Quan hệ giữa Mỹ và châu Âu - Đồng sàng dị mộng
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng và các sáng kiến của ông về Ukraine có thể gây ra sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu (EU). Các nước vùng Baltic và một số nước Nam Âu tuyên bố sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Kiev, nhưng phần lớn EU sẽ ủng hộ sáng kiến của tân tổng thống Mỹ. Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ có thể gây áp lực lên các đồng minh về các vấn đề thương mại và yêu cầu tăng chi tiêu quân sự lên 5% GDP.
Thiếu sự thống nhất trong EU về vấn đề Ukraine
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Những tuyên bố gần đây của ông Trump và ê-kíp của Mỹ như một thông điệp cho thấy rằng, các nhà lãnh đạo Brussels và châu Âu sẽ phải nỗ lực nhiều nhằm thích ứng với đường lối đối ngoại mới của Mỹ.
Tất nhiên, vấn đề đau đầu nhất vẫn là cuộc xung đột ở Ukraine. Cả trong chiến dịch tranh cử và sau khi đắc cử, Tổng thống Trump liên tục nói về sự cần thiết phải chấm dứt sự đối đầu giữa các bên càng sớm càng tốt. Ngày 24/12, Keith Kellogg, người được cho sẽ là đặc phái viên của tổng thống Mỹ về vấn đề Ukraine, nói rằng việc chấm dứt xung đột sẽ là “ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ”.
Mặc dù chưa đưa ra được lộ trình cụ thể, chi tiết, nhưng chủ trương nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine của chính quyền Trump có vẻ như không được các đồng minh châu Âu hưởng ứng. Ngày 19/12, tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU, người đứng đầu phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Kaja Kallas, đã lên tiếng phản đối các cuộc đàm phán hòa bình sớm về Ukraine, mà theo quan điểm của bà, có thể trở thành một “thỏa thuận tồi tệ” đối với Kiev. Do đó, những người tham gia hội nghị thượng đỉnh kêu gọi tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, chủ yếu là các hệ thống phòng không, đạn pháo và tên lửa.
Hiện nay, quan điểm, lập trường của các thành viên EU về chiến lược tương lai cho Ukraine vẫn còn nhiều khác biệt; vì thế, EU lo ngại các cuộc đàm phán hòa bình mà Tổng thống Trump sắp khởi xướng chỉ có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ vốn đã tồn tại trong liên minh. Ví dụ, tại một hội nghị ở Lapland/Phần Lan vào ngày 22/12, Thụy Điển, Ý và Hy Lạp đã đồng ý hỗ trợ Ukraine trong thời gian cần thiết, tất nhiên bao gồm cả về mặt quân sự.
Trong khi đó, cũng đã có những tiếng nói ở châu Âu ủng hộ việc khôi phục quan hệ với Nga. Hungary công khai ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Thủ tướng Viktor Orban không ngần ngại gọi Tổng thống Putin là “đối tác công bằng” cho Hungary. Hơn nữa, trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga vào tháng 12/2024, Thủ tướng Viktor Orban đã đề xuất Moscow và Kiev ký kết một thỏa thuận ngừng bắn vào dịp Giáng sinh và thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân lớn. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị chính quyền Kiev bác bỏ. Ngày 22/12, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã có chuyến thăm Moscow. Slovakia được đánh giá là quốc gia có quan điểm tương đối cân bằng về vấn đề Ukraine.
Quốc gia châu Âu nào sẽ ủng hộ các sáng kiến của Tổng thống Trump?
Bất chấp những nỗ lực của Hungary và Slovakia nhằm đóng vai trò trung gian hòa giải cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng không thể phủ nhận thực tế là sức ảnh hưởng của 2 nước này ở phương Tây là rất nhỏ, và chủ trương, chính sách của EU phần lớn phụ thuộc vào các quốc gia “đầu tàu”.
Theo Vasily Klimov, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Quốc tế tại Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (IMEMO), Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, Pháp, Đức nhiều khả năng sẽ ủng hộ các đề xuất của Tổng thống Mỹ Trump; song, lộ trình triển khai vẫn chưa rõ ràng và bản thân ông Trump cũng có thể sẽ thay đổi quan điểm của mình. Nếu Pháp và Đức ủng hộ một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine, thì sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền, mở rộng danh sách những quốc gia ủng hộ lựa chọn này.
Tất nhiên, sẽ có những quốc gia tiếp tục đi theo con đường hỗ trợ vô điều kiện cho Ukraine. Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Kiev ở vùng Baltic cũng thừa nhận rằng, NATO không thể chiến đấu với Nga nếu không có sự tham gia của Mỹ. Theo chuyên gia Vasily Klimov, nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ, EU sẽ chỉ có thể tự mình hỗ trợ Ukraine trong một khoảng thời gian giới hạn. Thực tế, kho đạn dược hiện nay ở châu Âu có dấu hiệu cạn kiện và để bù đắp cho sự thiếu hụt này, không còn cách nào khác là các nước châu Âu khởi động lại tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Trong bối cảnh đó, nếu không có sự hỗ trợ từ Mỹ, châu Âu sẽ không thể cung cấp tất cả năng lực cần thiết để hỗ trợ Ukraine.
Quan hệ Mỹ-Pháp: Điểm chung về chính sách quân sự
Quan hệ Mỹ-Pháp luôn đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sự đoàn kết, thống nhất ở phương Tây. Pháp trở thành quốc gia đầu tiên được Tổng thống Trump đến thăm sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ngày 7/12, ông Trump đã bay tới Paris dự lễ khai trương Nhà thờ Đức Bà được trùng tu sau trận hỏa hoạn năm 2019. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Trump cam kết, Mỹ luôn xem Pháp là “người bạn và đồng minh” truyền thống của Mỹ.
Tuy nhiên, không nên quên rằng, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, quan hệ giữa Washington và Paris đặc biệt phức tạp do bất đồng trong nhiều vấn đề. Điển hình như việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, áp dụng thuế đối với thép châu Âu, cũng như việc Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Israel. Song nếu xét về quan điểm của hai nhà lãnh đạo về hợp tác quân sự giữa Mỹ và châu Âu, thì nhìn chung không có mâu thuẫn căn bản nào.
Về vấn đề này, Alexey Chikhachev, giảng viên tại Khoa Nghiên cứu châu Âu tại Đại học quốc gia St. Peterburg nhận định, cả Tổng thống Trump và Tổng thống Macron đều nói rằng, người châu Âu nên đầu tư nhiều hơn vào an ninh của chính họ và chi nhiều hơn cho quốc phòng. “Quyền tự chủ chiến lược” từ Mỹ mà Tổng thống Macron nhiều lần nhắc đến có nghĩa là các nước châu Âu cần phải trở thành một đồng minh tự chủ và có giá trị hơn của Washington. Ý tưởng của ông là người châu Âu nên tăng chi tiêu quân sự không phải theo lệnh của Tổng thống Trump mà là tự nguyện. Do đó, nhìn chung, “cả Macron và Trump, từ những quan điểm khác nhau, đều đi đến cùng một kết quả”.
Có thể nói, Pháp hiện đang theo đuổi đường lối “diều hâu” đối với Nga và đang cố gắng thể hiện vai trò dẫn dắt của mình ở châu Âu. Tuy nhiên, nếu Mỹ và Nga đạt được một thỏa thuận nào đó, thì nhiều khả năng Paris sẽ có những điều chỉnh chiến lược và chấm dứt đường lối cứng rắn của mình. Theo chân Pháp, nhiều nước khác cũng có thể làm điều tương tự, do mong muốn của một số nước Trung Âu khôi phục quan hệ với Nga.
Bất đồng Mỹ-EU về thương mại và chi tiêu quốc phòng
Không chỉ trong vấn đề Ukraine, quan hệ đồng minh Mỹ-EU dự báo sẽ đối mặt với nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Ông Trump không ít lần công khai ý định quay trở lại các chính sách bảo hộ và tăng thuế đối với các sản phẩm của EU. Viết trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 20/12, ông Trump “nắn gân” các nước EU phải tăng đáng kể lượng mua dầu và khí đốt từ Mỹ nhằm bù đắp khoản thâm hụt thương mại giữa các bên hiện nay; nếu không, EU sẽ phải đối mặt với chính sách thuế quan khắc nghiệt từ Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, EU và Mỹ đã rơi vào một cuộc chiến thương mại gay gắt. Năm 2018, Tổng thống Trump đã áp đặt mức thuế 6,4 tỷ euro đối với thép và nhôm nhập khẩu từ EU và các nước khác, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Đáp lại, Brussels áp đặt mức thuế 25% đối với xe máy, nước cam và rượu whisky và 50% đối với giày dép, một số loại quần áo và máy giặt. Các mức thuế này được đình chỉ cho đến tháng 3 năm 2025 như một phần của thỏa thuận tạm thời với chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden.
Rõ ràng, với chủ trương “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ không ngần ngại gây áp lực lên các đồng minh châu Âu, miễn sao mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Do đó, quan hệ giữa Mỹ và EU trong lĩnh vực thương mại sẽ đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc gia tăng mức chi cho quốc phòng cũng sẽ là nút thắt trong quan hệ đồng minh giữa hai bên. Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump đã yêu cầu các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% GDP, như đã nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014 ở Newport. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 23 trong số 32 quốc gia NATO đáp ứng được yêu cầu này. Trong bối cảnh đó, mức chi tiêu 5% GDP mà Tổng thống Trump tuyên bố mới đây sẽ là mức chi quá cao và xa vời đối với hầu hết các quốc gia thành viên NATO.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-he-giua-my-va-chau-au-dong-sang-di-mong-236209.htm