Quan hệ hợp tác Việt Nam-UAE có những bước phát triển vượt bậc
Với tiềm năng hợp tác sẵn có, cùng với nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và UAE sẽ phát triển năng động, hiệu quả hơn.
Năm 2023 là năm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1993-1/8/2023) và chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA).
30 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-UAE đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ chỗ quan hệ hai nước chỉ thuần túy mang tính chất chính trị, ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngày nay Việt Nam và UAE đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau ở khu vực Trung Đông và Đông Nam Á.
Quan hệ chính trị không ngừng được củng cố
Quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và UAE được thiết lập ngày 1/8/1993. Nhưng trên thực tế, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và UAE đã hình thành từ lâu và được thử thách trong cuộc đấu tranh chung giành độc lập dân tộc của hai nước.
Chính phủ và nhân dân UAE đã ủng hộ và cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng đất nước hiện nay của nhân dân Việt Nam.
Trong 30 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-UAE ngày càng phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, lao động và du lịch. Sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố.
Các hoạt động trao đổi đoàn sôi động ở nhiều cấp giữa hai nước thời gian gần đây là minh chứng rõ nét. Trong đó, nổi bật nhất là chuyến thăm và làm việc tại UAE của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (tháng 4/2023); chuyến thăm và làm việc tại UAE của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (tháng 5/2023); chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan (tháng 6/2023); chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại Quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi (tháng 6/2023).
Những chuyến thăm này đã góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong chuyến thăm và làm việc tại UAE vào tháng 4/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại Quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA).
Hiệp định này có ý nghĩa to lớn, là một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, mở ra một giai đoạn mới về hợp tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực.
Đây thực sự là cơ sở quan trọng để đưa quan hệ Việt Nam-UAE có bước phát triển mới, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ... sang UAE, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ thương mại và dịch vụ sang các nước Trung Đông-châu Phi.
Hiệp định cũng thúc đẩy đầu tư của UAE sang Việt Nam và mở rộng tiềm năng sang các lĩnh vực khác như đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đầu tư, logistics, công nghệ, du lịch, nông nghiệp...
Bên cạnh hợp tác song phương, hai nước cũng tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn đa phương; nâng cao hiệu quả của cơ chế Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao; phát huy vai trò của Việt Nam và UAE trong quan hệ giữa ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương. UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-UAE được duy trì ở mức 5-5,5 tỷ USD/năm. Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam-UAE đạt 5,3 tỷ USD, tăng mạnh 21% so với năm 2020.
Năm 2022, theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại hai chiều Việt Nam-UAE đạt gần 4,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang UAE 3,84 tỷ USD, giảm gần 18% so với năm 2021 và nhập từ thị trường này 550 triệu USD.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mai song phương đạt trên 1,12 tỷ USD, tăng mạnh 22,14% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện Việt Nam chiếm khoảng 2,2% thị phần nhập khẩu tại UAE và UAE chiếm khoảng 0,2% thị phần nhập khẩu của Việt Nam.
Nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị... tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Hai nước phấn đấu sớm đạt được mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch thương mại trong tương lai gần và cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, UAE là một trong những nhà đầu tư lớn từ khu vực Vùng Vịnh tại Việt Nam với các dự án như Cảng Hiệp Phước, Khách sạn Halong Star và một số dự án du lịch ở Đà Nẵng... với tổng số vốn đầu tư cam kết ước đạt 4 tỷ USD.
Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và UAE còn rất lớn, bởi hai nền kinh tế có thế mạnh bổ sung cho nhau, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-UAE (CEPA) được đàm phán, ký kết tới đây.
Với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA), ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết hiệp định không chỉ giúp xuất khẩu trực tiếp hàng hóa sang UAE, mà còn giúp hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông thông qua “cửa ngõ UAE.”
Theo các chuyên gia, trong cơ cấu kinh tế của UAE, lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 0,9% (chủ yếu là chăn nuôi và trồng chà là), lĩnh vực công nghiệp chiếm 49,8% (chủ yếu là khai thác và chế biến dầu thô).
Vì vậy, UAE hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại, sản phẩm điện tử... để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Để có thể thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào UAE, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm các chi phí trung gian, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.
Ở chiều ngược lại, trong lĩnh vực thế mạnh của UAE là năng lượng, Việt Nam luôn coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông. UAE có trữ lượng dầu, khí lớn, có ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu, khí phát triển và có vị trí, vai trò quan trọng trong ngành năng lượng của thế giới.
Việc CEPA được ký kết sẽ là cơ sở pháp lý để hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, trao đổi về chuyên môn kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quan trọng này...
Ngoài ra, cộng đồng công dân hai nước tại mỗi nước của nhau đang phát huy rất tốt vai trò cầu nối cho quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Khoảng 3.500 lao động Việt Nam đang làm việc hợp pháp tại UAE, chủ yếu trong các ngành nghề xây dựng, cơ khí, đóng tàu, dịch vụ...
Hai bên cũng tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân và biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-UAE nhằm thắt chặt tình hữu nghị, gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Với tiềm năng hợp tác sẵn có, cùng với nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và UAE sẽ phát triển năng động, hiệu quả hơn, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước./.