Quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản ấm dần, 'rục rịch' đối thoại an ninh lần đầu sau 5 năm
Tokyo và Seoul sẽ đàm phán an ninh lần đầu tiên trong 5 năm vào tháng 4.
Theo Japantimes, Nhật Bản và Hàn Quốc đang khởi động tổ chức các cuộc đàm phán an ninh kinh tế và an ninh quốc gia đầu tiên trong hơn 5 năm vào tháng tới, trước thềm chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Mỹ vào ngày 26/4.
Việc nối lại đối thoại sớm, lần cuối vào tháng 3 năm 2018, đã được hai Thủ tướng đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh ngày 16/3, với việc Tokyo và Seoul làm việc để cải thiện mối quan hệ của họ, vốn đã bị rạn nứt bởi tranh chấp lao động song phương thời chiến trong thời gian gần đây.
Đây được coi như một bước tiếp theo sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hồi tháng trước.
Đối thoại an ninh quốc gia với sự tham gia của các quan chức thuộc các cơ quan chính sách đối ngoại và quốc phòng của hai nước, cũng dự kiến bắt đầu vào cùng thời gian đó.
Một quan chức khác cho biết mục tiêu là ra mắt cả hai kênh đối thoại về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia ngay trong tháng này, mặc dù chưa ấn định thời gian cụ thể.
Đối thoại an ninh kinh tế dự kiến sẽ đóng vai trò là diễn đàn để thảo luận hợp tác về các vấn đề chuỗi cung ứng liên quan đến chất bán dẫn, xe điện và pin, cũng như phản ứng chung của hai nước đối với các biện pháp kiểm soát các áp lực kinh tế.
Seoul và Tokyo cũng có thể thảo luận về phản ứng của hai nước đối với Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật Khoa học và chíp bán dẫn của Mỹ, trong bối cảnh lo ngại các đạo luật này có thể gây tổn hại các doanh nghiệp trong nước.
Trong khi đó, đối thoại an ninh quốc gia dự kiến sẽ giúp Seoul và Tokyo phối hợp phản ứng trước diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên cũng như các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đã ấm lên đáng kể sau khi Hàn Quốc hồi đầu tháng này công bố phương án bồi thường cho các nạn nhân lao động thời chiến thông qua một quỹ do các doanh nghiệp tư nhân nước này đóng góp, thay vì yêu cầu các công ty Nhật Bản liên quan chi trả trực tiếp.