Lạp
Một số quan chức ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã vi phạm quy tắc ngoại giao cơ bản khi hủy cuộc hội đàm với người đồng cấp Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis vào phút chót, đồng thời có hành vi 'xúc phạm' quốc gia này khi đề nghị cử Phó Thủ tướng Anh Oliver Dowden đến gặp ông Mitsotakis, sau khi Hy Lạp từ chối việc không thảo luận công khai về yêu cầu trả lại các tác phẩm điêu khắc bị đánh cắp từ đầu thế kỉ 19.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis dự kiến diễn ra hôm qua (28/11) đã bị hủy bỏ vào phút chót. Nguyên nhân được phố Downing đưa ra là do ông Mitsotakis đã từ chối đảm bảo rằng sẽ không sử dụng cuộc gặp với ông Sunak như một “diễn đàn công cộng” để yêu cầu Anh trả lại bộ sưu tập Parthenon Marbles.
Đây là bộ sưu tập 17 tác phẩm điêu khắc có tuổi đời 2.500 năm, kích thước gần bằng một nửa bức phù điêu dài 160m trang trí ngôi đền Parthenon (thủ đô Athens, Hy Lạp). Những cổ vật này đang được đặt tại Bảo tàng Anh ở thủ đô London và phía Hy Lạp từ lâu đã cho rằng chúng được nhà ngoại giao Anh “Lord” Elgin đem về xứ sở sương mù “một cách bất hợp pháp” từ đầu thế kỉ 19.
Hy Lạp đã phủ nhận bất kỳ sự đảm bảo nào như những gì phố Downing đã đưa ra, đồng thời từ chối đề nghị cử Phó Thủ tướng Anh Oliver Dowden đến gặp ông Mitsotakis thay cho ông Sunak.
Trả lời phỏng vấn với truyền thông Anh hôm 26/11, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã so sánh việc bộ sưu tập Parthenon Marbles đang được đặt tại Bảo tàng Anh ở London giống như “nàng Mona Lisa bị cắt làm đôi”, và cho rằng việc chuyển bộ sưu tập về Athens sẽ cho phép việc phục hồi nguyên trạng như từ thời Hy Lạp cổ đại này.
Một số chính trị gia tại Anh cũng bày tỏ sự không hài lòng đối với ông Sunak sau sự việc trên. Trong đó, cựu Ngoại trưởng Anh William Hague, người thường được coi như cố vấn của vị Thủ tướng gốc Ấn Độ, nhận định việc hủy cuộc gặp người đồng cấp Hy Lạp mà không có lý do thực sự xác đáng sẽ tác động tiêu cực đến việc quảng bá chính sách ngoại giao của nước này.
Vụ việc này nhiều khả năng sẽ làm tổn hại đến thể diện của Vương quốc Anh trước giới chức châu Âu, đồng thời tác động tiêu cực đến nỗ lực hàn gắn những rạn nứt hậu Brexit giữa hai bên.
“Nếu [Vương quốc Anh] muốn trở thành một quốc gia toàn cầu, cởi mở với thế giới dựa trên ngoại giao và các giá trị quốc tế, họ không thể ngừng giao tiếp với một quốc gia chỉ vì một vấn đề đã tồn tại suốt 200 năm qua…”, một quan chức cấp cao của EU nói.
Mặc dù giới chức EU thừa nhận rằng việc Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng không tôn trọng các quy tắc ngoại giao thông thường khi gặp mặt nhà lãnh đạo Công Đảng đối lập Keir Starmer trước ông Sunak, họ coi những hành động từ phía Chính phủ Anh đã chủ động “đóng sập cánh cửa thảo luận” với Hy Lạp về vấn đề cổ vật hồi hương.