Quan hệ Liên minh châu Âu rạn nứt trong vấn đề mở rộng khối
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp nhấn mạnh Pháp không phải là nước duy nhất muốn củng cố các quy định của EU trước khi tiếp nhận các ứng cử viên khu vực Tây Balkan.
Trong cuộc họp kín ngày 19/11 tại Brussels (Bỉ), một cuộc tranh cãi về các quy định gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đã nổ ra giữa các nước thành viên trong khối sau khi Pháp nêu ý kiến cần phải cải cách tiến trình gia nhập EU trước, qua đó trì hoãn nỗ lực của Albania và Bắc Macedonia.
Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin nhấn mạnh Pháp không phải là nước duy nhất muốn củng cố các quy định của EU trước khi tiếp nhận các ứng cử viên khu vực Tây Balkan.
Bà nhấn mạnh những tuyên bố chính trị về nguyên tắc đã được trình lên để Ủy ban châu Âu (EC) tập trung thảo luận cho đến tháng 1/2020.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao châu Âu cảnh báo quan điểm đơn nhất của Pháp, cụ thể đối với ứng cử viên Bắc Macedonia quá rõ ràng. Theo nhà ngoại giao này, hầu hết các nước thành viên EU vẫn có thiện chí tiến hành các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Albania và Bắc Macedonia.
Quan chức giấu tên này nhấn mạnh các cuộc thảo luận về cải tổ các quy định gia nhập EU không nên được xem là cái cớ để trì hoãn những quyết định hoặc trở thành yếu tố cản trở.
Trong khi đó, Quốc vụ khanh Phần Lan - nước hiện đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng châu Âu, bà Tytti Tuppurainen cho biết các nước thành viên đã lắng nghe đề đạt của Pháp, song bên cạnh một số nước hoan ngênh ý kiến này, cũng có nhiều nước tỏ ra quan ngại.
Bà cho biết Ủy ban châu Âu sắp tới, dự kiến nhậm chức vào tháng 12 tới, sẽ có trách nhiệm xây dựng đề xuất mới cải cách tiến trình đăng ký gia nhập EU.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Italy, ông Vincenzo Amendola cho biết mục tiêu chung của khối là mở rộng các cuộc đàm phán tư cách thành viên với Albania và Bắc Macedonia.
Sáu nước đã gửi thư lên Chủ tịch EC sắp mãn nhiệm Jean-Claude Juncker, tuyên bố tích cực tham gia nỗ lực cải thiện tiến trình này. Áo, Cộng hòa Séc, Italy, Ba Lan, Slovakia và Slovenia cũng thể hiện rõ quan điểm việc củng cố sức mạnh EU không thể hoàn thành nếu không có sự tham gia của các nước Tây Balkan.
Các nước này cũng đã hối thúc các nước thành viên tiến hành các cuộc đàm phán tư cách thành viên với Albania và Bắc Macedonia vào tháng 3/2020./.