Quan hệ kinh tế Việt - Trung: Toàn diện và thực chất

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có chuyến thăm Trung Quốc, cho thấy Việt Nam xem trọng quan hệ kinh tế với Trung Quốc và mong muốn mối quan hệ hợp tác Việt - Trung phát triển lên tầm cao mới.

Trước đó, tháng 6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm Trung Quốc. Trong chuyến đi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại”.

Hai nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và ý thức hệ, trong hơn nửa thế kỷ qua, dẫu có nhiều “sóng gió”, nhưng nhìn chung quan hệ kinh tế Việt - Trung là rất quan trọng. Đặc biệt là trong hơn bốn thập niên gần đây, khi Trung Quốc phát triển trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, điểm đến của hàng ngàn nhà đầu tư trên thế giới.

Sự phát triển thần kỳ đã biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới. Ở đó có vô vàn cơ hội: Công nghệ hiện đại, máy móc, thiết bị, phụ kiện và cả nguyên vật liệu. Trong những năm qua, Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội này.

Trung Quốc là nước đi trước, đã làm rất tốt những thứ mà người Việt còn loay hoay tìm cách. Giao thông đô thị là một ví dụ. Trung Quốc chỉ mất vài chục năm để hoàn thiện hàng ngàn km đường tàu điện ngầm, giải quyết tốt vấn đề kẹt xe. Không chỉ các nước đang phát triển mà cả Mỹ, EU hiện đều chọn các nhà thầu Trung Quốc để nâng cấp hệ thống giao thông.

Trong quan hệ ngoại giao, người Trung Quốc có câu “Cầu đồng, tồn dị”. Nói theo cách của người Việt là tìm kiếm những điểm tương đồng, gác lại những khác biệt. Có như thế mới có thể khai thác lợi thế của nhau.

Trong chuyến đi thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 14 văn kiện hợp tác.

Trong 14 văn kiện được ký kết tại buổi lễ có “Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả Dự án Viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”. Đây là một bước đi cụ thể cho chiến lược hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc bao gồm hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, và vành đai kinh tế Vịnh Bắc bộ đã được lãnh đạo cao cấp hai nước thỏa thuận xây dựng từ hơn chục năm về trước.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc hợp tác này có tính liên vùng và xuyên quốc gia, nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của các địa phương mà “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” đi qua, đồng thời phát huy vai trò lan tỏa của nó đối với các địa phương khác thuộc Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc hướng tới mục tiêu chung là cùng có lợi và cùng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc… đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong việc xuất khẩu những mặt hàng nông sản của Việt Nam như cá sấu, trái cây và thủy hải sản mà Việt Nam vốn có thế mạnh.

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ, chiếm 92,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng. Nếu như hai bên hoàn tất thủ tục về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi sang Trung Quốc chắc chắn kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ còn tăng thêm.

GS. Lưu Anh, một chuyên gia nghiên cứu tài chính, đầu tư “Vành đai và con đường”, quản trị toàn cầu của Đại học Nhân dân Trung Quốc nói: “Ưu tiên hàng đầu của hai nước Trung Quốc và Việt Nam nên là tăng cường hợp tác toàn diện và thực chất, nhằm thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc tăng cường kết nối giữa “Hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai và con đường”. Trên thực tế, nội dung hợp tác hết sức phong phú, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới”.

Hiện nay, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc). Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã mở ra cơ hội rất lớn để nâng quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Phan Thế Hải

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/quan-he-kinh-te-viet-trung-toan-dien-va-thuc-chat-313029.html