Quan hệ bất chính thì gọi thẳng quan hệ bất chính

Quan hệ bất chính là hành vi vi phạm chuẩn mực xã hội đáng lên án; với những người đang mang tư cách cán bộ lại càng không thể chấp nhận.

Gần 1 năm sau "lần đầu tiên thực hiện hành vi quan hệ bất chính", bà T.T.K.L (cán bộ tín dụng, thành viên HĐQT Quỹ Tín dụng nhân dân Ngô Mây, huyện Phù Cát, Bình Định) chính thức bị kỷ luật cảnh cáo. Người nhận chung hình thức kỷ luật là sếp của bà, ông L.V.T (nguyên bí thư chi bộ, Chủ tịch HĐQT quỹ này).

Sự việc khởi đầu từ sáng 12-4-2022. Theo đó, một nhân viên đến cơ quan làm việc bình thường sau kỳ nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương. Phát hiện nơi đây không được sạch sẽ, người này mở camera an ninh của đơn vị lên xem thì tình cờ phát hiện chiều hôm trước có một đôi nam nữ "mây mưa" trong phòng làm việc của ông L.V.T.

Camera ghi lại việc "mây mưa" vào chiều 11-4-2022

Camera ghi lại việc "mây mưa" vào chiều 11-4-2022

Sau đó, ông L.V.T và bà T.T.K.L cùng bị tố cáo về hành vi quan hệ bất chính do cả hai đều có gia đình riêng. Làm việc với cơ quan chức năng, ông T. thừa nhận hôm xảy ra vụ việc, bản thân trong lúc có men rượu, không kiểm soát được mình nên đã xảy ra quan hệ nam nữ quá giới hạn, sai phạm về đạo đức lối sống đối với người đảng viên. Trong khi đó, bà T.T.K.L cho rằng trong lúc trực cơ quan, do "một phút không làm chủ được bản thân". Bà L. cũng khẳng định rằng đây là lần đầu tiên thực hiện chuyện này.

Đáng nói, ngày 12-11-2022, UBKT Đảng ủy thị trấn Ngô Mây đã ban hành 2 quyết định kỷ luật đối với ông L.V.T và bà T.T.K.L cùng hình thức cảnh cáo. Lý do, ông T. đã sử dụng rượu bia đến mức bê tha, không làm chủ được hành vi; còn bà L. vi phạm đạo đức, nếp sống văn minh.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 3 vừa qua, UBKT Đảng ủy thị trấn Ngô Mây ban hành hai quyết định kỷ luật thay thế 2 quyết định trước. Đều là hình thức cảnh cáo nhưng hành vi đã được gọi đúng tên: Quan hệ bất chính.

Theo tìm hiểu, việc sếp và nhân viên mượn trụ sở cơ quan làm "phòng the" không còn là chuyện hiếm.Điển hình như hồi đầu năm 2020, nữ kế toán và chánh án một huyện ở Quảng Bình bị xử lý vì "tới z" ngay tại trụ sở.

Tuy nhiên, để dũng cảm (hoặc vì lý do có bất bình, khiếu nại gì đó) mà thay đổi lý do kỷ luật như ở Bình Định thì không phải nơi nào cũng dám làm. Điều ấy cho thấy sự cầu thị, tích cực trong cách đánh giá bản chất sự việc. Quan hệ bất chính thì gọi thẳng quan hệ bất chính, cần gì phải viện dẫn rượu bia với thiếu thiếu văn minh!

Quan hệ bất chính là hành vi vi phạm chuẩn mực xã hội đáng lên án; với những người đang mang tư cách cán bộ lại càng không thể chấp nhận. Việc dung túng, bao che để lái nó sang bản chất khác sẽ càng khiến những người nhiều chức vụ đồng thời dư thừa "máu mèo mỡ" vừa nhờn quy định tổ chức, vừa coi thường hạnh phúc gia đình khác. Từ thái độ nhờn ấy, việc họ tiến xa hơn trong việc xem nhẹ những trách nhiệm công vụ khác là điều có thể xảy ra.

Do vậy, gọi trúng tên sự việc, xử lý đúng hành vi để có những chế tài khiến cả bên ngoài lẫn người trong cuộc "tâm phục khẩu phục" chính góp phần khiến trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức được rèn giũa, phát huy hơn. Điều này không chỉ đúng với câu chuyện quan hệ bất chính ở trên mà đúng với mọi trường hợp vi phạm.

NGỌC KỲ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/quan-he-bat-chinh-thi-goi-thang-quan-he-bat-chinh-20230404141645953.htm