Quan hệ giữa hai siêu cường nhìn từ chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ

Nhìn nhận khách quan, cả Mỹ và Trung Quốc đều cần nhau. Càng gia tăng căng thẳng, đối đầu, hai bên càng bất lợi và thế giới cũng bị ảnh hưởng, chia rẽ sâu sắc.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (phải) và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại thủ đô Bắc Kinh ngày 18/6. (Nguồn: AFP)

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (phải) và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại thủ đô Bắc Kinh ngày 18/6. (Nguồn: AFP)

Ai cần ai?

Ngày 18/6, Ngoại trưởng Antony Blinkel, quan chức ngoại giao cao nhất của Mỹ, lần đầu tiên đến Trung Quốc trong vòng 5 năm qua. Ngoại trưởng Mỹ lãnh sứ mạng “mở đường” cho quan hệ song phương đang vào hồi căng thẳng. Chuyến thăm này được nhen nhóm từ cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali, Indonesia, tháng 11/2022.

Ngay từ đầu, kế hoạch đã không “thuận buồm xuôi gió”. Chuyến thăm ấn định vào đầu tháng 2, nhưng bị hủy vì khinh khí cầu Trung Quốc bay qua lãnh thổ Mỹ và bị bắn hạ. Đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin bên lề Đối thoại Shangri - La vì sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ muốn hợp tác với Trung Quốc để vượt qua các thách thức trước mắt trên toàn cầu. Ngày 14/6, Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc điện đàm, muốn nỗ lực cùng duy trì kênh liên lạc trong các vấn đề song phương và toàn cầu. Ngày 15/6, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Thúc Giác Đình “bật đèn xanh”, nói 2 bên nên cố gắng phát triển lành mạnh và vững chắc các mối quan hệ kinh tế, thương mại song phương, để mang lại sự ổn định và năng lượng tích cực hơn cho nền kinh tế thế giới.

Dư luận nhận xét, Mỹ tỏ ra chủ động, sốt sắng hơn. Bối cảnh tình hình xem chừng bất lợi cho Mỹ. Trung Quốc thông qua sáng kiến “Vành đai con đường”, các dự án kinh tế, thương mại, cơ sở hạ tầng…, ngày càng gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu, cả những khu vực chiến lược được xem là “sân sau” của Hoa Kỳ như Nam Mỹ, Caribe, Trung Đông… Vai trò Trung Quốc tăng cao khi làm trung gian hòa giải Iran và Arabia Saudi; đón tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau chưa từng thấy, phát triển quan hệ hợp tác “không giới hạn”, hỗ trợ nhau về kinh tế, chính trị, ngoại giao. Bắc Kinh thu lợi lớn về dầu mỏ, mở rộng thị trường, đồng Nhân dân tệ có cơ hội cạnh tranh ngôi vị với đồng USD. Liên kết giữa Bắc Kinh – Moscow nâng tầm vị thế của Trung Quốc. Bắc Kinh có những phản đòn nhằm vào các tập đoàn lớn như Lockheed Martin, Raytheon, Micron (chip)…

Nội bộ Mỹ cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Sự cố “phá sản ngân hàng” vẫn treo lơ lửng; Chính phủ tạm thoát “bị treo” vì “trần nợ công”, thì cuộc chiến vận động tranh cử sắp ập đến… Mệt mỏi trong đối đầu với Moscow, khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Joe Biden không muốn có thêm một “mặt trận mới” đầy rủi ro với Bắc Kinh.

Trước động thái của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Washington cần làm việc với Bắc Kinh để cải thiện quan hệ song phương. Phía Trung Quốc nêu điều kiện cho đối thoại là Mỹ dừng can thiệp nội bộ, tôn trọng các mối quan tâm cốt lõi của Bắc Kinh (đặc biệt là vấn đề Đài Loan). Trung Quốc muốn thể hiện lợi thế của mình.

Nhưng Trung Quốc cũng không hẳn nắm thế thượng phong. “Bong bóng bất động sản phát nổ”; đầu tư nước ngoài giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư chiến lược “dứt áo ra đi”; “phép màu kinh tế” không xuất hiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm gây thất vọng… Các lệnh trừng phạt kinh tế, công nghệ gây cho Trung Quốc không ít khó khăn. Nhiều dự án đầu tư, hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với các nước kém hiệu quả, kéo theo hệ lụy cho đối tác, gây tâm lý nghi ngại, đề phòng.

Các chuyên gia, học giả lý giải sự “sốt sắng” của Mỹ nhằm trấn an đồng minh, đối tác rằng mối quan hệ song phương với Trung Quốc chưa hoàn toàn đổ vỡ. Làm vậy, Mỹ cũng muốn thể hiện thiện chí xây dựng và có cớ để nói, nếu quan hệ không cải thiện, lỗi thuộc về Trung Quốc! Nhìn nhận khách quan, cả Mỹ và Trung Quốc đều cần nhau. Càng gia tăng căng thẳng, đối đầu, hai bên càng bất lợi và thế giới cũng bị ảnh hưởng, chia rẽ sâu sắc.

Hai tay mới vỗ thành tiếng

Sau 2 cuộc hội đàm kéo dài gần 10 giờ với Bộ trưởng Tần Cương và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Vương Nghị, Ngoại trưởng Antony Blinkel có cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Trước đó, dư luận phấp phỏng liệu sự kiện rất được chờ đợi này có diễn ra không? Bởi đây là chỉ dấu quan trọng về mức độ quan hệ giữa hai nước và ý nghĩa, kết quả chuyến thăm. Sự không rõ ràng phần nào cho thấy thái độ, toan tính của mỗi bên.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/6. (Nguồn: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/6. (Nguồn: Reuters)

Có thể nói, 3 mục tiêu của chuyến thăm đạt được những kết quả, tiến bộ nhất định. Với mục tiêu thứ nhất, hai bên bày tỏ “mong muốn giảm căng thẳng”, tránh các “nhận thức sai lầm, tính toán sai lầm”; đưa mối quan hệ song phương vượt qua mức độ rất thấp hiện nay. Hai bên đồng ý “duy trì liên lạc ở cấp cao để quản lí sự khác biệt một cách có trách nhiệm và đảm bảo cạnh tranh không dẫn đến xung đột”. Duy trì kênh liên lạc cấp cao là tiền đề, nhưng thống nhất được cơ chế kiểm soát, quản lý khác biệt hiệu quả là một khoảng cách khá xa. Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận, “không ảo tưởng về những thách thức trong việc quản lý mối quan hệ này”.

Ở mục tiêu thứ hai, hai bên đề cập trực diện, rõ ràng về các mối quan ngại liên quan đến lợi ích cốt lõi của mình. Mỹ quan ngại các hành động quân sự gây phức tạp ở eo biển Đài Loan và các khu vực khác, quan hệ giữa Trung Quốc với Nga và Triều Tiên… Bắc Kinh nhấn mạnh yêu cầu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương, ngừng cản trở sự phát triển công nghệ và không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Bộ trưởng Tần Cương khẳng định: “Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ Trung - Mỹ và là rủi ro nổi bật nhất”. Ông Vương Nghị tuyên bố, trong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc “không có chỗ cho sự thỏa hiệp hay nhượng bộ”; Mỹ “cần phải lựa chọn giữa đối thoại và đối đầu, giữa hợp tác và xung đột”.

Ngoại trưởng Mỹ hiểu rõ tầm quan trọng, tính biểu tượng của “vấn đề Đài Loan”, nên nhắc lại quan điểm “một Trung Quốc” và không ủng hộ Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, Mỹ phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với bất kỳ bên nào và hy vọng giải pháp hòa bình cho vấn đề Đài Loan. Mỹ cam kết tiếp tục thực hiện các trách nhiệm theo Đạo luật quan hệ Đài Loan, bao gồm việc đảm bảo Đài Loan có khả năng tự vệ. Đài Loan là một “con bài” quan trọng, thể hiện thái độ, ứng xử của Mỹ với đồng minh, nên Washington khó nhượng bộ, đánh đổi. Nghĩa là, Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ Đài Loan, nhưng kín đáo hơn, tránh kích động Trung Quốc.

Mục tiêu thứ ba, tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác là khả dĩ nhất, như đánh giá của Chủ tịch Tập Cận Bình: “đã có bước tiến và đạt thỏa thuận về một số vấn đề cụ thể”. Đó là, khuyến khích tăng cường chương trình trao đổi song phương về sinh viên, học giả và doanh nhân; mở rộng các chuyến bay trực tiếp…

Kết quả chuyến thăm được hai bên ghi nhận bằng những ngôn từ đúng phong cách ngoại giao: hội đàm “thẳng thắn, chuyên sâu và mang tính xây dựng” và “sâu sắc”… Kết quả rõ ràng, đáng kể là hai bên đồng ý sắp xếp chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và tạo tiền đề cho các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G20 và Hội nghị các nhà lãnh đạo AFEC vào cuối năm 2023.

Ngôn ngữ tuyên bố của hai bên có nét tương đồng, như muốn “quản lý hiệu quả” hay “quản lý một cách có trách nhiệm” bất đồng, thúc đẩy trao đổi hợp tác, đưa quan hệ trở lại lành mạnh và ổn định... Nhưng nội hàm và cách truyền thông không hoàn toàn giống nhau. Ai cũng muốn giành lợi thế, “đá quả bóng” trách nhiệm sang đối phương.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều có những ưu tiên riêng và không trùng khớp với nhau. Trung Quốc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cản trở phát triển công nghệ, kinh tế và chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ một loạt tỷ phú công nghệ như Elon Musk (tập đoàn Tesla) và “người bạn Mỹ đầu tiên gặp trong năm” Bill Gates, ông chủ tập đoàn Microsoft vào ngày 16/6...; hay Trung Quốc muốn đón Bộ trưởng Tài chính, Thương mại Mỹ, chứng tỏ điều đó.

Ưu tiên trước hết của Mỹ là tránh những hành động “cận xung đột” có thể dẫn đến sai lầm đáng tiếc như vụ chiến đấu cơ J-16 “tạt đầu” máy bay trinh sát RC-135 (30/5); hay tàu chiến Trung Quốc “lướt ngang” khu trục hạm USS Chung Hoon ở eo biển Đài Loan (3/6). Tiếp theo là các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước…

Nếu Trung Quốc tuyên bố quan hệ theo phương châm “cùng thắng” (win-win) thì Mỹ thực tế hơn, muốn tránh “hai bên cùng thua”. Đặc biệt, điều mà hai bên thống nhất cao lại là thừa nhận có “sự khác biệt sâu sắc” và “có nhiều vấn đề mà chúng tôi không đồng ý”.

Đúng như dự báo, chuyến thăm chưa có bước đột phá nào, mang tính “thăm dò” là chủ yếu. Hai bên đạt được một số kết quả cụ thể và mở ra những dự định tiếp theo. Kết quả quan trọng nhất là hai bên hiểu sự nguy hiểm của mất kiểm soát bất đồng, đối đầu và trách nhiệm của hai cường quốc hàng đầu.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, hai nước có thể hòa thuận với nhau hay không “có ảnh hưởng đến tương lai và vận mệnh của nhân loại”. Cần xử lý mối quan hệ Mỹ-Trung “với thái độ có trách nhiệm với lịch sử, với nhân dân và với thế giới”. Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định “tôn trọng các lợi ích của Washington và không tìm cách thách thức hay thay thế Mỹ”. Trước đó, Tổng thống Joe Biden bày tỏ, Mỹ “không theo đuổi sự phân tách” mà chỉ “tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa quan hệ” với Trung Quốc.

Đưa ra những tuyên bố, cam kết như vậy là một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh quan hệ hiện nay. Thành ngữ có câu: “Hai tay mới vỗ thành tiếng”. Vấn đề quan hệ Mỹ-Trung chỉ có thể tháo gỡ, khi hai bên cùng có thiện chí; cân bằng lợi ích quốc gia với nhau; hài hòa giữa lợi ích quốc gia với trọng trách của hai siêu cường.

Vấn đề quan hệ Mỹ-Trung chỉ có thể tháo gỡ, khi hai bên cùng có thiện chí; cân bằng lợi ích quốc gia với nhau; hài hòa giữa lợi ích quốc gia với trọng trách của hai siêu cường (Nguồn: Reuters)

Vấn đề quan hệ Mỹ-Trung chỉ có thể tháo gỡ, khi hai bên cùng có thiện chí; cân bằng lợi ích quốc gia với nhau; hài hòa giữa lợi ích quốc gia với trọng trách của hai siêu cường (Nguồn: Reuters)

Những góc nhìn khác nhau, vừa hy vọng vừa e ngại

Mặc dù không quá lạc quan, nhưng dư luận quốc tế vẫn dành nhiều quan tâm cho chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken. Bước đầu có những đánh giá khác nhau. Có người cho rằng các cuộc đối thoại thiếu thực chất, không đạt được một mục tiêu quan trọng, cụ thể nào.

Nhiều người, dù công nhận chưa có đột phá, song cũng đánh giá có những kết quả tích cực, mang tính khởi đầu. Họ hy vọng tuyên bố của lãnh đạo hai bên sẽ là “kim chỉ nam” cho mối quan hệ đặc biệt quan trọng nhưng cũng đầy phức tạp, khó dự báo giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, dư luận cũng thấu hiểu vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa cường quốc số một và số hai. Ngoại trưởng Singgapore nhìn nhận, mâu thuẫn Mỹ - Trung là “thách thức thế kỷ”. Vấn đề không dễ hóa giải. Do đó, quốc tế vừa hy vọng vừa quan ngại. Chỉ mong hai cường quốc quản lý một cách có trách nhiệm các mâu thuẫn, bất đồng, không để dẫn đến xung đột.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Pakistan Hina Rabbani Khar nói: “Quan điểm chia thế giới ra làm hai khối khiến chúng tôi thực sự lo lắng. Chúng tôi rất quan ngại về sự chia tách này và bất cứ điều gì khiến thế giới trở nên chia rẽ hơn; đừng buộc chúng tôi phải chọn bên”. Đó cũng là tâm trạng, quan ngại chung của quốc tế.

***

Với tầm cỡ và hiện trạng quan hệ Mỹ-Trung, kết quả chuyến thăm là điều đã được dự báo trước. Hai bên đạt một số kết quả mang tính khởi đầu. Bước mở đầu bao giờ cũng khó khăn nhưng luôn có ý nghĩa. Nhưng vẫn còn nhiều việc lớn phải làm trong hành trình tiếp theo, tránh những “tính toán sai lầm”. Thống nhất nhận thức đã khó, chuyển hóa thành hành động và thống nhất giữa tuyên bố với hành động càng khó hơn.

Trong hành trình đó, trước hết là trách nhiệm và sự kiềm chế của cả Mỹ và Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế có thể tạo áp lực tích cực và môi trường thuận lợi cho việc thực thi các tuyên bố, cam kết.

Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-giua-hai-sieu-cuong-nhin-tu-chuyen-tham-trung-quoc-cua-ngoai-truong-my-233824.html