Quan hệ EU-Nga qua chuyện Navalny: Giữa yêu và hận
Quan hệ EU-Nga lại gặp khúc mắc và căng thẳng mới liên quan đến vụ Navalny. Thấy gì và lý giải thế nào về thái độ ứng xử của EU và nhất là của Đức trong vụ việc này? Báo Thế giới & Việt Nam phân tích.
Tên nhân vật chính có khác nhưng mô thức nội dung chuyện mới đây giữa EU và một số thành viên EU với Nga lại không khác so với những lần kịch trước đấy.
Cáo buộc của những bên này đối với Nga giống như nhau là đầu độc những cá nhân gây bất lợi hoặc thuộc diện đối lập với chính quyền Nga: Alexander Litvinenko năm 2006, Sergei Skripal năm 2017 và vừa mới đây Alexeij Navalny.
Một điều khác nữa là trong chuyện mới xảy ra này, nước Đức chứ không phải nước Anh, Thủ tướng Đức Angela Merkel chứ không phải Thủ tướng Anh Theresa May đi đầu ở phía EU bất hòa với Nga. Bà May giờ đã không còn trị vì đảo quốc và bà Merkel cầm quyền năm cuối cùng ở nước Đức. Trong cả ba lần kịch diễn này, cáo buộc của EU và một số thành viên EU giống nhau là chính quyền Nga đứng sau các vụ đầu độc, phía EU chứng minh mười mươi là những nhân vật nêu trên kia bị đầu độc bằng độc dược được sản xuất khi nào đấy ở Nga nhưng đều không công khai mọi bằng chứng cụ thể. Và như ở hai lần trước đấy, bây giờ EU đứng trước quyết định trừng phạt Nga.
Trong quan hệ giữa con người với nhau trên nhân gian này có tồn tại xưa nay một mối quan hệ rất đặc biệt là thù ghét nhau nhưng không thể buông bỏ nhau, yêu quý nhau lắm mà cũng đồng thời hờn hận nhau nhiều. Nguyên nhân ở chỗ hai bên cần nhau nhưng không thể tâm đầu ý hợp được với nhau, không thể xa rời nhau nhưng vẫn luôn đối phó nhau. Giữa EU-Nga cũng như giữa nhiều thành viên EU với Nga, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức, hiện tại đang đúng như thế.
Ông Navalny là chính khách đối lập nổi danh nhất hiện tại ở Nga và được coi là thủ lĩnh phe đối lập ở Nga. Nước Nga ở thời Tổng thống Vladimir Putin cầm quyền là đối tượng bị EU phê phán và công kích trên nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Vì thế, những người như ông Navalny đương nhiên được EU hậu thuẫn đắc lực. EU thừa biết rằng ông Navalny không thể đe dọa được vị thế quyền lực của ông Putin ở Nga nhưng lại có thể rất đắc dụng cho EU trong việc gây và gia tăng áp lực đối với ông Putin.
Từ mấy năm nay, EU áp dụng những biện pháp trừng phạt Nga về việc Nga tiếp nhận Crimea. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là EU còn có thể trừng phạt Nga được như thế nào nữa trong chuyện liên quan đến ông Navalny?
EU đã gây khó khăn và khó xử lớn cho Nga nhưng EU chưa buộc được Nga phải thay đổi cơ bản quan điểm chính sách đối với Ukraine và Crimea. Có thể nói một cách đơn giản là công cụ trừng phạt của EU gây khó khăn và khó xử cho Nga nhưng không làm Nga chịu khuất phục. Cho nên trong chuyện mới xảy ra này, câu hỏi EU buộc phải trả lời là tiếp tục hay ngừng hợp tác với Nga xây dựng nốt 160 km còn lại của tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 dài hơn 2000 km và đầu tư tốn kém gần 10 tỷ Euro. Mỹ muốn EU dừng và gây áp lực mạnh mẽ - bằng cả dọa trừng phạt - để ép các nước thành viên EU tham gia dự án dừng Nord Stream 2.
Dừng dự án Nord Stream 2 không có nghĩa là Nga không còn đường bán khí đốt sang thị trường châu Âu bởi vẫn còn tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và tuyến quá cảnh qua Ukraine. EU nếu có dừng dự án Nord Stream 2 cũng không có nghĩa là EU không còn nhập khẩu khí đốt của Nga. EU vẫn còn cần thời gian dài nữa và sẽ phải trả giá mua đắt hơn nhiều để hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc vào cung ứng khí đốt từ Nga.
Những thành viên EU tham gia dự án Nord Stream 2 sẽ phải trả đền bù rất lớn cho việc tự ý dừng hợp đồng xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt này. Vì thế, nếu quyết định dừng dự án Nord Stream 2 để trừng phạt Nga thì cũng đồng nghĩa với viện EU "gậy ông đập lưng ông" theo cách nói của người Phương Đông hoặc "tự bắn vào chân mình" như cách thể hiện ở Phương Tây.
Vụ việc liên quan đến ông Navalny gợi nhớ đến việc Saudi Arabia đối xử với nhà báo Jamal Khashoggi. Khi ấy, chính nước Đức này áp dụng một vài biện pháp chính sách trừng phạt Saudi Arabia nhưng rồi chỉ sau thời gian ngắn đã để cho đâu lại vào đấy, tức là không thể không phản ứng để giữ thể diện và không bị coi là "tiêu chuẩn kép" và chỉ phản ứng ở mức độ gần như không gây ảnh hưởng tiêu cực gì hoặc chỉ rất ít.
Đối với Nga, EU và các thành viên hiện đang làm găng với Nga thì rồi cũng sẽ như thế. Chẳng hạn như dự án Nord Stream 2 có thể bị dừng lại, nhưng cũng chỉ nhất thời và tạm thời. Thời gian như cỏ xanh, càng trôi đi thì cỏ càng mọc che lấp mọi dấu tích, thậm chí cả lối đường.
Một câu hỏi nữa là tại sao nước Đức lần này đi tiên phong? Trong EU hiện tại chỉ có Anh, Pháp hay Đức có khả năng gây ấn tượng gì đấy đối với Nga. Ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngập đầu trong chuyện nội bộ còn tâm trạng nào nữa để tiếp nối người tiền nhiệm Theresa May gây chuyện với Nga. Ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron vốn đã đi lối đường riêng trong quan hệ với Nga theo hướng "khác EU như có thể và giống EU chỉ như cần thiết" nên giờ sẽ không xung kích mà chỉ theo.
Chỉ có bà Merkel ở Đức là ở vị thế khác, trong tình thế khác và không còn buộc phải toan tính xa và lâu dài nữa do chỉ còn trị vì nước Đức đến cuối sang năm. Làm găng với Nga trong chuyện này giúp bà Merkel gây dựng dấu ấn mới về lãnh đạo EU trước khi rời khỏi quyền lực, lại xoa dịu tâm thần phía Mỹ, dùng sự phân định phân minh giữa chính trị (dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền) và kinh tế, thương mại (dự án Nord Stream 2) để cứu chứ không phải để dừng dự án Nord Stream 2 cho dù có thể sẽ tạm thời dừng nó. Giận thì không khi nào nguôi giận nhưng thương thì cũng chẳng khi nào hết thương.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-eu-nga-qua-chuyen-navalny-giua-yeu-va-han-123528.html